Người dân Nhật Bản khổ sở vì quá đông du khách

0
20
Chiến dịch quảng bá du lịch Nhật Bản

Người dân Kyoto phàn nàn về tình trạng giao thông quá tải, môi trường ô nhiễm vì quá nhiều du khách kéo đến.

Năm 2003, gần 5 triệu lượt khách quốc tế đến Nhật Bản – con số khiêm tốn so với lượt khách tới những điểm đến tại châu Á như Hong Kong (9,6 triệu lượt) hay Thái Lan (hơn 10 triệu lượt)… vào thời điểm đó, theo World Bank. Cùng năm đó, chính phủ Nhật Bản khởi động chiến dịch quảng bá Visit Japan với mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách.

Chiến dịch quảng bá du lịch Nhật Bản
 
 

Chiến dịch quảng bá du lịch Nhật Bản

 Video quảng bá du lịch của chính phủ Nhật Bản. Nguồn: Japan National Tourism Organization.

Chiến dịch dài hơi được cho là đạt thành công vang dội khi Nhật Bản đón gần 20 triệu lượt khách vào năm 2016, dự kiến con số này sẽ lên tới 40 triệu lượt vào năm 2020 – khi Tokyo trở thành chủ nhà thế vận hội Olympic, SCMP đưa tin.

Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch tăng trưởng du lịch để bù vào những khoản thâm hụt từ các ngành kinh tế khác, đưa ra mục tiêu mới với 60 triệu lượt khách vào năm 2030.

Theo Tổ chức Du lịch Nhật Bản (Japan National Tourism Organisation), khách Trung Quốc chiếm một phần lớn trong tổng lượng khách quốc tế. Hơn 4 triệu lượt khách Trung Quốc đến Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, hơn 48% khách từ tháng 4 tới tháng 6 là khách quay lại nhiều lần, điều này cho thấy Trung Quốc là thị trường hứa hẹn của ngành du lịch xứ sở hoa anh đào.

Tuy nhiên, nhiều người Nhật Bản cho rằng họ nên cẩn trọng trước tình hình phát triển của du lịch vì người dân đất nước mặt trời mọc cần rất nhiều thời gian để làm quen với những thay đổi từ nhỏ nhất.

nguoi-dan-nhat-ban-kho-so-vi-qua-dong-du-khach

Nhật Bản là điểm đến yêu thích của đông đảo khách Trung Quốc do cảnh đẹp, môi trường trong lành và có nhiều mặt hàng chất lượng cao để mua sắm. Ảnh: SCMP.

Phương tiện giao thông công cộng ngày càng đông đúc, đặc biệt là tại Kyoto; phòng khách sạn khan hiếm, nhất là vào thời gian cao điểm của mùa hoa anh đào… Nhiều người sống trong những căn nhà thuê riêng (gọi là minpaku) phải chịu nhiều phiền toái vì ô nhiễm tiếng ồn vào ban đêm hay tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi.

Lối sống của khách nước ngoài cũng khác biệt so với người bản địa. Nhiều khách phương Tây có sở thích xăm hình lớn và để lộ, trong khi người Nhật cho rằng chỉ những người thuộc giới xã hội đen mới xăm mình.

Vừa qua, tờ báo Nhật Asahi có bài viết cho rằng “những đám đông bất tận, hàng xóm xa lạ và hành xử lỗ mãng” đã làm hỏng chất lượng sống của cư dân Kyoto. Lượng khách du lịch (gồm cả người Nhật lẫn người nước ngoài) đến Kyoto đạt mức kỷ lục 56,84 triệu lượt trong năm 2015.

Một cư dân cho rằng cố đô Nhật Bản đang bị “ô nhiễm vì du lịch”. Những người khác cho rằng xe buýt trong thành phố quá tải, du khách vứt rác bừa bãi và nhà dân biến thành minpaku trái phép cho khách thuê.

