Baduy, bộ tộc sống ở phía tây đảo Java được biết đến với lối sống thuần khiến gắn liền với thiên nhiên và từ chối mọi tiện nghi mà đời sống hiện đại mang lại.
Đất nước vạn đảo Indonesia nổi tiếng là nhà của hàng nghìn bộ tộc với nền văn hóa và tín ngưỡng đa dạng. Sự tách biệt về không gian đã lưu lại cho quốc gia có dân số đông nhất khu vực Đông Nam Á những nét độc đáo về đời sống trên từng hòn đảo. Trong một lần theo đoàn làm phim thực hiện “Ký sự vạn đảo”, tôi đã có cơ hội giáp mặt với một trong những bộ tộc thú vị mà chúng tôi gọi họ là “những con người từ chối thiên đàng”.
Đàn ông và trẻ em Baduy trắng. Ảnh: Akirana. |
Nằm cách thủ đô Jarkarta khoảng 120 km với 3 giờ lái ôtô hướng về phía tây của đảo Java (đảo lớn thứ 2 ở Indonesia), thế giới của những người Baduy (phát âm là Ba-đui) hiện ra thanh bình và xanh thẳm cây rừng. Con đường nối vào đến tận cổng làng Ciboleger đã được chính phủ trải nhựa để cải thiện việc đi lại cho người dân và góp phần thúc đẩy ngành du lịch.
Sau khi để xe bên ngoài làng, lối đi nhỏ lát đá và phủ đất trên mặt bắt đầu nối vào thế giới thuần khiến. Không khó để nhận ra những người Baduy trong bộ quần áo màu xanh thẫm, bên vai đeo giỏ và không hề mang dép. Họ dùng đôi chân trần băng qua những cánh rừng, dòng sông, con suối như tổ tiên bao đời vẫn làm.
Một vài tài liệu khoa học ghi chú người Baduy thuộc hệ người Sudan (không phải là người Sudan ở châu Phi) vốn có nguồn gốc ở tây đảo Java còn bản thân những người Baduy tự hào truyền miệng nhau rằng họ là một trong những bộ tộc đầu tiên trên trái đất. Năm 1850 người Hà Lan đặt chân đến Indonesia và giáp mặt với bộ tộc Kanekes. Tuy đã dùng nhiều hình thức từ dụ dỗ đến cưỡng bức người Kanekes trồng cao su nhưng họ đều không chấp nhận, các nhà cầm quyền Hà Lan đã gọi họ là Baduy dựa theo tên của bộ tộc Bedouin vốn rất cứng đầu ở vùng Ả Rập. Cũng có thông tin cho rằng, đó là theo cách gọi của dòng sông trong vùng cư trú của họ. Thế là cái tên Baduy bắt đầu được sử dụng từ đó.
Thật thú vị khi người dẫn đường giới thiệu đây là anh bạn người Baduy Trắng và đây là anh bạn người Baduy Đen, nhưng cả hai đều có làn da trắng trẻo như nhau. Thật ra đây là cách để phân biệt hai cộng đồng người bằng cách gọi theo màu chiếc khăn đội đầu cũng tương tự như người Thái Trắng và Thái Đen ở quê nhà Việt Nam.
Và Juri đã lớn (ngoài cùng bên trái) khi chúng tôi gặp anh trên đường vào làng của người Baduy. Ảnh B.Nguyên |
Cả cộng đồng người Baduy có khoảng 30 ngôi làng nằm sâu trong những cánh rừng với đời sống hoàn toàn hoang dã. Người Baduy đen còn gọi là Outer Baduy (Baduy Luar), còn người Baduy trắng là Inner Baduy (Baduy Dalam). Họ sống thành từng lớp, làng ngoài bao bọc làng trong. Những ngôi làng của người Baduy trắng thường hạn chế khách nước ngoài. Ngay cả người Indonesia cũng không có nhiều người được phép vào thăm ngôi làng của Baduy Dalam nằm cách đường lớn hàng ngày dài đường đi. Vì là lối đi độc đạo nối các làng với nhau, nếu có khách lạ, những người Baduy đen sống bên ngoài sẽ nhanh chóng thông báo cho nhau và hạn chế sự xâm lấm hiện đại tối đa để không ảnh hưởng đến người Baduy trắng.
Cũng sống dựa vào tự nhiên, nhưng bộ tộc Baduy lại rất hiền hòa, họ hiện tại chủ yếu sống bằng việc hái lượm và tự trồng trọt. Săn bắt và giết hại muông thú đã là việc của ngày xưa. Trên đường vào làng, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những thanh niên trong làng vai đeo ống tre lớn đựng mật ong. Một số họ để dùng, số khác mang ra ngoài trao đổi lấy thực thẩm. Du khách rất thích mật ong rừng tự nhiên mà người Baduy khai thác được bởi vị thơm ngon và bổ dưỡng.
