Đi họp lớp, cậu bạn vỗ vai Thái: “Sướng nhất ông, làm bartender việc nhẹ lương cao, cả ngày đứng uống rượu, cuối tháng nhận tiền”.
Ngoài hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn, bartender cũng là nghề bị nhiều người hiểu nhầm.
Việc nhẹ lương cao
Quân Thái kể anh đã phải ngậm ngùi khi đi họp lớp ở Cao Bằng, các bạn cùng cấp hai ngày xưa vỗ vai cười nói: “Sướng nhất ông, làm bartender việc nhẹ lương cao, cả ngày đứng uống rượu, cuối tháng nhận tiền”.
Trên thực tế, thu nhập trung bình của người mới vào nghề khoảng 5-6 triệu đồng, tùy từng nơi có thêm tiền tip hoặc doanh số bán hàng. Cộng lại, lương vào khoảng 7-8 triệu đồng.
Duy Hùng, 28 tuổi, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề pha chế. |
Duy Hùng, nhân viên tổ bar tại một khách sạn 5 sao ở Hạ Long, nói: “Bồi bàn phải dọn đồ, còn chén bát bẩn có bộ phận khác lo. Bartender vừa pha chế rượu phục vụ khách, vừa phải lau rửa ly chén toát mồ hôi. Các bộ phận khác hết giờ có thể về, nhưng bartender luôn phải ở lại để hoàn thành cho xong việc như dọn dẹp quầy bar sạch sẽ, viết báo cáo…”.
Đoàn Tú Anh, nhân viên pha chế một pub ở quận 1, TP HCM cho biết một ca dài 8 tiếng, cô phải đứng ít nhất 7 tiếng để phục vụ khách. “Nếu bạn từng đứng một chỗ 7 tiếng liên tục, chắc chắn sẽ không bao giờ khen nhàn hay sướng đâu. Quán bar lúc nào cũng đông khách, nhiều khi chúng tôi phục vụ không kịp còn bị mắng.” Tú Anh nói.
Uống rượu miễn phí cả ngày
Nhắc đến vấn đề này, Tú Anh cười như mếu nói: “Mỗi ngày phục vụ 100 ly, uống thử 100 thìa cũng mệt lắm”. Tú Anh kể có hôm cô phải nếm thử rượu mạnh, rồi quay sang uống thử món Long island (gồm 5 loại rượu pha chung), lại thử tiếp một ly rượu mạnh, rồi đến một ly trứng gà sống. “Ai bảo chúng tôi sướng vì được uống rượu suốt ngày thì xin mời họ làm thử xem có sướng thật không”, cô nói. Đó là còn chưa kể bartender lỡ pha dở một món đồ uống, chắc chắn họ sẽ phải… uống luôn vì không thể bán cho khách.
“Do thường ngày phải thử rượu nên bảo ai đó nhậu thi với bartender, ít người dám đấu lắm. Họ biết chúng tôi uống tốt mà. Nhưng đó là nói vui, chúng tôi hầu như không bao giờ uống khi không phải làm việc”, bartender 24 tuổi nói.
Môi trường làm việc phức tạp
Học hết cấp 3, Ngọc Thanh không học lên đại học mà đi làm để phụ giúp gia đình. Năm 20 tuổi, chàng trai quê Thái Bình bén duyên với nghề bartender nên quyết tâm đi học lớp pha chế. Sau đó, cậu về làm tại một khách sạn 4 sao ở Đà Nẵng.
Tú Anh cho biết có hàng trăm công thức pha chế đồ uống, và nhiều khách vẫn mặc định nhân viên quầy bar phải nhớ hết các công thức đó. |
Tết năm 2019 về quê, khi biết con làm nghề pha chế đồ uống cho một quầy bar, mẹ Thanh đã khóc. “Mẹ tôi bảo làm ở bar thì dễ dính vào tệ nạn. Tôi giải thích thế nào mẹ cũng không nghe”, Thanh nói.
Hết dịp nghỉ lễ, bố mẹ Thanh nằng nặc bắt con nghỉ làm. Không còn cách nào, Thanh đành mua cả vé máy bay đưa bố mẹ đến Đà Nẵng nghỉ dưỡng vài ngày, ở khách sạn cậu đang làm việc. Tại đây, bố mẹ Thanh chứng kiến con trai làm việc nên đã yên tâm. “Sau 4 ngày ở lại chơi, tìm hiểu, hỏi han kỹ lưỡng, giờ bố mẹ rất tin tưởng tôi. Họ thậm chí còn khoe với hàng xóm, rồi giải thích để mọi người hiểu rõ hơn công việc của tôi”, Thanh cho biết.
Còn với Tú Anh, điểm trừ của nghề là phải làm ca đêm và về muộn. Cô kết thúc ca làm vào 24h, nhưng thường 1h mới ra khỏi chỗ làm vì còn phải ở lại dọn dẹp, làm báo cáo. Về khuya, đường vắng và là con gái, Tú Anh cho biết cô rất sợ.
Nghệ sĩ xiếc
Mạnh Hùng, chàng pha chế trẻ đến từ Đồng Nai lại có kỷ niệm dở khóc dở cười với em trai. Một lần khi về nhà nghỉ phép, Hùng nghe thấy tiếng cậu em út 10 tuổi đang khoe với bạn cùng xóm: “Anh hai tao làm bartender đó, anh ấy giỏi lắm, có thể tung hứng được cùng lúc 5-6 cái ly như làm xiếc vậy”. Điều đó khiến anh vừa bực vừa buồn cười.
Không chỉ em trai và gia đình Hùng, nhiều người cũng nghĩ bartender là những người có khả năng tung cốc, tung ly điêu luyện như làm xiếc. “Chúng tôi chỉ có toát mồ hôi rửa ly cốc thôi, làm gì có khả năng tung hứng”, Hùng nói.
Tương tự Hùng là Gia Thành, bartender đến từ Thanh Hóa. Nhiều người khi biết nghề nghiệp của cậu cũng mặc định làm pha chế phải biết tung chai như xiếc. Hiểu nhầm nhiều, Thành đôi khi cũng không muốn giải thích thêm.
Hùng, Thành, Tú Anh đều khẳng định nghề pha chế không hề “sướng” giống mọi người vẫn nghĩ, thu nhập cũng không quá cao. Tuy nhiên, họ vẫn bám nghề vì lòng đam mê. “Nếu nói đầu bếp là các nghệ sĩ trong ẩm thực, thì bartender là nghệ sĩ của những món đồ uống. Nghề pha chế cũng đòi hỏi sự sáng tạo, chuyên nghiệp và yêu nghề. Chúng tôi chỉ mong mọi người hiểu rằng, chúng tôi đều là những người làm việc chăm chỉ, lành mạnh”, Tú Anh nói.
Phương Anh
Nguồn: Vnexpress.net