Nơi dân làng nói thật là gây họa cho hàng nghìn người ở Pháp

0
10
Bao quanh ngôi làng là đồng cỏ và những dãy núi cao. Ảnh: BBC.

Trong Thế chiến thứ hai, người dân làng Le Chambon-sur-Lignon đã che giấu sự thật, để hàng nghìn người Do Thái tránh bị trục xuất hoặc đi vào chỗ chết.

Trên một cao nguyên lộng gió của tỉnh Haute-Loire, miền nam nước Pháp là một ngôi làng có đầy ắp những bí mật. Trong Thế chiến thứ hai, người dân ở đây đã giúp hàng nghìn người Do Thái khỏi bị trục xuất hoặc đi vào chỗ chết.

Bao quanh ngôi làng là đồng cỏ và những dãy núi cao. Ảnh: BBC.

Bao quanh ngôi làng là đồng cỏ và những dãy núi cao. Ảnh: BBC.

Theo BBC, vị trí hiu quạnh của làng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh. Đây từng là nơi trú ẩn cho cộng đồng Huguenot – những người Tin Lành Pháp thoát khỏi cuộc đàn áp tôn giáo trong thế kỷ 17. Khu vực này đến nay vẫn còn được gọi là “La Montagne Protestante” (Núi Tin Lành). Sau này trong Thế chiến hai, khi 80.000 người Do Thái ở Pháp bị đưa vào các trại tập trung, vị trí địa lý cô lập này đã cứu sống hơn 3.000 người Do Thái tị nạn.

Ngày nay, ngày càng có nhiều du khách đến thăm bảo tàng Lieu de Memoire của Chambon, nơi kể lại lịch sử đầy tự hào của thị trấn. Tầng trên nhắc lại các mốc lịch sử sống động của Chambon, trong khi tầng dưới chiếu những thước phim và ghi âm lời kể của những nhân chứng.

Người ta cho rằng quá khứ đàn áp người Huguenot vẫn còn in đậm trong trí nhớ của người dân Chambon với đa số theo đạo Tin Lành. Cuộc đàn áp dữ dội đã khiến cho số lượng người Tin Lành giảm mạnh ở Pháp sau thế kỷ 17, và ngày nay họ vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ dân số. Do đó, dân làng thấu hiểu những nỗi thống khổ hơn nhiều của người Do Thái dưới sự áp bức của chế độ Vichy của Pháp. Nhiều người ở Chambon cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ những người thiểu số bị bức hại.

Ngày nay, nơi này vẫn thường xuyên đón khách tới tham quan. Ảnh: BBC.

Ngày nay, nơi này vẫn thường xuyên đón khách tới tham quan. Ảnh: BBC.

Động lực chính đằng sau nỗ lực của Chambon đến từ một vị lãnh đạo tinh thần, mục sư Andre Trocme và người vợ Magda. Vợ chồng Trocme đã tập hợp người dân địa phương để lên một kế hoạch táo bạo nhằm che giấu người tị nạn Do Thái trên gác mái, trong nhà kho, khách sạn hay hầm rượu khắp làng. Vào năm 1940, chính phủ độc tài Vichy đã bắt đầu thực hiện đạo luật Statut des Juifs, trong đó ngăn cấm người Do Thái làm việc hay đi lại trên đất Pháp, đồng thời phải ra khai báo với chính quyền.

Những người tị nạn nghe nói về Chambon qua các câu chuyện truyền miệng, để rồi nhiều người tự tìm đường đến đây để trú ẩn. Magda Trocme từng kể lại rằng vào một đêm đông năm 1940, bà tìm thấy một người phụ nữ Do Thái đến đây trong tình trạng đông cứng nửa người, sau khi đã chạy trốn khỏi Đức Quốc xã và vượt qua các vùng bị chiếm đóng của Pháp.

