Những điều ít biết về Madagascar

0
6
Cứ 7 năm một lần, người dân lại khai quật mộ và cùng khiêu vũ với xác chết. Ảnh: News Week.

Cứ 7 năm, người dân lại tổ chức “lễ thay xương” với các hoạt động khiêu vũ, ăn uống và trò chuyện cùng xác chết.

Madagascar là quốc đảo giàu văn hóa và sở hữu hệ động, thực vật phong phú. Tại đây, du khách có thể khám phá thiên nhiên đa dạng, nhảy múa cùng vượn cáo hay tìm hiểu lịch sử với những câu chuyện về cướp biển.

Người dân có nguồn gốc từ châu Á

Quốc đảo bị ngăn cách với châu Phi bởi eo biển Mozambique và xa châu Á. Tuy nhiên, người dân ở đây lại có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Từ hơn 2.000 năm trước, những người đi biển gốc Malaysia-Ấn Độ đã tới đây. Ngày nay, văn hóa của người Malagasy có nhiều nét tương đồng với người Đông Nam Á. Thức ăn của họ chủ yếu là gạo và ngôn ngữ cũng có nguồn gốc từ đây. Đặc biệt, người dân thích được gọi là Malagasy thay vì người châu Phi.

Phong tục nhảy múa cùng người chết

Nhiều người Malagasy tin vào thuyết vật linh, họ vẫn duy trì phong tục nhảy múa cùng người chết hay “sự trở về của những bộ xương”. Ở quốc đảo, cái chết không phải là sự kết thúc và tiêu cực, mà chỉ là một hình thức sống khác. Vì vậy, họ thường khai quật những ngôi mộ và khiêu vũ cùng bộ xương như một hình thức tôn kính người đã khuất.

Cứ 7 năm một lần, người dân lại khai quật mộ và cùng khiêu vũ với xác chết. Ảnh: News Week.

Cứ 7 năm một lần, người dân lại khai quật mộ và cùng khiêu vũ với xác chết. Ảnh: News Week.

Trang phục truyền thống của nam và nữ giống nhau

Hầu hết quốc gia đều có trang phục truyền thống dành riêng cho 2 giới. Tuy nhiên, cả nam và nữ ở quốc đảo này đều dùng chung một loại vải dài để mặc hoặc quấn quanh cơ thể. Vào mỗi dịp đặc biệt, người dân sẽ lựa chọn các kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Đó có thể là kẻ đỏ, trắng, đen và xanh, nâu. Loại trang phục truyền thống này cũng có tác dụng để buộc trẻ em sau lưng.

Hòn đảo lớn thứ 4 trên thế giới

Với diện tích hơn 592.000 km2, quốc gia này là hòn đảo lớn thứ 4 trên thế giới, sau Greenland, New Guinea và Borneo. Nơi đây có địa hình và môi trường sống đa dạng, từ núi lửa, cao nguyên đến vùng rừng mưa và các vách đá sa thạch.

Tổ chức Công viên quốc gia được thành lập năm 1990 để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong các khu bảo tồn. Ảnh: Natural World Safari.

Tổ chức Công viên quốc gia được thành lập năm 1990 để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: Natural World Safari.

Hàng trăm loài không có ở bất cứ đâu

Gần 90% loài động vật hoang dã chỉ xuất hiện tại quốc đảo này. Nổi bật là hơn 70 loài vượn cáo, 16 trong số đó đã biến mất kể từ khi con người tới đây. Ngoài ra, bạn có thể khám phá tới 346 loài bò sát, hơn 6.000 loài cây đặc hữu và một số động vật ăn thịt như cầy Fossa. Ngày nay, bên cạnh hoạt động sản xuất của con người, phá rừng, hỏa hoạn, xói mòn hay các loài ngoại lai là mối đe dọa tới sự đa dạng sinh học của hòn đảo này.

Nhiều cây baobab đẹp

Khi nhắc về cây Baobab, du khách thường nghĩ về lục địa đen châu Phi. Tuy nhiên, quốc đảo Madagascar lại sở hữu 75% số cây đẹp nhất thế giới. Quốc gia này còn tự hào là quê hương của 6 trên 9 loài baobab trên thế giới. Một số loài khác được tìm thấy ở Australia, bán đảo Ả Rập và lục địa châu Phi.

Để chiêm ngưỡng hàng cây Baobab, du khách có thể đến vùng Menabe, nơi loài cây đứng thẳng 2 bên đại lộ. Những cổ thụ ở đây từng là một phần của rừng nhiệt đới, tuy nhiên chúng dần bị xóa sổ để lấy đất cho nông nghiệp.

Cây Baobab được coi là biểu tượng quốc gia. Ảnh: Travel Triangle.

Cây Baobab được coi là biểu tượng quốc gia. Ảnh: Travel Triangle.

“Thiên đường cũ” của cướp biển

Trong suốt thế kỷ 17 và 18, quốc đảo này là nơi trú ẩn của hải tặc bởi những vịnh hẹp, hẻo lánh. Chúng thường tới đây sửa tàu và chuẩn bị lương thực, trước khi mở cuộc tấn công ở Ấn Độ Dương. Vào những năm 1690, cướp biển từng có cuộc sống thịnh vượng trên hòn đảo. Ngày nay, du khách có thể tham quan những nghĩa trang hải tặc khi tới đây.

Lan Hương (Theo Jacada Travel)

Nguồn: Vnexpress.net