Những người Mỹ không muốn về nhà trong Covid-19

0
8
Nữ phượt thủ Lola đang chuẩn bị nhảy xuống nước để bơi ở San Pedro La Laguna, Solola, Guatemala vào ngày 27/3. Cô quyết định ở lại vì cảm thấy an toàn và chính phủ kiểm soát dịch tốt. Ảnh: Luis Echeverria/Reuters.

Mỹ Bạn bè gọi điện cầu khẩn Lola Daehler, du khách đến từ New York, mau trở về nhà. Nhưng câu trả lời của cô luôn là “Không”.

Trong khi hàng ngàn người Mỹ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ, hoặc “tự thân” để về nhà, tránh mắc kẹt ở nơi mình đang đi du lịch, thì nhiều người đã chọn cách ở lại. Một trong các nguyên nhân để họ đưa ra quyết định này là lo lắng về những gì họ thấy tại quê nhà, nơi số ca nhiễm và tử vong đang tăng vọt. Phần lớn có vẻ thích thú, hài lòng với lựa chọn không về.

Sam Berkrot, sống ở bang Connecticut, 23 tuổi. Anh đến Ecuador vào tháng 9 và quyết định ở lại thành phố nhỏ Loja cho đến khi đại dịch đi qua. Nơi anh đang sống, giờ giới nghiêm bắt đầu từ 14h. Trả lời phỏng vấn qua điện thoại, Sam cho biết anh cảm thấy an toàn hơn khi ở lại vì các biện pháp phòng dịch ở đây rất nghiêm ngặt. 

Lola Daehler, 22 tuổi, sống ở New York đang đi du lịch cùng bạn bè ở Hawaii thì bùng dịch và việc di chuyển bị hạn chế đột ngột. Cuối cùng, cô chọn đến khu vực ven hồ Atitlan, nơi được bao quanh bởi những ngọn núi lửa trên cao nguyên Guatemala. Atitlan là địa điểm du lịch hút khách bậc nhất của quốc gia này, từng được đưa vào danh sách bình chọn “7 kỳ quan thế giới mới” trên internet.

Nữ phượt thủ Lola đang chuẩn bị nhảy xuống nước để bơi ở San Pedro La Laguna, Solola, Guatemala vào ngày 27/3. Cô quyết định ở lại vì cảm thấy an toàn và chính phủ kiểm soát dịch tốt. Ảnh: Luis Echeverria/Reuters.

Nữ phượt thủ Lola Daehler đang chuẩn bị nhảy xuống nước để bơi ở thị trấn San Pedro La Laguna, Solola, Guatemala vào ngày 27/3. Cô quyết định ở lại vì cảm thấy an toàn và chính phủ kiểm soát dịch tốt. Ảnh: Luis Echeverria/Reuters.

Guatemala thực thi lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt từ 16h, bắt đầu hơn một tuần trước. Cảnh sát thông báo hàng ngày qua loa bằng 3 thứ tiếng: tiếng bản địa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh. Nữ du khách cho biết cô rất hạnh phúc khi ở đây. Hàng ngày cô thức dậy, bơi, chơi guitar, đọc sách, chạy bộ… và không phải đang sống ở New York – cái tên khiến nhiều người cảm thấy khủng khiếp trong giai đoạn này. Người thân, bạn bè đã khẩn cầu Daehler về nhà nhưng cô từ chối, ít nhất là bây giờ.

Hiện tại, New York đã trở thành ổ dịch, khi giới chức địa phương khẩn cấp nhờ tiếp viện. Tính đến ngày 3/4, có hơn 93.000 ca nhiễm và 1.941 người chết. Trong khi đó tại Guatemala mới chỉ có 39 ca nhiễm và một ca tử vong. 

Daehler có những ngày vui vẻ sống tại thị trấn ven hồ Atikan. Ảnh: Luis Echeverria/Reuters.

Daehler có những ngày vui vẻ sống tại thị trấn ven hồ Atitlan. Ảnh: Luis Echeverria/Reuters.

Đại sứ Mỹ tại Mexico, Christopher Landau đã đề nghị công dân hãy về nhà và yêu cầu những người ở lại nghĩ về tình trạng cá nhân của mình. Tina Rosa, công dân ở Oregon, đang sống gần thị trấn San Miguel de Allende đẹp như tranh vẽ ở Mexico. Bà không có ý định trở về: “Tôi nghĩ tôi đã bỏ rất nhiều tiền ở đây”. 10 ngày trước, Rosa đã mua thêm hàng rào để mở rộng khu vườn của mình.

Felisa Rogers, con gái của Rosa, là blogger du lịch và ẩm thực 41 tuổi. Cô đang đi lang thang ở trung tâm thành phố Mexico, cùng bạn trai của mình. Từ cuối tháng 11/2019, Rogers coi nơi đây là điểm du lịch thường xuyên. Khi dịch bệnh xảy ra, Rogers đã từ chối trở về Oregon khi có chuyến bay vào ngày 5/4. “Có thể chuyến bay của tôi sẽ bị hủy. Và tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra”, Rogers nói với Reuters.

Cuộc sống hàng ngày của Rogers là nấu ăn, viết blog, tổ chức các bữa tiệc tối ảo và trải qua những giây phút vui vẻ bên bạn bè. Kịch bản về một ngày tận thế ở Mỹ, dường như không xuất hiện trong tâm trí cô. Cô nói, nếu có bất kỳ điều gì Covid-19 khiến cô phát điên, có lẽ là khi cô mất người thân, hoặc hết tiền.    

Anh Minh (Theo Reuters)

Nguồn: Vnexpress.net