Những hình ảnh siêu thực về ‘vùng đất trăng’ kỳ bí

0
6

Ở góc xa xôi miền Bắc Ấn Độ, các tu viện Phật giáo Tây Tạng ẩn mình tại “vùng đất trăng”, giữa những ngọn núi ấn tượng nhất thế giới.

Một bức
tượng Phật nhìn về phía Ladakh, Ấn Độ.

“Vùng đất trăng” (Moonland) nằm trong lãnh thổ khu vực Ladakh, thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Moonland là vùng đất huyền bí giữa sa mạc cằn cỗi, nơi các tu viện Phật giáo Tây Tạng ẩn trong những ngọn núi được đánh giá là ấn tượng nhất thế giới. Bị kìm hãm bởi những quốc gia láng giềng hùng mạnh, đến những năm 1970 vùng đất này mới mở cửa cho khách du lịch. Nhiếp ảnh gia Bỉ Yuri Andries đã đến đây, nơi mà ông gọi là “một thế giới khác” để ghi lại hình ảnh những sự tương phản diễn ra tại vùng đất này. Bộ ảnh do Andries thực hiện có tên gọi “Moonland”.

Khu vực biệt lập gần làng Chumathang ở Ladakh, được biết đến với suối nước nóng thiên nhiên.

Một đàn bò Tây Tạng với bộ lông dài đặc trưng.

Như một
sự thách thức với hoàn cảnh, những cây mai vẫn nở hoa trong sa mạc địa chất khô
cằn như loại đất trên mặt trăng.

Người dân trong vùng sử dụng những đường ống dài để dẫn nước từ đỉnh núi băng về nhà mình. Vào mùa hè, băng tan từ các đỉnh núi cung cấp cho con người một lượng nước ít ỏi.

Một người chăn cừu ở Ladakh. Đây là người Andries gặp sau hàng giờ lái xe một mình. Cả hai đều đã không gặp người khác trong thời gian dài vì vùng đất này quá rộng và ít dân cư.

Chân dung Meme Lay, một nhà sư ngồi kế bên khung cửa sổ ở Ladakh.

Trường học Druk White Lotus ở Shey, Ladakh sử dụng năng lượng mặt trời cho các hoạt động diễn ra bên trong. Ngôi trường được xây dựng theo yêu cầu của người Ladakh, những người muốn một ngôi trường vừa có thể duy trì truyền thống văn hóa phong phú dựa trên Phật giáo Tây Tạng, lại vừa trang bị cho con cái của họ một cuộc sống thế kỷ 21.

Hai cậu bé về nhà sau ngày học tại trường Phật giáo Tây Tạng ở Shey, Ladakh. 

“Ladakh có rất nhiều căng thẳng chính trị diễn ra, với tất cả các nước xung quanh,” Andries nói. “Đồng thời, đó cũng là nơi huyền diệu này”.

Ladakh có vị trí chiến lược, nằm dọc theo các tuyến đường thương mại cổ trong bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Đây là chủ đề của một cuộc xung đột lãnh thổ giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Sự hiện diện quân sự của Ấn Độ vẫn đang được duy trì tại đây. Tuy nhiên, du khách có thể lái xe hàng giờ trên địa hình giống như mặt trăng mà không thấy một bóng người nào.

Vì thế Andries đã thuê một chiếc xe máy để tìm kiếm Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Shia, và những cộng đồng nhỏ hơn của người Sunni và Kitô hữu sống giữa các đỉnh núi Kunlun và Himalaya hùng vĩ. Những ngôi làng được kết nối với nhau bằng đường đá, không sóng điện thoại, không internet hay trạm xăng.

Một
con quạ mỏ đỏ bay trên các cồn cát của sa mạc núi cao gần vùng Hunder, Ladakh.

Các em học sinh ôn bài bên ngoài trường Lamdon, ngôi trường cam kết bảo tồn các truyền thống và văn hoá của người Ladakhi.

Những
lá cờ cầu nguyện ở bên góc trái thể hiện sự chào mừng các học sinh đến với trường
Lamdon ở Leh, thị trấn lớn nhất vùng Ladakh.

“Khi bạn lái xe vào một ngôi làng Phật giáo, họ ngay lập tức mời bạn vào nhà của họ. Đó thực sự là điều họ đã làm. Họ mang đến cho bạn trà nóng, hoặc thậm chí là “momo”, loại bánh bao ở đây. Nhưng đôi khi có rào cản ngôn ngữ, sự kết nối giữa tôi và những người dân ở đây chỉ là sự tin tưởng lẫn nhau, điều nằm trong trái tim mỗi người”.

Những liên kết cá nhân đó tạo thành một chủ đề trong công việc Andries đang thực hiện. “Đối với tôi đó là loại hình chân dung”, anh giải thích, khi những ngôn ngữ không lời được truyền tải bằng hình ảnh. “Tôi muốn mang đến một sự tôn vinh cho nơi này. Tôi muốn người Ladakh tin vào thế giới mà tôi đang cho họ thấy”.

Một sinh viên ngồi thiền tại trường Druk White Lotus. Ở Ladakh, trẻ em thiền định từ khi còn nhỏ.

Một tu sĩ trẻ tại tu viện Karma Dupgyud Choeling thổi cây kèn theo nghi thức có tên “dungchen”.

Ấn Độ
duy trì sự hiện diện quân sự ở bang Jammu và Kashmir, nơi diễn ra cuộc xung đột
lãnh thổ giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Mani – vật dụng cầu nguyện của những người theo Phật giáo Tây Tạng, với niềm tin về sự lan toả các phước lành và sự hạnh phúc.

Trên thực tế, vùng đất này đang phải đối mặt với việc ngành du lịch phát triển quá nhanh. Các tài nguyên thiên nhiên cũng đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng. Nước cung cấp cho nông nghiệp tại đây đến từ những dòng sông băng. Tuy nhiên, những nguồn nước này đang mất dần do tác động của biến đổi khí hậu.

Andries ở tại ngôi làng sinh thái SECMOL – được sáng lập bởi kỹ sư Sonam Wangchuk, người phát minh ra tháp băng. Tháp băng – phát minh từng đạt giải thưởng này tạo ra một sông băng nhân tạo bằng cách chuyển hướng những dòng suối trên núi thành một mạch nước phun, sau đó dòng nước sẽ đóng băng trong mùa đông, có hình dạng giống như nóc nhà của các đền thờ Phật. Đến mùa hè, băng tan chảy cung cấp thêm nguồn nước cho cây trồng.

Người dân địa phương và khách du lịch đánh giá rất cao vùng đất này – nơi những lá cờ cầu nguyện xuất phát từ những ngôi làng hẻo lánh, nằm rải rác trên cao nguyên trống gần các hồ nước và đầm phá trên núi. Tìm cảm hứng cho mình ở Ladakh, Andries nói, “Tôi muốn cho thế giới thấy có một kiểu thiên đường đang tồn tại, và họ có thể tin vào nó”.

Một cặp vợ chồng ngồi bên nhau trong khung cảnh của “thế giới khác” – Moonland.

Kiều Dương (Theo National Geographic)

Ảnh: Yuri Andries.

Nguồn: Vnexpress.net