Những người phụ nữ Baduy tần tảo và hay giấu mặt trước khách lạ. Du khách thường được đề nghị hạn chế chụp hình hoặc nên xin phép trước, đồng thời tuyệt đối không chọc ghẹo để tôn trọng họ. Với đôi bàn tay cần mẫn, họ canh tác trên những nương rẫy, trồng các loại củ quả và làm việc chăm chỉ như đàn ông. Điểm đặc biệt là người Baduy sớm biết giữ gìn chăm sóc đất, họ ít đốn cây và thường để lại rễ bởi không muốn làm hại rừng và giữ đất khỏe mạnh.
Đàn ông Baduy rất thân thiện và hiền lành dù bên hông họ lúc nào cũng giắt một con dao vốn dùng để đi rừng. May mắn gặp được một số người Baduy trắng tại ngôi làng của người Baduy đen ngoài bìa rừng, ấn tượng nhất là đôi mắt trong trẻo mà tôi có thể cảm nhận được sự chân thành và thuần khiến của một bộ tộc hoàn toàn sống gần thiên nhiên.
Phong cảnh đẹp nhất thường là vào buổi chiều tối khi lũ làng Baduy trở về nhà. Sau khoảng một tiếng đi bộ, chúng tôi cũng đã đến được ngôi làng thứ ba tính từ ngoài vào. Những mái nhà dựng bằng tre nứa và lợp lá cây của người Baduy đen đang tỏa khói. Làng gần nhất có người Baduy trắng cách ít nhất 8 giờ băng rừng lội suối. Thế mà anh bạn người Baduy trắng bảo tôi rằng anh vẫn cứ đi dù chả có ngọn đèn nào soi đường, tất cả chỉ dựa vào thói quen.
Như các bộ lạc tiền sử, người Baduy chọn sống gần nguồn nước, dọc theo những con sông hoặc suối. Chiều đến họ đưa nhau ra sông tắm giặt trước khi trở về cho bữa tối. Vải vóc cũng do họ tự dệt bằng những khung cửi đơn giản. Nhờ sống tách biệt với thế giới hiện đại, trong làng không hề có rác thải, lối đi sạch sẽ và gọn gàng.
Bữa cơm tối đơn giản với vài món rau rừng cùng chút cơm mang theo đường, chúng tôi dành trọn cả đêm trò chuyện cùng người Baduy. Những anh bạn người Baduy trắng cũng không về nhà mà ở lại chơi với khách lạ. Thật thú vị khi đã lâu lắm rồi những con người hiện đại mới có một đêm không chăn êm nệm ấm, máy lạnh hay tivi. Thứ duy nhất là chiếc đèn pin có vẻ làm phá hỏng không khí của thuở ban sơ. Trong ánh nến leo lét, tôi hỏi gia đình anh chủ nhà nếu người Baduy mang những thứ hiện đại vào làng thì sẽ ra sao. Câu trả lời rất đơn giản, họ đã được giáo dục từ nhỏ là không được phép. Nếu ai muốn sống cuộc đời hiện đại thì phải ra khỏi làng, điều mà không người Baduy nào muốn.
Trẻ em Baduy dù trắng hay đen đều không đi học, nhiều trong số họ không biết đọc biết viết và chính phủ Indonesia (điển hình là thời tổng thống Suharto) dù đã cố gắng ban hành các văn bản và đạo luật để đưa họ đến trường nhưng người Baduy đều từ chối. Đối với những người Baduy đã biết đến thế giới hiện đại, khi tôi hỏi họ thích cuộc sống nào, ai cũng gật đầu trả lời không cần suy nghĩ “Đã sinh ra là người Baduy thì mãi mãi là người Baduy và sống trong làng của người Baduy”.
Người phụ nữ Baduy đen chuẩn bị vào rừng cho một ngày làm việc mới. Ảnh: Akirana. |
Tạm biệt những người Baduy đáng mến, tôi cứ vấn vương mãi với câu nói của anh hướng dẫn “Người Baduy tuy không có tín ngưỡng cụ thể nhưng chính họ mới là người biết giữ tín ngưỡng một cách tự nhiên không khiên cưỡng khi vẫn tiếp tục thực hiện lối sống từ ngàn đời xưa”. Đứng giữa bầu trời đầy sao đêm ấy, tôi tự hỏi, vậy đâu là thiên đàng và hạnh phúc là thế nào?
Hoài Nam
Nguồn: Vnexpress.net