Những người sống ở Sundarbans tin rằng, thần linh và sức mạnh đoàn kết sẽ giúp họ thoát khỏi những mối nguy hiểm từ rừng xanh.
Nằm ở biên giới Ấn Độ và Bangladesh trên đồng bằng sông Hằng, Sundarbans là khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới hiện nay. Mang ý nghĩa “khu rừng đẹp” trong tiếng Bengal, Sundarbans gồm hàng trăm hòn đảo và trải rộng hơn 10.000 km2.
Mạng lưới đầm lầy chằng chịt và những hòn đảo nhỏ dày đặc chính là nơi ở của hơn 50 loài thú có vú, 315 loài chim và 59 giống bò sát. Tuy nhiên, Sunbardans lại nổi tiếng bởi đây là môi trường sống cuối cùng của loài hổ Hoàng gia Bengal. Loài động vật săn mồi dũng mãnh đã chung sống với loài người hàng trăm năm qua. Mỗi năm, có khoảng 60 người dân ở Surdarbans bị hổ tấn công và có rất nhiều nạn nhân không thể sống sót.
Nữ thần vào người bảo hộ
Nữ thần Bonbibi được tin là người bảo cho vệ người Ấn Độ và người Bangladesh ở Surdarbans. Ảnh: BBC. |
Cộng đồng ở đây vẫn luôn tin rằng khi vào rừng, họ có sự che chở của nữ thần Bonbibi, dù họ là người Ấn Độ hay Bangladesh, người Hồi giáo hay Hindu, không phân biệt giàu nghèo.
Theo một truyền thuyết, Bonbibi là người Hồi giáo ở Ả Rập, sau khi tới Mecca, bà đã được ban cho một sức mạnh siêu nhiên để đi 5.000 km về phía đông, đến Sundarbans.
Khi tới đây, Bonbibi thấy một khu rừng có đầy những con hổ ăn thịt người và chúng được cai trị bởi một con quỷ tên là Dakshin Rai. Bonbibi đã đánh bại quỷ dữ và bắt nó thề không để lũ hổ giết hại loài người nữa. Bonbibi sau đó trở thành người cai quản của khu rừng và đến nay vẫn được người dân tôn thờ. Dakshin Rai sau đó trốn thoát tới một nơi tăm tối trong khu rừng và hóa thân thành hổ dữ.
Sambhu Nath Mistri, một ngư dân theo đạo Hindu sống ở làng Mitrabari (Ấn Độ), chia sẻ: “Mỗi khi vào rừng, chúng tôi sẽ sát cánh cùng những người bạn Hồi giáo của mình. Vì vậy, trong trường hợp những con hổ muốn tấn công, chúng sẽ không thể làm gì được nếu chúng tôi đoàn kết”.
Vị thần chung
Không giống như người Hindu, người Hồi giáo không được phép thờ tượng thần. Tuy nhiên, hầu hết các ngôi làng ở Sundarbans, bất kể trên vùng đất Ấn Độ hay Bangladesh, miếu nữ thần Bonbibi đều được đặt ở các lối vào. Những lễ vật như sữa, trái cây, kẹo dâng lên thần có tên gọi là “bhog”, được đặt dưới chân của ngôi miếu. Bibi là cách người dân gọi họ của nữ thần linh thiêng.
Lễ vật sẽ được đặt dưới chân miếu của thần Bonbibi. Ảnh: BBC. |
Hàng năm, lễ hội Bonbibi được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 2, tùy thuộc vào từng ngôi làng. Người dân theo đạo Hindu và Hồi giáo của mỗi làng sẽ tập hợp tại một ngôi đền, lắng nghe truyền thuyết thần Bonbibi đánh bại Dakshin Rai.
Những phụ nữ phải nhịn ăn từ khi mặt trời hé rạng đến lúc hoàng hôn. Họ tin rằng việc nhịn ăn sẽ giúp bảo vệ gia đình họ khỏi những nguy hiểm. Ngoài miếu Bonbibi được đặt trong làng, nhiều ngôi đền được dựng tạm thời trong các khu rừng gần đó.
