Sa Pa (Lào Cai) sở hữu những lợi thế lớn để thu hút khách du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy thất vọng khi đến đây.
|
Sa Pa là một trong những điểm đến thu hút khách nước ngoài nhất tại Việt Nam. Kênh truyền hình National Geographic (Mỹ) từng xếp Hoàng Liên Sơn (Sa Pa) ở vị trí thứ 7 trong danh sách 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019. Một số địa điểm khác tại “thị trấn mờ sương” cũng thu hút du khách như bản Cát Cát, đỉnh Fansipan… Sở hữu lợi thế về cảnh quan nhưng cách làm du lịch còn tồn đọng nhiều vấn đề khiến không ít du khách nước ngoài phải chịu những trải nghiệm thất vọng khi tới đây. Ảnh: Vietnam bird shooting.
|
|
Amy Chung, chủ blog Family Globetrotters, đã lường trước viễn cảnh về một thị trấn lộn xộn khi tới Sa Pa. “Chúng tôi hiểu khách du lịch đã ảnh hưởng đến vấn đề này. Những nhà quản lý đã ép thị trấn phải phát triển quá nhanh để thu hút khách du lịch”, Amy Chung chia sẻ. Theo blogger này, Sa Pa trong mắt anh là những con đường không thể di chuyển vì quá nhiều ổ gà. Xe du lịch đi lại nườm nượp để đón, trả khách. Các nhà hàng địa phương tranh thủ hét giá du khách với những món ăn khó đảm bảo vệ sinh. |
|
Một trong những “đặc sản” khiến khách nước ngoài phát sợ về Sa Pa là gạ gẫm mua hàng. Chủ blog Walk My World còn dùng từ “shopping trekking” để miêu tả về vấn đề này. Blogger này kể mình đã gặp rất nhiều người H’Mong trong lần tới Sa Pa. Tuy nhiên, nếu bạn mở lời “Hello” (xin chào), họ sẽ liên tục đeo bám để mời chào mua đồ. “Không nơi nào trên thế giới khiến chúng tôi gặp rắc rối nhiều như Sa Pa. Cảm giác người dân không muốn nói chuyện với du khách ngoài mục đích chào hàng”. Ảnh: Alamy.
|
|
Bản Cát Cát được xem như một trong những điểm đến thơ mộng nhất Sa Pa. Tuy nhiên, nhiều khách ngoại quốc thừa nhận bạn nên “giảm kỳ vọng” khi tới đây. Keith B, du khách Canada, cho biết điểm đến này quá đông trong không gian khá nhỏ. Bên cạnh đó, ông cũng bị chèo kéo mua đồ bởi 3 phụ nữ địa phương. Người dùng này ấn tượng với cảnh sắc của bản Cát Cát nhưng nhận xét “không có nhiều điểm đáng chú ý ngoài những tiệm bán đồ lụa”. Ảnh: Culture Trip.
|
|
Đồ ăn ở Sa Pa cũng gây nhiều tranh cãi. Một số du khách cho biết họ phải ăn những món “siêu dở” với giá tiền trên trời. Vấn đề vệ sinh thực phẩm tại những hàng quán ven đường cũng khiến nhiều khách ngoại quốc quan ngại. Ảnh: Sapa Cuisine.
|
|
Chủ blog Grrrl Traveler chia sẻ một số sự cố với vải chàm truyền thống của người H’Mong. Anh cho biết những món đồ thủ công có hình thức đẹp, bắt mắt nhưng thuốc nhuộm lại làm bẩn đồ và da người mặc. “Bạn nên giặt với nước muối để màu không còn bị phai. Tuy nhiên, cách này sẽ tốn khá nhiều thời gian. Tốt hơn, nếu muốn mặc ngay, bạn nên tách những món đồ này khỏi quần áo bình thường”. Ảnh: Rifalo, Via.kalia.
|
|
Bên cạnh một số điểm chưa hài lòng, nhiều khách Tây vẫn đánh giá cao Sa Pa với những trải nghiệm độc đáo. Một trong những điều khiến họ thích nhất là trekking. Sa Pa sở hữu những cung đường tuyệt vời cho du khích đam mê bộ môn thể thao này như thung lũng Mường Hoa, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn… Ảnh: Asian Wings.
|
|
Nhiều homestay ở Sa Pa có tầm nhìn tuyệt vời cùng không gian thoáng đãng, thơ mộng. Rời xa khu trung tâm, bạn có thể tìm thấy nhiều điểm đến như vậy với mức giá phải chăng. Đây là điều được khách ngoại quốc đặc biệt yêu thích. “Chúng tôi chọn homestay ở Tả Van với phòng riêng. Đó là trải nghiệm tuyệt vời khi dùng bữa cùng gia đình chủ nhà. Cuộc sống ở đó rất bình yên. Đường lớn cách homestay gần 1 km, tức là chúng tôi có thể lắng nghe âm thanh núi rừng, sông suối thay vì tiếng giao thông, công trường ồn ã”, chủ blog Walk My World nói. Ảnh: Hội Du Lịch.
|
|
Trên TripAdvisors, nhiều khách nước ngoài chấm 5 sao cho trải nghiệm tắm thảo mộc khi tới Sa Pa. Bạn có thể tìm thấy một số điểm tắm ở trung tâm nhưng đa số gợi ý bản Tả Phìn mới là lựa chọn hàng đầu. “Chúng tôi trả hơn 100.000 đồng cho phòng tắm có tầm nhìn ra núi. Cảm giác thật thư giãn với khung cảnh tuyệt vời”, Robink538, khách New Zealand chia sẻ. Ảnh: Vietnamtrips.
|
Nguồn: News.zing.vn