Dọc các tuyến khơi từ vịnh Hạ Long đến vịnh Bái Tử Long là quần thể núi đá vôi mang vẻ đẹp kỳ vĩ. Những tảng đá được xếp vào nhau theo các cung bậc khác nhau rất hùng vĩ.
NƠI KHIẾN DU KHÁCH TRẦM TRỒ VÌ ĐẸP HƠN VỊNH HẠ LONG
Dọc các tuyến khơi từ vịnh Hạ Long đến vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) là quần thể núi đá vôi mang vẻ đẹp kỳ ảo. Những tảng đá được xếp vào nhau theo các cung bậc khác nhau, rất hùng vĩ.
Bái Tử Long bao gồm một vùng biển của thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và huyện đảo Vân Đồn. Phía tây nam của Bái Tử Long giáp vịnh Hạ Long, phía đông giáp biển, phía tây giáp đất liền với thành phố Cẩm Phả và phía đông bắc giáp huyện đảo Cô Tô.
Vịnh Bái Tử Long bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có nhiều đảo lớn và có người dân sinh sống. Nếu như ví vịnh Hạ Long là một cô gái đẹp rực rỡ, vịnh Bái Tử Long là một thiếu nữ xinh đẹp và gợi cảm. Bái Tử Long cùng với Hạ Long trở thành một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới.
Nơi đây còn lưu giữ rất nhiều những truyền thuyết liên quan đến lịch sử hình thành của vịnh Hạ Long – vịnh Bái Tử Long. Theo truyền thuyết kể lại “Khi xưa, nước Việt mới lập đã bị giặc ngoại xâm lấn. Ngọc Hoàng đã sai Rồng mẹ mang một đàn Rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi những chiếc thuyền giặc từ ngoài biển tiến vào bờ, đàn Rồng phun vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, tạo nên bức tường thành vững chắc để chặn bước tiến của thuyền giặc. Đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đã đâm vào các đảo đá hoặc đâm vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến. Vị trí Rồng mẹ xuống là Hạ Long, Rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay) với bãi cát mịn và dài hơn chục cây số”.
Với địa thế này, vịnh Bái Tử Long có rất nhiều bãi biển đẹp như bãi Con Cò, bãi Vân Đồn, bãi Quan Lạn, bãi Minh Châu, biển Cô Tô… Tất cả bãi tắm kể trên đều giữ nguyên dáng vẻ hoang sơ và nét tinh khôi của tạo hóa.
Chùa Cái Bầu (hay còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm) được xem là công trình văn hóa tâm linh với kiến trúc và cảnh quan đẹp thu hút du khách viếng thăm. Chùa tọa lạc gần khu du lịch Bãi Dài (Vân Đồn), nơi có bãi biển dài vẫn còn giữ được nét đẹp hoang sơ quý giá.
Trên hành trình khám phá, làng Chài Vung Viêng (cách đất liền 25 km) là điểm đến không thể thiếu. Đến đây, du khách có cơ hội cảm nhận sự thanh bình, tĩnh lặng. Ngoài ra, ở Vung Viêng bạn có thể tham gia trải nghiệm một ngày làm dân chài, đánh bắt cá cùng người dân địa phương rồi trở về thưởng thức ngay hương vị hải sản tươi rói vừa thu được hay thỏa mình thư giãn trên những bãi tắm hoang sơ ven núi.
Nằm trong lòng vịnh Bái Tử Long xanh, đảo Ngọc Vừng thuộc huyện đảo Vân Đồn và khá gần các đảo Minh Châu, Quan Lạn. Tuy vậy, đảo Ngọc Vừng lại phát triển du lịch khá muộn so với những đảo láng giềng nên vẫn còn ít du khách đặt chân tới. Với diện tích 45 km2, dân cư sinh sống thưa thớt (khoảng 1.000 người), các loại hình dịch vụ chưa có nhiều nên nơi này còn chưa có nhiều du khách đến hàng năm. Để ra đảo Ngọc Vừng, bạn có thể đi tàu cao tốc từ Hòn Gai (Hạ Long) hoặc lựa chọn tàu gỗ chạy từ cảng Cái Rồng (Vân Đồn).
Theo thống kê vịnh Bái Tử Long, có hàng trăm hòn đảo núi đã vôi và sa phiến thạch với nhiều địa danh nổi tiếng như núi Bài Thơ, hòn Con Cóc, hòn Tiên Ông, hòn Con Rùa, đầm Oan, hòn Mặt Quỷ, hòn Con Cò, động Thiên Cảnh Sơn, động Tam Cung, động Mê Cung…
Hệ thống đảo đó có hòn cao, hòn thấp nhấp nhô trên mặt nước với hàng trăm cây số bờ biển tạo nên khung cảnh hùng vĩ và lãng mạn, nhất là vào buổi hoàng hôn.
Ghé thăm vịnh Bái Tử Long là một tuyến hành trình ưa thích của nhiều tàu du lịch Hạ Long. So với các vùng biển ở phía bắc, Bái Tử Long yên bình hơn cả. Du khách muốn tham quan và dừng chân tại đây chỉ cần đặt du thuyền với các hành trình 2 ngày hoặc 3 ngày để trọn vẹn thăm thú các địa danh thuộc Bái Tử Long.
Nguồn: News.zing.vn