Người phụ nữ sống sót khi rơi từ 3.000 m xuống rừng Amazon

0
10
Dấu x đánh dấu điểm xảy ra tai nạn. Ảnh: Wiki/News.

Peru Juliane Koepcke thấy mẹ văng ra ngoài khoảng không khi máy bay rơi, chỉ lát sau cô gái trẻ thấy mình rơi tự do từ độ cao gần 3.000 m.

Khi gặp nạn, Juliane Koepcke mới 17 và không quá bận tâm tới cơn dông ngoài cửa sổ máy bay. Nhưng mẹ cô, bà Maria, đang ngồi cạnh con gái trên chuyến bay qua vùng rừng rậm Amazon, lại khá bồn chồn. “Mẹ không thích thế này chút nào”, bà Maria nói với con khi máy bay rung lắc trong vùng nhiễu động. Juliane không hề biết rằng dông tố có thể khiến máy bay lao thẳng xuống đất ít phút sau…

Thảm họa

Juliane và mẹ đang trên đường đi gặp cha, ông Hans-Wilhelm, vào đêm Giáng sinh năm 1971. Gia đình người Đức này sống tại Peru, nơi ông Hans-Wilhelm và bà Maria là hai nhà động vật học, làm việc tại trạm nghiên cứu Panguana trong rừng nhiệt đới.

Từ thủ đô Lima, mẹ con Juliane tới thành phố Pucallpa trên chuyến bay mang số hiệu 508 của hãng hàng không Lansa. Cơn dông dữ dội khiến chiếc Lockheed L-188A Electra chao đảo, hành lý và những hộp quà Giáng sinh rơi tứ tung. “Mẹ và tôi nắm chặt tay nhau nhưng không thể thốt nên lời. Những hành khách khác bắt đầu la hét”, Juliane nói. 

Khoảng 10 phút sau, cô nhìn thấy một luồng sáng rọi thẳng vào động cơ bên trái – sét đã đánh trúng máy bay, ngọn lửa bùng lên. Đó là lúc cô bắt đầu sợ hãi. Lời cuối cùng tôi nghe từ mẹ: “Thế là hết, tất cả đã kết thúc”. Cô nhận ra chiếc máy nhập từ Mỹ này chỉ có đôi cánh nhỏ, không đủ sức chịu rung lắc khi vào vùng nhiễu động mạnh.

Ngọn lửa tiếp tục cháy, một bên cánh gãy và máy bay lao thẳng xuống cánh rừng bên dưới. “Tiếng động cơ gầm rú còn mọi người gào thét, máy bay chúi đầu xuống đất. Rồi mọi thứ yên tĩnh đến lạ thường so với mớ âm thanh hỗn độn trước đó. Tôi chỉ nghe gió lùa trong tai. Người vẫn gắn chặt trên ghế”, Juliane nói.

Bà Maria và người đàn ông ngồi cạnh đều bị văng khỏi ghế, còn Juliane rơi tự do từ độ cao gần 3.000 m và nhìn thấy cánh rừng bên dưới “như những bông cải xanh”.

Dấu x đánh dấu điểm xảy ra tai nạn. Ảnh: Wiki/News.

Dấu x đánh dấu điểm xảy ra tai nạn. Ảnh: Wiki/News.

Tiếp đất

Hàng ghế trống đã cản cú rơi lại từ tán cây. Cô gái tiếp tục rơi thêm khoảng 30 m xuyên qua những tầng lá dày của khu rừng trước khi tiếp đất và ngất lịm tới sáng hôm sau. 

“Tôi bị chấn thương đầu nghiêm trọng, nên không thể ngồi dậy. Hai mắt sưng vù. Lúc này tôi nằm dưới ghế và không còn gắn chặt vào đó nữa”, cô nhắc lại những giây phút đầu tiên khi tỉnh lại.

