Những điều được – mất của Nga sau kỳ World Cup tốn 13,2 tỷ USD

0
5

World Cup 2018 là một trong những giải đấu tiêu tốn nhiều tiền nhất trong lịch sử với một nước chủ nhà.

Để chuẩn bị cho giải bóng đá lớn nhất hành tinh, Chính phủ Nga và các nhà đầu tư đã bỏ ra khoản tiền khổng lồ để xây dựng những sân vận động mới, cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tổ chức những sự kiện văn hóa, theo RBC.

Tổng thống Vladimir Putin cầm cúp vàng World Cup. Ảnh: Global Look Press.

Tổng số tiền này không phải một gánh nặng lớn cho Nga, bởi Điện Kremlin đã chi dàn trải từ năm 2013 đến 2017. Dù vậy, chi phí này vẫn tốn kém hơn những gì nhiều nước chủ nhà World Cup khác từng bỏ ra, trừ Brazil.

Các chuyên gia nhận định cơ hội để nền kinh tế của nước chủ nhà hưởng lợi từ sự kiện thể thao quốc tế này khá thấp, nhưng có thể Điện Kremlin muốn ghi điểm PR nước Nga với thế giới.

Các nước chủ nhà từng tiêu bao nhiêu để tổ chức World Cup?

Theo Russia Beyond.

Khách quốc tế sẽ mang lại những gì?

Giới chức Nga dự tính khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế đến với xứ sở bạch dương để theo dõi giải đấu. Tuy nhiên, những công ty tư vấn thị trường ước tính đất nước này chỉ đón khoảng 500.000 lượt khách trong một tháng hè. Dù vậy, con số này vẫn có ý nghĩa lớn, bởi trung bình mỗi cổ động viên tiêu từ 5.000 tới 8.000 USD cho đồ ăn, thức uống, khách sạn, giải trí, quà lưu niệm… tại Nga.

Ảnh: Stoyan Vassev/TASS.

Tổng cộng, lượng ngoại tệ có thể đạt từ 2,5 đến 4 tỷ USD cho thị trường tiêu dùng nội địa. Khách nước ngoài góp phần gia tăng nhu cầu về khách sạn, nhà hàng, không chỉ tại những thành phố lớn mà cả những vùng đang khuyến khích đầu tư.

“Xu hướng này không dài lâu, nó sẽ chấm dứt ngay khi giải đấu kết thúc”, Evgeniya Miruk, Giám đốc tài chính của Công ty tư vấn Evolution Management, nói. 

Theo Telegraph.

Một hiện tượng nhất thời khác chính là đồng rúp tăng giá, do nhu cầu đổi tiền của cổ động viên ngoại quốc tăng trong dịp World Cup. Tuy nhiên, tác động này cũng hạn chế. Theo ý kiến chuyên gia, giá trị đồng rúp chỉ tăng 2% so với đồng USD, theo Russia Beyond.

Khách quốc tế có thể đem lại từ 2,5 đến 4 tỷ USD cho tiêu dùng nội địa Nga trong dịp World Cup. Ảnh: Alexander Ryumin/TASS.

Sân vận động bỏ không?

Trong khi phần lớn tiền đầu tư cho World Cup (8,9 tỷ USD) được dành vào quá trình cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và những hạng mục thể thao – khoản đầu tư có lợi lâu dài, 4,1 tỷ USD còn lại được phân bổ cho những dự án xây mới sân vận động hiện đại và đắt đỏ. Nhiều nhà chức trách tin tưởng Nga có thể kiếm lại nhờ tổ chức những sự kiện và hoạt động thể thao trong nước và quốc tế nhưng một số quan chức khác không dám chắc điều này.

Ảnh: Sputnik News.

Một báo cáo gần đây của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings hé lộ những sân vận động mới có thể ngốn hàng triệu rúp để bảo trì, bảo dưỡng và vận hành – một khoản tiền vừa phải với những thành phố lớn như Moskva hay St. Petersburg, nhưng có thể là gánh nặng kinh tế cho những thành phố như Saransk.

Năm ngoái, lãnh đạo thành phố Saransk báo cáo thâm hụt ngân sách 27% trong quá trình chuẩn bị World Cup. Hiện giới chức địa phương ước tính hàng năm họ sẽ phải trả 4,7 triệu USD để bảo trì sân vận động mới trị giá khoảng 300 triệu USD. 

