Indonesia Những nghệ nhân dùng sáp ong nóng chảy vẽ lên vải tạo các họa tiết, trong đó đường nét cầu kỳ nhất chỉ rộng một mm.
Du khách tới làng Giriloyo ở vùng Yogyakarta sẽ trông thấy những phụ nữ chăm chú vẽ họa tiết cầu kỳ lên bức vải trắng, bên cạnh là chiếc bếp nhỏ đặt chiếc bát chứa sáp ong nóng chảy. Họ đang làm batik, loại vải nhuộm sáp nổi tiếng của Indonesia, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới từ năm 2009.
Imaroh, 51 tuổi là một nữ nghệ nhân lâu năm ở làng, gắn bó với công việc từ khi 10 tuổi. Giống với Imaroh, hầu hết phụ nữ trong làng làm batik gần như cả cuộc đời. “Tôi là thế hệ thứ ba làm batik. Đến nay, con gái tôi cũng đang theo đuổi công việc này”, Imaroh nói.
Dụng cụ để vẽ giống chiếc bát có vòi với tay cầm ngắn bằng gỗ, được gọi là “canting” trong tiếng địa phương. Hầu hết họa tiết được phác thảo trước trên vải bằng than hoặc chì rồi mới đổ sáp lên. Các họa tiết batik truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Rất ít nghệ nhân có thể vẽ thẳng bằng sáp mà không cần các bản phác thảo từ trước.
Bộ canting dùng vẽ lên vải. Canting có nhiều kích thước khác nhau được đánh số tương ứng. Đường kính vòi nhỏ nhất từ một mm để thực hiện các nét vẽ chi tiết, bên cạnh đó là những vòi to hơn để lấp đầy các khoảng trống lớn.
Nữ nghệ nhân thổi chiếc canting để loại bỏ tạp chất trên miệng vòi. Chất lỏng được nung nóng là hỗn hợp của sáp ong trộn với một số chất khác. Các nghệ nhân giữ dung dịch sáp ong này ở mức độ vừa phải để tạo nên các đường nét trên vải theo ý muốn.
Màu sắc truyền thống cho batik tại khu vực này gồm be, xanh, nâu và đen, được làm từ các thành phần tự nhiên như lá, vỏ, nhựa cây. Ngày nay, nhiều nơi tại Indonesia sử dụng cả thuốc nhuộm hóa chất bởi tính tiện lợi và giá rẻ.
Batik được sản xuất ở nhiều vùng của Indonesia với các họa tiết khác nhau. Tuy nhiên, Giriloyo là một trong số ít nơi nghệ nhân sản xuất hoàn toàn thủ công, với các kỹ thuật, họa tiết giống hàng trăm năm trước. Khắp làng hiện có khoảng 900 nhà sản xuất batik, chiếm gần một phần ba dân số địa phương. Các nghệ nhân tại đây có độ tuổi từ 20 đến 80.
Đàn ông đảm nhận ít vai trò trong nghề làm batik bởi công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ phù hợp với nữ giới. Thông thường, họ chỉ đảm nhận quá trình nhuộm vải và tiếp thị sản phẩm.
Một tấm vải batik thường trải qua 12 công đoạn để hoàn thiện, với sự phối hợp của 3 – 4 nghệ nhân. Do quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian, batik thủ công có giá cao hơn các loại vải công nghiệp sản xuất hàng loạt.
Imaroh còn sở hữu một phòng trưng bày batik. Cô cho biết, vào thế kỷ 17, nhà vua của Yogyakarta có khu phức hợp cung điện và mộ hoàng gia xây dựng ở Imogiri. Hàng trăm người hầu trong cung điện và gia đình của họ đã chuyển đến đây để bảo vệ khu phức hợp. Lúc đó, đàn ông phục vụ trong cung điện, trong khi phụ nữ ở nhà làm batik. Đến nay, những phụ nữ tại đây vẫn rất vui khi làm công việc này. Nhờ batik, tôi có tiền cho con đi học đại học”, Imaroh nói.
Những tấm batik của Imaroh có giá từ 250.000 đến 3 triệu rupiah (khoảng 400.000 – 5 triệu đồng) tùy theo sự phức tạp của hoa văn và chất lượng vải. Những tấm vải có thể dùng làm váy, xà rông để mặc trong các sự kiện đặc biệt.
Giriloyo được quy hoạch trở thành làng du lịch vào năm 2010. Martini, 39 tuổi, một trưởng nhóm khác nói rằng du khách trong và ngoài nước đến làng còn học cách làm batik bên cạnh mục đích mua sắm. Mỗi năm có khoảng 2.500 du khách tham gia vào các lớp học làm batik tại đây, chủ yếu là học sinh, sinh viên trong khu vực. “Đây là một cách để hồi sinh du lịch tại làng, đồng thời là nỗ lực của chúng tôi để bảo tồn batik”, cô nói.
Nơi nổi tiếng nhất để mua batik là chợ Beringharjo, bạn có thể mặc cả để nhận mức giá tốt nhất từ người bán. Ngoài ra, du khách mua batik trong các phòng trưng bày ở làng Giriloyo, với những họa tiết không có ngoài thị trường.
Rara Fitri, một du khách cho biết, chuyến đi đến Giriloyo đã giúp cô mở rộng kiến thức về batik truyền thống. Ngoài mua sắm, cô đã chứng kiến và học được một số công đoạn của quá trình sáng tạo trên những tấm vải. “Thật thú vị. Tôi đã biết được lịch sử phát triển batik cho đến ý nghĩa triết học trong mỗi mô típ”, cô nói.
Kiều Dương (Theo South China Morning Post)
Nguồn: Vnexpress.net