Những vị khách bỏ tiền đi xem người nghèo sống khổ

0
7
du lich o chuot anh 1

Loại hình tour ổ chuột đang ngày càng phổ biến nhưng cũng nhận nhiều chỉ trích về vấn đề nhân đạo.

du lich o chuot anh 1

Slum tour – tour ổ chuột, loại hình đang trở nên thịnh hành những năm gần đây. Theo nghĩa đen, những du khách tham gia sẽ trả tiền để được nhìn cảnh sống khổ của tầng lớp tận cùng xã hội.

Khởi nguồn từ sự khinh miệt

Khu ổ chuột là khái niệm tồn tại từ lâu, dùng để chỉ những khu vực sống tạm bợ của người nghèo. Điểm dễ nhận biết của khu ổ chuột là những căn nhà lụp xụp, xuất hiện nhiều tệ nạn như mại dâm, ma túy… Nhà trong khu ổ chuột thường dựng tạm bợ, không đảm bảo điều kiện an toàn. Nguồn nước bẩn sinh ra nhiều bệnh tật cũng là một đặc trưng ở đa số khu ổ chuột trên thế giới.

Dù thịnh hành trong vài năm trở lại đây, từ xa xưa, việc khám phá khu ổ chuột đã khá phổ biến. Tuy nhiên, tính chất của nó tiêu cực hơn nhiều so với ngày nay.

Theo Forbes, một số ghi chép cho thấy người London ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu đã đến East End để trêu chọc dân nghèo vào thế kỷ 19. Hành động này phổ biến đến nỗi vào năm 1884, từ điển Oxford còn bổ sung từ “slumming” với nghĩa trêu chọc người nghèo.

du lich o chuot anh 2

Du lịch ổ chuột bắt đầu từ những hành vi trêu chọc, khinh thường người nghèo. Ảnh: Land Portal.

Tuy nhiên, xã hội thay đổi khiến các chuẩn mực đạo đức được điều chỉnh. Việc đến khu ổ chuột để trêu chọc người nghèo không còn được ủng hộ. Thay vào đó, con người hướng đến những giá trị tốt đẹp hơn.

Nhờ phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Nam Phi, nhiều du khách cũng bị thu hút tới xem nơi mà những cuộc đấu tranh đầu tiên nhen nhóm. Dần dần, các khu du lịch ổ chuột đã biến thành một dịch vụ thương mại chính thức.

Forbes cho biết có khoảng một triệu khách tìm đến các khu du lịch ổ chuột mỗi năm. Hiện nay, các tour đến thăm khu nghèo khổ tại Cape Town, Johannesburg (Nam Phi); Rio (Brazil); Mumbai, New Delhi (Ấn Độ), Manila (Philippines)… nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ du khách.

Có gì trong những khu ổ chuột?

Định nghĩa về khu ổ chuột đã nói lên tất cả những gì du khách có thể thấy khi đặt chân tới đây. Đó là nơi bẩn thỉu với những mảnh đời bất hạnh. Họ phải sống trong những căn nhà lụp xụp, nay yên mai đổ khó lòng lường trước. Những ghi chép từ người đã từng đến thăm các khu ổ chuột trên thế giới sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về cuộc sống tại đây.

Charlotte và Natalie, đồng sở hữu blog Our Taste For Life từng có chuyến ghé thăm Dharavi (Ấn Độ), một trong những khu ổ chuột lớn nhất châu Á, hồi đầu năm 2019. Đây cũng là bối cảnh trong bộ phim nổi tiếng “Triệu phú khu ổ chuột”. Do vị trí nằm ngay trung tâm tài chính Mumbai, chính quyền địa phương đã nhiều lần muốn xóa sổ Dharavi. Chỉ có thế, Mumbai mới có thể trở thành một thành phố thông minh.