“Căng thẳng, đối lập xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước. Nhưng chúng tôi chưa từng có thành kiến với những người bạn Hindu của mình. Vào lễ hội của người Hồi giáo, chúng tôi vẫn mời họ tới tham dự cùng và đó là tập tục của địa phương.”, Hazarat Gazi, một người dân sống ở Dayaour, đảo Satjelia (Ấn Độ), cho biết.
Ngoài những lễ hội được tổ chức hàng năm, mỗi khi ngư dân hoặc người kiếm mật cần vào rừng, họ đều đến trước đền thần Bonbibi và hứa rằng sẽ không tham lam những thứ từ thiên nhiên. Còn phụ nữ ở địa phương sẽ dâng hoa cho thần Bonbibi vào những ngày tốt lành, để cầu ước sự may mắn tới với dân làng của họ.
Sự thay đổi
Trong khi hầu hết các làng ở Sundarbans đều sùng bái thần Bonbibi, vùng đảo thấp hơn thường thờ cúng theo nghi thức truyền thống. Họ thay thế lễ vật bằng bánh gạo và đặt chúng gần những ngôi đền mái cỏ.
Sự tham lam của một số người khiến tài nguyên rừng dần cạn kiệt và đe dọa môi trường sống của loài hổ. Ảnh: BBC. |
Khi nhịp sống hiện đại đang dần tiến vào khu rừng, vai trò và đức tin đối với thần Bonbibi bị đe dọa. Niranian Raftan, một người đi rừng đến từ Jamespur, đảo Satjelia cho biết, cộng đồng của họ ngày càng lo lắng khi có nhiều kẻ phá vỡ lời thề với thần Bonbibi, lấy nhiều của cải từ rừng hơn những gì họ cần. Điều đó khiến tài nguyên rừng dần cạn kiệt và là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các cuộc tấn công từ loài hổ.
Trong những năm gần đây, nạn phá rừng và xói mòn đất làm suy giảm môi trường sống của hổ, khiến những con vật này bắt đầu xâm nhập vào làng và tấn công con người. Cùng với sự giúp đỡ của người dân, ban kiểm lâm địa phương được giao nhiệm vụ bắt những con hổ bằng thuốc an thần và đưa chúng trở lại rừng.
Hiện nay, các hoạt động thương mại và du lịch đều bị cấm ở vùng lõi công viên quốc gia Sundarbans, nhằm bảo tồn một số loài động vật hoang dã, tuy nhiên du khách vẫn có thể tham quan các khu vực vùng ven của công viên.
Để du lịch tới công viên quốc gia Sundarbans, du khách có thể lựa chọn hình thức tự trải nghiệm hoặc tour của các công ty du lịch ở Ấn Độ. Sundarbans nằm cách Kolkata (bang Tây Bengal, Ấn Độ) khoảng 100 km về hướng đông nam. Cách duy nhất để khám phá Sundarbans là di chuyển bằng thuyền trên sông. Du khách cần có giấy phép, hộ chiếu để tham quan khu vực này. Giấy phép sẽ được cấp ở Cục lâm nghiệp tại Sajnekhali, Ấn Độ hoặc văn phòng Du lịch Tây Bengal ở Kolkata.
Phí vào cửa công viên quốc gia Sundarbans cho người Ấn Độ là 60 rupee (khoảng 21.000 đồng) và người nước ngoài là 200 rupee (70.000 đồng). Ngoài ra, chi phí thuyền là 400 rupee (140.000 đồng) và phí hướng dẫn viên bắt buộc với giá 400 rupee (140.000 đồng) cho người Ấn Độ và 700 rupee (245.000 đồng) cho khách nước ngoài.
Lan Hương (Theo BBC)
Nguồn: Vnexpress.net