Cô biết mình đã thoát chết khi thấy bầu trời và rừng cây: “Cú sốc và cơn chấn thương đầu chỉ cho phép tôi nhận ra vài điều cơ bản. Tôi không thực sự nghĩ về bản thân, mà lo không biết mẹ đang ở đâu”.

Juliane hét lên gọi mẹ nhưng vẳng lại chỉ có âm thanh của cánh rừng bạt ngàn. Mất nửa ngày cô mới có thể gắng hết sức đứng dậy, đi lại xung quanh. Nhớ lại những bài học sinh tồn từ cha, cô tìm thấy một dòng suối và đi xuôi theo đó. Khi đó, khắp người cô gái 17 tuổi đều có thương tích – gãy xương đòn, tổn thương cột sống, đứt dây chằng và những vết cắt khắp chân tay. 

Một mình ở Amazon

Một chiếc váy mini cộc tay, đôi sandal mất một chiếc và một gói kẹo rơi tại máy bay là tất cả những gì Juliane có trên đường đi xung quanh tìm người giúp đỡ. Cô không thể nhìn rõ mọi thứ do cặp kính cận đã vỡ, và phải lấy chiếc dép còn sót lại để kiểm tra nền đất phía trước khi bước đi.

Tới ngày thứ 4 sau vụ tai nạn, Juliane sợ hãi khi nghe thấy tiếng ồn ào của những con kền kền – bởi cô biết chúng chỉ sà xuống nơi nào có nhiều xác chết. Đó là những thi thể từ chiếc máy bay. “Toàn thân tôi tê cứng vì hoảng loạn”, cô nói.

“Tôi tìm thấy một hàng ghế cắm xuống nền. Tác động phải mạnh đến mức chúng bị vùi sâu gần một mét dưới đất. Ba người mắc kẹt trên đó hẳn đã chết ngay tức khắc, thật là một khoảnh khắc kinh khủng”, cô kể lại.

Cho rằng mẹ có thể nằm trong đó, Juliane lấy que để chạm vào một cái xác, nhưng lại thấy những ngón chân của người phụ nữ này được sơn sửa – điều mẹ cô không có. “Tôi nhẹ nhõm ngay, nhưng rồi tự thấy hổ thẹn vì cảm giác đó”, cô nói.

Bước qua những thi thể, Juliane tiếp tục băng rừng để tìm ai đó giúp đỡ. Cô lội xuôi dòng sông để tránh giẫm phải những cây độc mọc trong rừng, chống chọi với nắng mưa và cơn đói. Đôi lúc, tiếng trực thăng và máy bay cứu hộ vù vù trên trời, nhưng cô không có cách nào báo hiệu cho họ biết mình đang ở phía dưới những tán cây dày đặc.

Juliane quay lại hiện trường vụ tai nạn vào năm 1998. Ảnh: Wings of Hope.

Juliane quay lại hiện trường vụ tai nạn vào năm 1998. Ảnh: Wings of Hope.

Phép màu

May mắn cho Juliane, Amazon là nơi quen thuộc với cô nhờ theo chân cha mẹ suốt một năm rưỡi trong rừng. Nhưng tình hình ngày càng tệ khi cô nhận ra lũ ruồi đẻ trứng vào vết thương hở trên cánh tay, vài con giòi đã nở dưới da.

10 ngày sau thảm họa, Juliane bắt gặp một chiếc thuyền máy trên sông và một thùng xăng – thứ cô lấy để khử trùng vết thương và tiêu diệt lũ giòi. “Cơn đau càng dữ dội khi những con giòi cố chui sâu vào vết thương. Tôi kéo ra khoảng 30 con và vô cùng tự hào về mình”. Đêm đó, cô nghỉ lại trong một căn lán ven sông và lả đi vì đói.

Tới ngày thứ 11, Juliane nghe có tiếng của những người đàn ông bên ngoài: “Âm thanh đó tựa như giọng nói của những thiên thần”.