Tuy nhiên, việc xóa sổ Dharavi cũng đồng nghĩa hàng nghìn người dân vốn sống trong những căn nhà tạm bợ sẽ chẳng còn chốn nương thân. Trong chuyến đi của mình, Charlotte và Natalie đã tận mắt chứng kiến những phận sống mòn lay lắt từng ngày tại Dharavi.

du lich o chuot anh 3

Điều kiện sống tồi tàn, bẩn thỉu là những gì chờ đợi du khách khi đến Dharavi. Ảnh: Getty.

“Những căn nhà ở đây thậm chí còn không to bằng phòng ngủ. Chúng nằm san sát nhau, tạo nên một tổng thể như trò ghép hình khổng lồ. Những căn nhà này không có chỗ cho bất kỳ sinh hoạt nào khác ngoài việc ngủ”, họ kể lại.

Vấn đề nguồn nước ở bất cứ đâu cũng được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, tại những khu ổ chuột, nguồn nước sạch là điều xa xỉ. Do thiếu hệ thống nhà vệ sinh, họ tận dụng luôn con sông làm nơi xả thải. Lâu dần, con sông trở nên hôi thối, bốc mùi nồng nặc. Tuy nhiên, những người dân nghèo vẫn chấp nhận sống chung với thứ mùi đó.

Ngoài Dharavi, Rio de Janeiro (Brazil) cũng được xem như một điểm nóng thu hút du khách tới tham quan cuộc sống của người dân nghèo. Khoảng 2 năm trước, Claire, chủ blog Tales Of A Backpacker đã có chuyến tham quan khu ổ chuột Rio qua một công ty tour có trụ sở tại Brazil.

Thông thường, khách du lịch được khuyến cáo không nên tò mò đến gần những khu vực này để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên, các công ty tour có thể giúp họ trải nghiệm chân thật nhất nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Theo Claire, công ty tour sẽ sử dụng 1% tiền thu được từ khách để duy trì trường mẫu giáo cho trẻ em trong khu ổ chuột.

Sáng khởi hành, Claire lên chiếc xe tải được công ty bố trí chở tới Rocinha – khu ổ chuột lớn nhất Rio de Janeiro với khoảng 200.000 người sinh sống.

Tại đây, bạn có thể tìm thấy một số studio của các nghệ sĩ tự do. Khu ổ chuột cũng có những tiệm bánh với giá khoảng 0,9 USD/chiếc donut. Trên đường phố, những người phụ nữ bày đồ lưu niệm rẻ tiền mời chào khách hàng. Trong những con ngõ nhỏ, vài cậu thanh niên đang tụ tập hát hò bằng nhạc cụ tự chế.

“Khi băng qua con phố, một số người cũng dừng lại mỉm cười với chúng tôi. Số khác thờ ơ, vài người lại tò mò vì sao có khách cất công đến một nơi như này. Với một vài người khác, tôi cảm thấy chắc chắn mình đang không được chào đón”, cô cho biết.

du lich o chuot anh 4

Sự bất ổn xã hội, tội phạm là điều thường thấy ở những khu ổ chuột như Rocinha. Ảnh: Getty.

Giống như nhiều khu ổ chuột khác, điều kiện sống tại Rocinha cũng rất tồi tệ. Những bó dây điện chằng chịt giăng trên đầu khiến người ta phải lạnh gáy. Các ngôi nhà xập xệ với bức tường dường như có thể sập bất cứ lúc nào. Dù vậy, hầu hết nhà đều có mái che và hệ thống nước sinh hoạt, điện để sử dụng.

“Quá trình dọn dẹp các băng đảng dường như không diễn ra như chính quyền mong muốn. Những băng đảng bất hợp pháp, kẻ buôn ma túy vẫn còn rất nhiều ở đây. Họ có vẻ cũng không định gây hấn với khách du lịch. Dù vậy, tôi cũng không muốn phải lảng vảng ở đây khi trời tối”, Claire nói.

Tiền về túi ai?

Nhiều người sẽ nghĩ ngay số tiền du khách chi trả sẽ được dùng để giúp đỡ người dân trong khu ổ chuột. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ là chiêu trò của những công ty cung cấp tour.