Với nguồn lực hạn chế, Saransk và một số thành phố khác phải chật vật để chi trả phí bảo trì. Ảnh: AirPano LLC/Global Look Press.

Chiến dịch PR hoàn hảo?

Các chuyên gia nhấn mạnh, tổ chức một sự kiện quốc tế quy mô lớn như World Cup trước hết là một chiến dịch PR hữu hiệu chứ không phải bước tiến về kinh tế chính trị. Nếu 4,1 tỷ USD dùng để xây những sân vận động mới được xem như khoản đầu tư cho một chiến dịch PR toàn cầu của Nga, số tiền bỏ ra hoàn toàn xứng đáng.

“Nhiều tờ báo và kênh truyền hình nổi tiếng bắt đầu vẽ bức tranh về Nga như một quốc gia sống động và thân thiện ‘một cách đáng ngạc nhiên’, và tin tức đóng vai trò như một thỏi nam châm để hút dòng khách quốc tế hậu World Cup. Chúng tôi mong đợi những người nóng lòng thấy ‘vẻ bình thường mới mẻ của Nga’, những người không bị ‘tin tức giả’ tác động, và muốn thấy minh chứng rằng Nga thực sự là một quốc gia bình thường”, ông Rojankovski, nhà phân tích đầu tư tại Trung tâm Tài chính Moskva, nói.

Như vậy, việc Nga đứng ra tổ chức bất kỳ sự kiện quốc tế nào ở tầm cỡ như World Cup thực sự là khoản đầu tư tuyệt vời.

Tương lai cho Nga hậu World Cup

Kể từ khi Anh giành vé vào bán kết, lượt tìm kiếm chuyến bay của người dân Anh tăng vọt, những chuyến bay tới Nga vào ngày Tam Sư tranh huy chương đồng với Bỉ hay trận chung kết vào đêm 15/7 đều cháy vé, theo Telegraph.

Điều thú vị hơn là lượt tìm kiếm không chỉ dừng lại với World Cup, nhiều người đang thu thập thông tin để đến Nga trong tương lai. Theo Skyscanner, du khách bắt đầu quan tâm đến những chuyến bay từ 16/7 cho tới cuối tháng 5/2019, lượt tìm kiếm tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thủ đô Moskva và St. Petersburg – cánh cửa của Nga ra châu Âu là hai điểm đến sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi du khách đổ xô tới xứ sở bạch dương.

Jim Molly, Giám đốc kinh doanh thị trường Nga của Công ty du lịch Regent Holidays tại Anh, nhận định rằng nhiều khách hàng cũng hứng thú với Volgograd, Kaliningrad, Ekaterinburg, và một số điểm đến tiềm năng như Siberia hay Kamchatka.

Dù Tổng thống Nga đang cân nhắc miễn thị thực đến hết năm nay cho toàn bộ người hâm mộ có Fan ID, thủ tục visa sau đó có thể trở lại tình trạng cũ. “Đó là một cuộc phiêu lưu lớn. Vì thủ tục khá khó khăn nên chúng tôi thường khuyến khích khách hàng xin visa dài hơn một chút cho kỳ nghỉ”, Molly lo ngại.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng doanh thu tăng đột biến từ du lịch chỉ đóng góp ngắn hạn cho nền kinh tế Nga. Nhiều thành phố tổ chức World Cup năm nay không dễ dàng thu hút khách quốc tế bởi hạn chế về khoảng cách địa lý, thời tiết khắc nghiệt và yếu thế so với những điểm đến hấp dẫn khác của Nga.

Một ví dụ điển hình là Brazil, nước chủ nhà World Cup 2014, đã đầu tư tới 15 tỷ USD cho giải bóng hấp dẫn nhất hành tinh. Quốc gia Nam Mỹ nổi tiếng với những bờ biển vàng và trái tim xanh Amazon cũng chỉ đón một lượng khách đông đảo hơn ngày thường không đáng kể vào năm 2014. Thực tế, lượng khách quốc tế giảm từ 6,4 triệu xuống còn 6,3 triệu lượt vào năm 2015, vươn lên mốc 6,6 triệu lượt vào 2016 – một phần nhờ tổ chức Olympics.

Ngành du lịch Nga chắc chắn tăng trưởng vượt trội trong năm 2018 nhờ sức ảnh hưởng của World Cup, tuy nhiên tương lai lâu dài vẫn khó để xác định.

Phạm Huyền

Nguồn: Vnexpress.net