Những mái nhà bậc thang mang sự sống cho ‘đảo quỷ’ Bermuda

0
12
Những mái nhà có rãnh như bậc thang làm giảm tộc độ chảy của nước, dẫn nước xuống các bể chứa ngầm. Ảnh: Flickr.

Những mái nhà trắng, hình bậc thang không phải để trang trí, mà là hứng nước, đem lại sự sống cho hòn đảo không có sông hồ Bermuda.

Có hai điều khiến Bermuda trở nên nổi tiếng, đó là những cơn bão và sự thiếu nước. Bermuda nằm trên đường đi của các cơn bão, dù không chịu nhiều ảnh hưởng như vùng bờ biển Đại Tây Dương. Thêm vào đó, diện tích nhỏ của Bermuda cũng giúp quần đảo tránh được nhiều trận bão khủng khiếp ở vùng biển này. Nhưng mỗi khi có bão đi qua, cư dân nơi đây vẫn phải hứng chịu những cơn gió từ cấp 7 trở lên.

Những căn nhà đầu tiên ở Bermuda sử dụng lá cọ để làm mái, nhưng từ cuối thế kỷ 17 cư dân nơi đây bắt đầu chuyển sang dùng đá. Mái nhà nặng hơn đáng kể đồng nghĩa với sức chống chịu tốt hơn trước các cơn bão.

Qua hàng thế kỷ sau đó, những người thợ xây đã học được cách xây mái theo hình bậc thang nhằm làm chậm dòng chảy của nước mưa. Từ đó, họ có thể lấy nước mà không cần đào máng. Khai thác nước mưa chính là yếu tố sống còn cho sự sống ở nơi này – một quần đảo không có nước ngọt từ sông hồ. Thậm chí đến ngày nay, đây vẫn là nguồn nước sạch duy nhất cho Bermuda.

Những mái nhà có rãnh như bậc thang làm giảm tộc độ chảy của nước, dẫn nước xuống các bể chứa ngầm. Ảnh: Flickr.

Những mái nhà có rãnh như bậc thang làm giảm tốc độ chảy của nước, dẫn nước xuống các bể chứa ngầm. Ảnh: Flickr.

Điều may mắn là quần đảo Bermuda có lượng mưa khá lớn với gần 1400 mm trung bình mỗi năm. Điều này giúp bể chứa nước ngầm của các ngôi nhà không bao giờ vơi. Luật pháp nơi đây không chỉ bắt buộc mỗi nhà phải có một bể nước ngầm riêng, mà còn quy định họ phải lấy đủ 80% lượng mưa trên mái. Để làm được điều đó, mỗi mét vuông mái cần phải lấy được khoảng 30 lít nước mỗi năm. Nhờ những quy định này, mọi gia đình ở đây đều có thể tự cung ứng nước.

Mái nhà của người Bermuda được làm từ các tấm đá vôi hình chữ nhật gắn với nhau bằng vữa. Người ta đắp nhiều vữa hơn lên trên và vào cạnh của các tấm, trét kín các khe hở, tạo hình bậc thang truyền thống. Một máng bêtông dài dọc theo mái phía dưới dẫn nước mưa sang các ống để tới bể chứa ngầm.

Trước đây, toàn bộ cấu trúc này được phủ một lớp vôi vữa có đặc tính kháng khuẩn. Ngày nay, đá vôi được thay thế bằng sơn trắng có tác dụng phản chiếu tia cực tím để lọc nước mưa. Những mái nhà trắng cũng giúp các ngôi nhà mát mẻ hơn trong thời gian hè oi ả. 

Nhiều ngôi nhà cũng có hệ thống bơm riêng dùng cho nhà tắm. Nước mặn hoặc nước lợ được đổ vào hệ thống bơm thứ hai và chủ yếu dùng cho mục đích vệ sinh. Bằng cách này, một căn nhà có thể tiết kiệm đến 40-50% lượng nước cần dùng.

Những bài học về tiết kiệm nước được dạy cho người dân từ bé. “Bạn chỉ có một cốc nước để đánh răng. Hãy làm sao để đến lần súc miệng cuối cùng bạn mới dùng hết số nước đó,” chuyên gia môi trường Stuart Hayward giải thích.

Xà phòng cũng được dùng vừa phải sao cho khi rửa bát xong nước không còn chút bọt nào nữa. Số nước này sau đó được dùng để tưới cây.

Quần đảo Bermuda được bao phủ bởi những mái nhà màu trắng. Ảnh: Flickr.

Quần đảo Bermuda được bao phủ bởi những mái nhà màu trắng. Ảnh: Flickr.

Tuy nhiên, khi dân số Bermuda ngày một gia tăng cộng thêm việc du khách đến đây ngày càng nhiều, quần đảo bắt đầu phải đối mặt với những thách thức về tiết kiệm nước. Các ngôi nhà giờ đây bị chia nhỏ hơn do có nhiều gia đình, dẫn tới việc giảm tỷ lệ diện tích mái và tác động xấu đến khả năng hứng nước. Khi mùa du lịch đến, lượng nước thu được từ mái nhà không thể đáp ứng được nhu cầu. 

Giờ đây, các khách sạn, bệnh viện và cơ sở thương mại khác phải phụ thuộc vào nước ngầm. Ngoài ra, quần đảo này cũng có 6 nhà máy lọc nước biển để bổ sung nguồn nước cho người dân.

Quần đảo Bermuda là lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm ở bắc Đại Tây Dương, bao gồm 138 đảo. Quần đảo ngoài hai tên chính là Bermuda và Somer còn được biết tới với các tên khác là La Garza, Virgineola, và Đảo Quỷ. 

Bermuda có nền kinh tế thịnh vượng, với lĩnh vực tài chính và công nghiệp du lịch phát triển mạnh. Quần đảo có khí hậu cận nhiệt đới, nhiều bãi biển có cát màu hồng hấp dẫn du khách khắp nơi trên thế giới. 

Trường Đặng (theo Amusingplanet)

Nguồn: Vnexpress.net