Nghĩa tình người Thái ở Tham Luang dưới con mắt người Việt

0
7
Ông Howard (ngoài cùng trái) chụp ảnh cùng chủ quán tặng ủng (nữ).

Để hỗ trợ đội giải cứu, cộng đồng người Thái đã tổ chức nấu cơm, cắt tóc, giặt giũ và massage miễn phí cho những người có nhu cầu.

Ông Howard Limbert, Trưởng nhóm thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam và ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis đến Thái Lan chiều 4/7 để học hỏi về cách cứu hộ. Dưới đây là chia sẻ của ông Châu Á về tinh thần của người Thái sau những ngày chứng kiến họ hỗ trợ nhau để cứu 12 thiếu niên cùng huấn luyện viên bị kẹt trong hang Tham Luang.

Chiều 4/7, khi tôi và Howard đến sân bay Chiang Rai, có hai người bạn địa phương tới đón, di chuyển đến Mea Sai mất cả giờ đồng hồ. Bạn tôi nói giờ này không nên vào hang vì không làm thủ tục lấy thẻ vào khu vực cứu hộ được. Ông ấy đề nghị ghé vào một ngôi làng cách hang Tham Luang 7 km để ăn tối.

Khi đến nơi, tôi chứng kiến từng nhóm người dân địa phương đang bốc xếp thực phẩm lên xe bán tải để chở vào khu vực cứu hộ, nấu ăn cho các đội đang làm việc 24/24h ở trong hang. Họ cung cấp thức ăn miễn phí từ ngày bắt đầu chiến dịch giải cứu.

Sáng 5/7, chúng tôi vào khu vực cứu hộ ở cửa hang. Tôi được biết xung quanh khu vực đó bùn lầy nhiều, nên ghé qua tiệm tạp hóa mua đôi ủng để đi. Bà chủ tiệm tặng luôn mấy đôi khi biết chúng tôi vào khu vực cứu hộ.

Ông Howard (ngoài cùng trái) chụp ảnh cùng chủ quán tặng ủng (nữ).

Ông Howard (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng chủ quán tặng ủng (thứ ba từ trái sang).

Trên đường vào hang, chúng tôi phải đăng ký với trạm kiểm soát của cảnh sát, trình hộ chiếu, thẻ thành viên của Hội hang động Anh, quá trình này mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên với nhà báo, họ chỉ cần trình thẻ là có thể vào bên trong.

Tới nơi, chúng tôi được dẫn tới gặp vị chỉ huy hải quân để trình bày về mong muốn nghiên cứu công tác cứu hộ, đồng thời hỏi xem nhóm đang cần những loại thiết bị nào, nếu chúng tôi có sẽ cho chuyển sang ngay. Ông ấy trình bày nhiều phương án giải cứu nhưng không nói về việc thiếu thiết bị, dù nhận định tình hình rất khó khăn. Chúng tôi liên lạc với chuyên gia người Anh đang trong hang thì biết rằng họ vừa chuyển hơn 500 kg thiết bị qua và hiện tại chưa cần gì thêm.

Sau đó, chúng tôi đi một vòng quanh khu chỉ huy thì thấy có nhiều xe phát truyền hình vệ tinh, và có rất nhiều nhà báo đang tác nghiệp. Họ đặt bàn trên khoảnh đất bùn lầy và ào lên khi có một sĩ quan nào đi từ hang ra.

Ông Nguyễn Châu Á là người đưa hang Sơn Đoòng ra thế giới.

Ông Nguyễn Châu Á là người “đưa” hang Sơn Đoòng ra thế giới.

Kế bên khu báo chí là căn-tin của người dân dựng tạm. Họ mang thực phẩm vào nấu tại chỗ để phục vụ cho lực lượng cứu hộ. Mọi người đều được ăn miễn phí kèm theo các thùng nước ướp lạnh. Do khu vực cứu hộ nằm cách xa trung tâm, người dân cũng cung cấp suất ăn miễn phí cho các phóng viên. Như vậy, hàng ngày, họ nấu khoảng 3.000 suất ăn và liên tục 2 tuần.

Kế bên khu căn-tin người dân dựng 2 lán, một lán để thợ massage miễn phí cho những ai cảm thấy mệt mỏi và một tiệm hớt tóc, cạo râu miễn phí cho những ai có nhu cầu.

Khu cắt tóc miễn phí đang có một nhà báo tác nghiệp.

Khu cắt tóc miễn phí bên ngoài hang Tham Luang.

Sau khi khảo sát, chúng tôi đi một vòng bên ngoài trao đổi với người dân về nguồn nước chảy vào hang và các vấn đề về thời tiết tại vùng này. Qua đó, tôi cảm nhận được sự nhiệt tình của người dân, đồng thời gửi lại một khoản tiền cho nhóm tình nguyện nấu ăn ở trong khu cứu hộ, để họ mua thêm thực phẩm và nước uống cho lực lượng cứu hộ.

Tình người trong cuộc giải cứu Tham Luang
 
 

Tình người trong cuộc giải cứu Tham Luang

Các nhóm tình nguyện nấu ăn, giặt giũ và chở người vào hang Tham Luang. Video: BBC.

Nguyễn Châu Á

Nguồn: Vnexpress.net