Những nỗ lực có tổ chức từ các tổ chức nhân đạo đã mang thêm nhiều người khác đến làng. Andre Trocme tiếp cận một tổ chức có tên Ủy ban Dịch vụ Những người bạn Mỹ, những người đang lên kế hoạch cứu các trẻ em nhưng lại thiếu nơi ẩn nấp. Trocme đã tình nguyện đề xuất Chambon làm nơi trú ẩn cho họ.

Từ làng này, nhiều người tị nạn đã được bí mật đưa qua các ngọn núi để vào Thụy Sĩ, nơi họ sẽ nhận được sự giúp đỡ của những người Tin Lành. Phong trào kháng chiến đã nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi cộng đồng Tin Lành. Không chỉ Chambon, các ngôi làng lân cận như Tence hay Fay-sur-Lignon còn tuyển mộ thành công những cảnh sát được chính phủ Vichy giao nhiệm vụ truy lùng người Do Thái.

Điều kỳ diệu là không một ai từng tiết lộ bí mật này ra khỏi làng, dù họ phải đối mặt với hình thức trừng phạt nghiêm khắc: bị trục xuất hoặc bị giết vì giúp đỡ người Do Thái. Người em họ của mục sư, Daniel Trocme, đã bị phát hiện và đưa đến trại tập trung Majdanek vào năm 1943, nơi ông bị giết sau đó.

Trẻ em Do Thái luôn được người làng chào đón và sẵn lòng che chở. Ảnh: USHMM.

Trẻ em Do Thái luôn được người làng chào đón và sẵn lòng che chở. Ảnh: USHMM.

Aziza Gril-Mariotte, nhà thiết kế trải nghiệm và phối cảnh bảo tàng Lieu de Memoire, cho rằng nơi đây mang một trọng trách về giáo dục, với thông điệp vẫn còn có ý nghĩa cho đến tận ngày nay. “Bảo tàng có nhiệm vụ kết nối với thế hệ trẻ, những người chắc chắn sẽ nhận thấy có một sự tương đồng giữa những gì đang xảy ra ngày hôm nay với một cuộc khủng hoảng về tị nạn”, Gril-Mariotte chia sẻ.

Ngôi làng cũng lưu giữ những chứng tích khác của Thế chiến thứ hai. Đối diện với Lieu de Memoire là Nhà Thờ Tin Lành bằng đá granite được xây dựng vào năm 1821, trên tàn tích của một đền thờ từng bị thiêu rụi. Trên lối vào có một dòng chữ ‘Aimez-vous les uns les autres’; nghĩa là “hãy yêu quý người khác” hay “hãy yêu quý người hàng xóm của bạn như chính mình”. Một tấm bia đã được dựng tại đây vào năm 1979 để ghi nhận sự dũng cảm của cộng đồng Tin Lành, những người được xem là trụ cột của phong trào kháng chiến Chambon.

Qua thời gian, câu chuyện về những anh hùng bình dị của vùng cao nguyên đã được nhiều người biết đến. Ngày nay, học sinh từ khắp nước Pháp đi xe buýt đến đây để tìm hiểu về lịch sử của Chambon. Người nước ngoài xuất hiện trên những cao nguyên cũng không còn là một hình ảnh bất thường. Trong năm 2017, làng có hơn 11.000 lượt khách, có mức tăng ổn định kể từ khi bảo tàng mở cửa vào năm 2013.

Bài phát biểu đơn giản về Lieu de Memoire của Eliane Wauquiez-Motte, người đứng đầu làng Chambon, đã phần nào cho thấy tính cách của người dân nơi đây.

“Chúng tôi đã cố gắng tạo ra một bảo tàng thể hiện đúng sự khiêm nhường của người dân, rằng câu chuyện lịch sử của họ nên được truyền tải một cách giản dị chứ không phô trương. Chúng tôi muốn kể câu chuyện này cho các thế hệ trẻ để họ hiểu rằng điều gì cũng có thể – dù bất cứ điều gì xảy ra hay trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào – khi bạn sống đúng với chính mình”.

Trường Đặng

Nguồn: Vnexpress.net