Nơi người dân không chôn xác chết mà đặt dưới gốc cây 1.000 tuổi

0
16
Phần lớn người theo đạo Hindu trên đảo Bali đều hỏa táng người quá cố, trong khi người làng Trunyan để xác chết tự phân hủy trong những lồng tre đặt ngoài trời. Nơi này nằm bên bờ một hồ nước trên miệng núi lửa Batur, cách ngôi làng một chuyến đi thuyền ngắn. Ảnh: Yusuf IJsseldijk/Creative Commons.

Người Aga Bali, Indonesia để xác chết phân hủy trong rừng, bên dưới một tán “cây thần” được cho là có thể ngăn mùi tử khí.

“Anh họ tôi nằm đằng kia”, hướng dẫn viên Ketut Blen nói và chỉ tay về phía đống quần áo bên dưới một lồng tre, trong nghĩa trang của người Aga Bali, thuộc làng Trunyan trên đảo. Nghĩa trang là một khoảng đất biệt lập trong rừng rậm. Tại đây dân làng đặt xác chết lộ thiên cho phân hủy tự nhiên.

Blen lý giải: “Ở đây có núi lửa, vì vậy chúng tôi không thể hỏa táng. Điều đó có thể phạm đến ngọn núi”. Người Aga Bali như Blen sống trong ngôi làng ngay sát miệng ngọn núi lửa Batur còn hoạt động, và bên cạnh hồ gần đỉnh núi – giữa hai nguồn năng lượng đối lập trong tự nhiên là lửa và nước. Trong khi đó, núi lửa là hiện thân của thần Brahma trong đạo Hindu.

Phần lớn người theo đạo Hindu trên đảo Bali đều hỏa táng người quá cố, trong khi người làng Trunyan để xác chết tự phân hủy trong những lồng tre đặt ngoài trời. Nơi này nằm bên bờ một hồ nước trên miệng núi lửa Batur, cách ngôi làng một chuyến đi thuyền ngắn. Ảnh: Yusuf IJsseldijk/Creative Commons.

Phần lớn người theo đạo Hindu trên đảo Bali đều hỏa táng người quá cố, trong khi người làng Trunyan để xác chết tự phân hủy trong những lồng tre đặt ngoài trời. Nơi này nằm bên bờ một hồ nước trên miệng núi lửa Batur, cách làng một chuyến đi thuyền ngắn. Ảnh: Yusuf IJsseldijk/Creative Commons.

Vì thi hài chỉ được chuyển đến nghĩa trang hay đền thờ vào ngày lành tháng tốt, có những gia đình phải để thi hài của người quá cố trong nhà vài ngày, thậm chí vài tuần. Gia quyến phải gom tiền để tổ chức tang lễ, và dùng hợp chất formaldehyde để bảo quản xác.

Bên trong nghĩa địa sừng sững một cây cổ thụ rêu phong. Nó trông giống một cây đa hàng trăm năm tuổi. Người địa phương gọi nó là Taru Menyan, nghĩa là “cây tỏa hương”.

“Đây chính là cây ma thuật. Nếu để ở nhà, xác chết sẽ bốc mùi. Ở đây thì không, vì có cái cây này”, Ketut Darmayasa, bạn của Blen, nói.

Cây cổ thụ tỏa bóng mát xuống nghĩa trang. Ảnh: ithaka.

Cây cổ thụ tỏa bóng mát xuống nghĩa trang. Người dân tin rằng “cây thần” đã hơn 1.100 tuổi. Ảnh: ithaka.

Số 11 có nhiều ý nghĩa trong Hindu giáo, vì vậy người làng Trunyan chỉ dựng 11 lồng tre trong nghĩa địa. Khi không còn chỗ trống, dân làng chuyển các hài cốt lâu năm nhất đến một khu vực lộ thiên, nếu những bộ xương còn nguyên vẹn. 

Blen tiết lộ, người làng Trunyan có hai nghĩa địa, nơi anh đứng dành cho những người được cho là đã đi đến hết cuộc đời. “Mọi người ở đây đều đã kết hôn khi qua đời. Những người chết trước khi dựng vợ gả chồng hay đuối nước dưới hồ được đặt dưới lòng đất”, Blen nói.

Với người Aga Bali, những bộ hài cốt như lời nhắc nhở về cái chết, điều không ai có thể tránh khỏi. Do đó, Blen có thể nhìn vào thi thể của người anh họ mình từng yêu quý mà không hề đau khổ. Darmayasa tiết lộ bạn mình chỉ buồn khi ở nhà, khi tới nghĩa trang anh không hề thấy tiếc thương. “Vì đó là văn hóa của chúng tôi”, Darmayasa khẳng định.

Bộ tộc Aga Bali là một trong những cư dân lâu đời nhất trên đảo, khoảng 1.000 năm trước. Họ sống trong một ngôi làng tách biệt phía tây bắc Bali, có tín ngưỡng và nghi thức tâm linh riêng. Người làng Trunyan coi trọng lễ quất đọt mây và mai táng tử thi trong rừng.

Người làng Trunyan đặc biệt tin tưởng vào thuyết vật linh hơn bất kỳ tín đồ theo đạo Hindu nào trên đảo Bali. Theo đó linh hồn tồn tại trong vạn vật từ con người, động vật, cỏ cây đến sông núi… trong mọi hiện tượng tự nhiên từ sấm chớp đến mưa bão, hay các thực thể khác trong tự nhiên.

Làng Trunyan nằm bên bờ một hồ nước ngay dưới miệng một ngọn núi lửa còn hoạt động. Ảnh: Theodora Sutcliffe.

Làng Trunyan nằm bên bờ một hồ nước ngay dưới miệng một ngọn núi lửa còn hoạt động. Ảnh: Theodora Sutcliffe.

Ngày nay nghĩa trang làng Trunyan là điểm đến nhiều du khách tìm đến để có trải nghiệm độc lạ. Từ thủ phủ Denpasar, du khách phải đi hơn 60 km đến núi Batur sau đó thuê thuyền máy qua hồ để đến làng.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại tình trạng khách kéo tới tham quan nghĩa trang Trunyan có thể khiến ngôi làng tách biệt này trở thành điểm nóng du lịch, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, phát triển du lịch bừa bãi có thể dẫn đến nạn “chặt chém” và tình trạng kinh doanh “chui” của những công ty lữ hành hoạt động trái phép.

Theo BBC

Nguồn: Vnexpress.net