Thành thông lệ, đêm giao thừa mừng năm mới tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York, Mỹ, luôn được hàng triệu người chờ đón. Sự kiện rực rỡ này đã có lịch sử 115 năm.
Quảng trường Thời đại (Times Square) là một trong những địa điểm mang tính biểu tượng của thành phố New York, Mỹ. Hàng năm, cả triệu người dân và du khách từ mọi nơi đổ về đây, cùng đón chờ thời khắc giao thừa thiêng liêng giữa những màn pháo hoa rực rỡ, khiến khu vực này càng trở nên nổi tiếng. Theo thời gian, sự kiện đón năm mới tưng bừng tại nước Mỹ đã thay đổi ra sao? Ảnh: Stephanie Keith.
Truyền thống đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại được cho là có từ năm 1904 với khoảng 200.000 người tham dự thuở đầu. Song, trước khi hoạt động này trở nên phổ biến, người Mỹ thường tập trung tại khu vực nhà thờ Trinity cạnh Phố Wall để lắng nghe tiếng chuông nhà thờ và mừng năm mới. Trong ảnh là đám đông gần nhà thờ Trinity năm 1906. Ảnh: NYPL.
Trong vài thập kỷ tiếp theo, lượng người chen chân tập trung về Quảng trường Thời đại để đón giao thừa, mừng năm mới không ngừng tăng lên, giống với khoảnh khắc được ghi lại đêm 31/12/1941 này. Ảnh: NYPL.
Lực lượng cứu hỏa của thành phố New York có mặt tại Quảng trường Thời đại vào ngày cuối cùng của năm 1941 trước thời khắc chuyển sang năm mới. Bước vào Thế chiến II, lực lượng này bắt đầu tăng cường an ninh cho khu vực công cộng đông người bậc nhất thành phố. Ảnh: AP.
Truyền thống thả quả cầu rơi ở Quảng trường Thời đại đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới có từ năm 1907, khi thành phố cấm bắn pháo hoa. Hoạt động này duy trì đều đặn hàng năm, song vì lý do chiến tranh, giai đoạn 1942-1943 là thời điểm duy nhất không thả quả cầu rơi như thường lệ. Tuy vậy theo ước tính, vẫn có nửa triệu người đã góp mặt ở Quảng trường Thời đại vào năm 1942. Ảnh: AP.
Khi tivi trở nên phổ biến vào những năm 1960, mọi người bắt đầu theo dõi sự kiện mừng năm mới của thành phố qua màn ảnh nhỏ. Bức ảnh năm 1963 cho thấy khoảng 3.000 người tụ họp tại ga Grand Central Terminal hướng mắt về chiếc tivi lớn để xem hình ảnh Quảng trường Thời đại, một địa điểm chỉ cách đó… vài dãy nhà. Ảnh: AP.
Đám đông muốn “nghẹt thở” tại Quảng trường Thời đại trong ngày 31/12/1974. Theo thời gian, quả cầu thả rơi ở đây cũng được tân trang theo hướng hiện đại hơn, nhất là các bóng đèn thắp sáng xung quanh. Ảnh: AP.
Năm 1982, 4 quả bom đã phát nổ tại các tòa nhà chính phủ ở New York vào đêm giao thừa. Năm sau, thành phố tăng cường các biện pháp an ninh. Trong ảnh là những cảnh sát đang làm nhiệm vụ, theo dõi sự kiện đón năm mới 1983 qua monitor. Ảnh: AP.
Vào những năm 1990, các vị khách mời đặc biệt bắt đầu kích hoạt quả cầu rơi. Đầu tiên là nhà từ thiện Oseola McCarty, sau đó là Muhammad Ali, Mary Ann Hopkins từ tổ chức phi chính phủ Bác sĩ không biên giới, rồi nghệ sĩ Lady Gaga… Quả cầu lúc này có lớp “da nhôm”, trang trí những chi tiết giả kim cương cùng đèn nhấp nháy. Ảnh: AP.
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, lực lượng cảnh sát càng siết chặt an ninh ở khu vực Quảng trường Thời đại. Chó đánh hơi bom và hàng nghìn cảnh sát trang bị máy dò kim loại cầm tay được huy động làm nhiệm vụ trong đêm đón giao thừa tại đây. Ảnh: AP.
Theo ước tính, đã có khoảng 500.000 người cùng tập trung xem khoảnh khắc thả quả cầu rơi ở Quảng trường Thời đại, đánh dấu giây phút bước sang năm 2002. Lúc này, quả cầu thiết kế hiện đại hơn với pha lê rực rỡ và hệ thống chiếu sáng tân tiến. Ảnh: AP.
Thay vì sử dụng ôtô, người ta dùng xích lô vận chuyển các con số trang trí đèn đến Quảng trường Thời đại, chuẩn bị mừng năm mới. Ảnh chụp ngày 16/12/2009. Ảnh: Reuters.
Một góc nhìn khác về quả cầu rơi tại Quảng trường Thời đại. Ảnh chụp từ đỉnh tòa nhà cao tầng mang tính biểu tượng One Times Square trong ngày 27/12/2011. Ảnh: Reuters.
“Cơn mưa” hoa giấy đầy màu sắc rực rỡ vào đêm 31/12/2011, diễn ra cùng lúc với thời khắc thả quả cầu rơi đón năm mới tại Quảng trường Thời đại. Ảnh: Reuters.
Bất chấp nhiệt độ buốt giá chỉ còn âm 12 độ C, khoảng một triệu người đã tập trung về Quảng trường Thời đại để đón chào năm mới 2018. Một năm lại sắp qua đi. Năm mới 2019 đang về trong niềm hân hoan của muôn người, muôn nhà trên khắp thế giới. Ảnh: AP.