Tourism Concern, một tổ chức phi chính phủ ở Anh, từng có bài viết về vấn đề này trước Thế vận hội mùa hè Rio 2016. Theo tổ chức này, nếu các tour du lịch hoạt động dựa trên cộng đồng địa phương, những người nghèo tại đó sẽ được hưởng lợi ích lâu dài.

Đây cũng là cách các công ty sử dụng để tiếp thị tour của họ. Tất cả đều mang mác “vì cộng đồng” nên khách hàng hầu như khó phân biệt được đâu là lợi ích thật sự cho dân nghèo và đâu là hình thức lợi dụng kiếm lời.

du lich o chuot anh 5

Cộng đồng dân nghèo chỉ được hưởng một phần nhỏ từ các tour du lịch. Ảnh: The New York Times.

Trung bình, khoảng 3.500 khách tới tham qua khu ổ chuột Rocinha/tháng. Số tiền họ bỏ ra thường vào khoảng 30 USD/3 giờ. Tuy nhiên, khi được hỏi về những lợi ích mà du lịch đem lại, những người dân ở đây thường chỉ lắc đầu ngao ngán.

“Tôi thấy sự khác biệt lớn nhất chính là số người nước ngoài tăng vọt trong cộng đồng. Tuy nhiên, lợi ích hầu như không có gì hơn”, một người dân cho biết.

Một trong những điều làm cư dân khu ổ chuột tức giận chính là cách các hướng dẫn viên miêu tả về nơi họ sống. Những nhà làm tour thường phóng đại điều tiêu cực và bỏ qua khía cạnh tích cực. Điều này xảy ra vì các hướng dẫn viên thường không phải dân địa phương. Họ không biết cũng như quan tâm về việc lời nói của mình ảnh hưởng thế nào đến cách khách du lịch nghĩ về khu ổ chuột sau chuyến tham quan.

“Hầu hết lợi ích khách du lịch đem tới chủ yếu chỉ dành cho cộng đồng rất nhỏ người bán đồ thủ công, mỹ nghệ. Người dân tin du lịch có tiềm năng để làm nhiều hơn thế, ví dụ như đem đến tài chính cho các dự án xã hội, tạo công ăn việc làm”, Tourism Concern dẫn lời người địa phương.

Cây viết Wade Shepard của Forbes cũng từng đặt câu hỏi về tác động thật sự của các tour du lịch ổ chuột đến người dân địa phương. Trên danh nghĩa từ thiện, họ thu về một khoản tương đối lớn từ khách du lịch. Số tiền chảy về túi người dân lại quá nhỏ bé.

du lich o chuot anh 6

Sự kết nối với thế giới bên ngoài có thể đem đến một diện mạo khác cho khu ổ chuột. Ảnh: QZ.

Tuy nhiên, một khía cạnh tích cực mà những tour ổ chuột đem đến chính là khả năng kết nối. Thông thường, các khu ổ chuột vẫn bị xem như địa điểm cấm bén mảng, một nơi tách biệt với phần còn lại của thành phố. Sự xuất hiện của khách du lịch đã đưa những nơi nghèo đói này lên bản đồ.

Qua đó, sự kết nối và cơ hội cho những người dân cũng sẽ được cải thiện thay vì mãi gò bó trong định nghĩa “nguy hiểm, cấm lại gần”.

Sự nổi tiếng của các loại hình du lịch ổ chuột làm dấy lên những luồng ý kiến chỉ trích đây là một hành vi vô đạo đức. Điều này xuất phát từ cách tổ chức tour và thái độ của khách hàng.

Không ít công ty tour kéo hẳn một chiếc xe to đùng, có máy lạnh vào khu dân cư đói nghèo, tạo hình ảnh phản cảm trong mắt người địa phương. Sự tương tác giữa du khách và người dân cũng bị đặt dấu hỏi. “Bạn đến và nhìn ngó người dân ở đó như những con vật trong sở thú. Điều duy nhất mà một số người quan tâm chỉ là chụp ảnh và ra về”, chủ blog Women On The Road chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn