‘Ngôi nhà điên’ nổi tiếng ở phố núi Đà Lạt lên báo Mỹ

0
8

CNN mô tả biệt thự Hằng Nga ở Đà Lạt hay Crazy House là “điên, kỳ lạ, tuyệt vời”.

Nằm giữa những biệt thự kiến trúc Pháp cũ của phố núi Đà Lạt, “ngôi nhà điên” như mê cung với các cầu thang xoắn ốc, phòng ngủ chạm trổ và nhiều ngóc ngách. Đây là tác phẩm thể hiện trí tưởng tượng của bà Đặng Việt Nga, 79 tuổi. “Ngôi nhà điên là đỉnh cao của cuộc đời và sức sáng tạo của tôi. Tôi muốn tạo ra một thứ nguyên bản, tiên phong và khác biệt trên thế giới”, bà Nga nói.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ ngành kiến trúc tại Moscow, bà Nga công tác vài năm tại Nga rồi chuyển về Hà Nội làm việc. Trong một chuyến công tác Đà Lạt, bà Nga say lòng vùng đất này vì phong cảnh tươi tốt, khí hậu mát mẻ, người dân tốt bụng và hy vọng được sống ở đây.

Những cấu trúc kỳ quái của “ngôi nhà điên”. Ảnh: CNN.

Năm 1983, bà chuyển về Đà Lạt cùng con trai 8 tuổi. Sau nhiều năm làm các dự án, bà nhận thấy mình cần giải phóng trí tưởng tượng. Tháng 2/1990, bà lên kế hoạch xây dựng “Ngôi nhà điên”. Tuy nhiên, thay vì bản thiết kế thông thường, bà vẽ hàng loạt bức tranh để thể hiện góc nhìn khác lạ của bản thân.

Là công trình theo trường phái kiến trúc biểu hiện, ngôi nhà không có các góc vuông mà thay vào đó là những hình thù tự nhiên như nấm, vỏ sò, hang động, mạng nhện… Bà Nga được tự do giải phóng trí tưởng tượng. Các cấu trúc không cần theo bất kỳ quy tắc nào, trừ một số nguyên tắc cơ bản để công trình an toàn và chắc chắn. 

Con trai bà Nga cho hay: “Mẹ tôi sử dụng nhiều bê tông vì rẻ và dễ biến hóa. Bà có thể sáng tạo bất kể hình gì bà muốn. Chất liệu này cũng phản ánh những gì bà đang hình dung”. Khoảng một năm sau khi bắt đầu, biệt thự Hằng Nga mở cửa đón những du khách đầu tiên.

Hiện nay, “ngôi nhà điên” giống một cánh rừng kỳ ảo giữa đời thực. Bà Nga nói: “Tôi cảm thấy thế kỷ qua con người đã phá hủy thiên nhiên quá nhiều, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vì thế tôi muốn tạo một kiến trúc có thể đem con người gần với thiên nhiên hơn”.

Gian nhà chính xây trên cao, giống một góc trong phim Thợ săn phù thủy(Hansel và Gretel), nằm chính giữa khu vườn mở, bao quanh là 4 ngôi nhà cây to lớn. Các “cành cây” bằng xi măng được thiết kế thành cây cầu xoắn để mọi người có thể di chuyển qua lại giữa các ngôi nhà.

Thoạt nhìn, các cấu trúc “không tưởng” này khiến người xem nhớ đến cảnh trong một bức tranh của họa sĩ Salvador Dali, hoặc những tác phẩm organic của kiến trúc sư Antoni Gaudi xứ Catalan.

Phong cách này tiếp tục được thể hiện trong 10 phòng nghỉ. Mỗi phòng đặt theo tên của một con vật hoặc một loại cây. Có phòng ngủ như hang động, cùng nhiều chỗ ngồi làm bằng gỗ. 

Trong khi con trai lo chuyện kinh doanh, bà Nga vẫn đang ấp ủ nhiều thứ mới mẻ cho “ngôi nhà điên”. Theo dự định, nơi đây sẽ có hai khu vườn mới tên Đất và Trời, nhiều hoa hơn cùng một ngôi nhà cây mới. “Ngôi nhà điên sẽ không bao giờ hoàn thiện. Nó là một thực thể sống và luôn thay đổi”, bà Nga nói.

Nguồn: Danviet.vn