Shuhei Akahoshi, Bộ Hội nghị và Du lịch cho biết: “Lượng khách du lịch tăng cao ảnh hưởng lớn đến đời sống của cư dân Kyoto. Ví dụ, xe buýt, tàu điện hay đường sá của chúng tôi trở nên đông đúc, gây tác động tiêu cực cho người tham gia giao thông. Những nhà trọ trái phép khiến cư dân lo ngại về an ninh khu vực và phá vỡ cuộc sống bình yên hàng ngày. Khác biệt văn hóa  như hút thuốc hay vứt rác đúng nơi quy định cũng gây nhiều vấn nạn”.

Nhận thấy trách nhiệm đảm bảo người dân và du khách có thể chung sống hòa bình, cũng như vai trò đi trước những thành phố khác đang phát triển du lịch, Sở Du lịch Kyoto đưa ra một loạt các quy tắc ứng xử để giảm xung đột văn hóa.

Shuhei Akahoshi, Bộ Hội nghị và Du lịch, tin rằng những xung đột trên có thể được giải quyết êm xuôi.

Sở Du lịch Kyoto đã hợp tác với TripAdvisor để sản xuất một cuốn sách nhỏ mang tên “Akimahen of Kyoto” – “akimahen” là phương ngữ địa phương có nghĩa là “không”. Cuốn sách cung cấp các lời khuyên cho du khách về những điều cấm kỵ trong xã hội Nhật Bản, đồng thời thêm gợi ý và thông tin hữu ích về điểm đến trên trang web của TripAdvisor.

nguoi-dan-nhat-ban-kho-so-vi-qua-dong-du-khach-1

Một người đàn ông Trung Quốc từng khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì nhảy xuống ao nước thiêng trong đền Kiyomizu, Kyoto. Ảnh: Eji Sight.

Thành phố cũng đã giới thiệu khái niệm “Ba loại phân tán”, ông Akahoshi cho hay.

Đầu tiên là đúng giờ – cư dân được khuyến khích ra đường sớm vào buổi sáng hoặc buổi tối để giảm tải ách tắc vào giờ cao điểm trong ngày. Thứ hai là di dời địa điểm tổ chức sự kiện ra xa những khu vực đông đúc nhất của thành phố. Cuối cùng là nỗ lực thúc đẩy Kyoto trở thành điểm du lịch vào những khoảng thời gian khác nhau trong năm, “san” khách vào những tháng thấp điểm như tháng 1, 5 và 6.

Các sáng kiến ​​khác bao gồm hướng dẫn ryokan chỉ ra các hành vi mà nhà hàng, khách sạn Nhật Bản mong khách thực hiện, như cởi giày dép trước cửa nhà hay không tắm bồn bằng xà phòng. Chính quyền thành phố cũng mở khóa đào tạo cho các hướng dẫn viên bản địa kỹ năng sử dụng tiếng Trung và tiếng Anh, với nhiều ngôn ngữ khác sẽ được đưa vào chương trình trong tương lai.

“Từ lâu, Kyoto đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau khi lượng khách du lịch gia tăng. Mục tiêu của chúng tôi là khách và dân cùng chung sống hòa bình, hai bên cùng có lợi”, ông Akahoshi nói

“Đối với người Kyoto, chúng tôi không nghĩ đối đầu hoặc xung đột có thể giải quyết được vấn đề, thay vào đó chúng tôi tin tưởng sẽ đưa công dân hòa nhập với những thay đổi qua quá trình làm việc cẩn trọng. Chúng tôi tự hào là một điểm đến quốc tế và quyết tâm xử lý linh hoạt để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển du lịch”.

Việt Nam có thể học gì từ con đường phát triển du lịch của Nhật Bản?
 
 

Việt Nam có thể học gì từ con đường phát triển du lịch của Nhật Bản?

 Khám phá cố đô Kyoto. Video: Bun Bao Channel.

Nguồn: Vnexpress.net