Khi thấy Juliane, họ khựng lại và ngừng nói chuyện. Họ nghĩ cô là một vị thần trong truyền thuyết của người địa phương. Juliane giới thiệu mình bằng tiếng Tây Ban Nha và giải thích chuyện gì đã xảy ra, họ cho cô ăn và chữa trị những vết thương trước khi đưa tới bệnh viện vào hôm sau, nơi ông Hans-Wilhelm thở phào vì thấy con gái còn sống.

“Cha tôi không thốt nên lời, và trong giây phút đó chúng tôi chỉ ôm lấy nhau. Vài ngày sau, cha vẫn điên cuồng tìm mẹ. Tới 12/1, người ta thấy thi thể của bà”,  Juliane chia sẻ. 

Juliane, 17 tuổi, bình phục sau vụ tai nạn. Ảnh: Delo.

Juliane, 17 tuổi, bình phục sau vụ tai nạn. Ảnh: Delo.

Lực lượng điều tra Peru phát hiện vụ tai nạn xảy ra vì phi công cố bay vào vùng thời tiết nguy hiểm, có lẽ do áp lực phải đảm bảo lịch trình bận rộn trong kỳ nghỉ Giáng sinh. Không quân và cảnh sát Peru cũng thẩm vấn Juliane kỹ càng, bởi cô là người duy nhất sống sót trong số 92 người có mặt trên máy bay.

Hồi phục

Năm 1972, Juliane trở về Đức, né tránh mọi chú ý từ truyền thông. Cô theo đuổi ngành sinh học tại nhiều trường đại học vào năm 1980 và lấy bằng tiến sĩ, tiếp tục sự nghiệp của bố mẹ tại Peru. Năm 2000, nhà làm phim tài liệu Werner Herzog tái hiện câu chuyện của Juliane trong bộ phim Wings of Hope (Đôi cánh hy vọng). 

Hiện Juliane, 64 tuổi, hiện là một nhà nghiên cứu động vật, đảm nhiệm chức phó giám đốc viện nghiên cứu Bavarian State Collection tại Munich (ZSM) và giám đốc trạm nghiên cứu Panguana tại Peru nơi bố mẹ bà từng công tác. Bà đã xuất bản cuốn tự truyện  When I Fell From the Sky (Từ trên trời rơi xuống) vào năm 2011, kể về câu chuyện sinh tồn của mình. Ảnh: Coleman Rayner.

Hiện Juliane, 64 tuổi, hiện là một nhà nghiên cứu động vật, đảm nhiệm chức phó giám đốc viện nghiên cứu Bavarian State Collection tại Munich (ZSM) và giám đốc trạm nghiên cứu Panguana tại Peru, nơi bố mẹ bà từng công tác. Bà đã xuất bản cuốn tự truyện When I Fell From the Sky (Từ trên trời rơi xuống) vào năm 2011, kể về câu chuyện sinh tồn của mình. Ảnh: Coleman Rayner.

Mãi sau này, khi ông Hans-Wilhelm qua đời, Juliane mới biết rằng mẹ thực ra cũng sống sót trong vụ tai nạn, song bà không thể cử động do chấn thương nghiêm trọng. “Cha tôi nghĩ rằng mẹ đã sống thêm gần hai tuần, có lẽ tới 6/1 vì khi tới nhận dạng, thi thể của bà không hề phân hủy dù trong rừng nóng ẩm và có nhiều động vật ăn xác thối. Ông đoán bà bị gãy xương sống hoặc xương chậu, và không thể cử động”, Juliane nói và thú thực mình không dám nghĩ về những ngày cuối cùng của mẹ.

Dù đã vượt qua những chấn thương, Juliane luôn tự hỏi tại sao mình lại là người duy nhất sống sót. Câu hỏi này tiếp tục ám ảnh bà trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời. 

Xem thêm: Cuộc đời tiếp viên sống sót khi rơi từ độ cao 10.000 m

Bảo Ngọc (Theo BBC)

Nguồn: Vnexpress.net