Surabaya (Indonesia) có núi lửa Mt Bromo – một trong 5 ngọn núi lửa đang hoạt động đẹp nhất thế giới.
Dù là thành phố lớn thứ hai của Indonesia sau Jakarta, Surabaya không quá sầm uất và cũng không có gì quá đặc biệt. Giống như các đô thị khác ở Đông Nam Á, nơi đây cũng có các tòa building hay các khu shopping mall hoành tráng. Nhưng Surabaya có một điểm mà nhiều du khách mê khám phá thiên nhiên buộc phải đặt chân đến, bởi nơi đây có ngọn núi lửa Mt Bromo, được đánh giá là một trong 5 ngọn núi lửa đang hoạt động đẹp nhất của thế giới.
Núi lửa là một đặc sản của đảo Java, bởi hòn đảo này được hình thành từ những đợt phun trào hàng chục nghìn năm trước. Trên đảo có đến 38 ngọn núi lửa dàn hàng ngang từ Tây sang Đông, trong đó Bromo là ngọn núi đáng để chiêm ngưỡng nhất.
Chú bạch mã đưa du khách lên núi Bromo. |
Hơn 4h sáng, ngọn núi vẫn chìm trong bóng tối bao phủ bởi màn sương mù lạnh lẽo, nhưng đã có hàng trăm người có mặt, chuẩn bị cho thời khắc đẹp nhất. Phải đợi thêm gần 2 tiếng đồng hồ nữa trong những quán nước địa phương, nhâm nhi ly cà phê Bromo đặc trưng, hơ tay trên than hồng và ăn bắp nướng mới đến lúc lên “Viewpoint” để chiêm ngưỡng toàn cảnh quần thể dãy núi lửa Tengger. Ngọn Bromo đang chìm trong sương sớm và đám mây trắng trôi bồng bềnh khi ánh dương vừa ló dạng. Toàn bộ chân núi Bromo và những ngọn núi khác như Batok và Semeru lúc này vẫn đang chìm trong mây, chỉ nhìn thấy được miệng núi lửa nhô cao, cảnh đẹp tựa chốn bồng lai tiên cảnh.
Để lên đỉnh núi lửa, du khách phải trèo hơn 200 bậc thang dốc đứng. |
Nếu ngắm Bromo trên đỉnh một ngọn núi khác mang lại một cảm giác như ảo ảnh thì khi quay xuống chân núi và tiến về phía Bromo, ngọn núi này lại mang một hình hài khác, kỳ vĩ không kém.
Thiên nhiên tạo ra những cảnh quan thật kỳ ảo. Những ngọn núi lửa xung quanh Bromo đều đã chết, không còn hoạt động nữa, nhưng ở đây còn nguyên hàng chục đường rãnh hình răng cưa hoặc sống trâu do những đợt phun trào nham thạch mà thành. Giờ đây, các rãnh này được bao phủ bởi các loài cây cỏ xanh ngắt. Sau khi đi xe Jeep tiến vào điểm trung tâm của thung lũng, du khách phải đi bộ, hoặc leo lên lưng ngựa để lên Bromo.
Núi Bromo khác biệt với hầu hết các ngọn núi lửa xung quanh bởi nó đang hoạt động nên toàn bộ bề mặt được bao phủ bởi một màu xám tro của nham thạch, không có loài cây cỏ nào sống được. Lần phun trào gần đây nhất của Bromo vào đầu năm 2011 khiến 2 du khách thiệt mạng và nhiều sân bay trong vùng đóng cửa.
Vòng tròn bao quanh Bromo được bảo vệ bởi một hàng rào khá đơn giản và sơ sài quá mức. Ở ngay miệng núi lửa, những cột khói trắng vẫn phun lên. Thi thoảng có một tiếng nổ từ bên trong lòng núi, chất lưu huỳnh bốc lên nồng nặc. Một vài du khách bản địa mang hoa và đồ cúng để thả vào miệng núi lửa, bởi họ tin rằng đây là một ngọn núi thiêng.
Khói trắng bốc lên từ miệng núi lửa Bromo. |
Với các tín đồ của đạo Hindu, từng phát triển rực rỡ trong quá khứ ở Java trước khi bị đạo Hồi xâm lấn, Bromo có nghĩa là thần của các vị thần. Nghe nói vào dịp lễ hội lớn nhất của đạo Hindu ở đây, những tín đồ mang rất nhiều đồ cúng, thậm chí là những chú bò, lợn, gà còn sống ném vào miệng núi để cúng thần linh và rất nhiều người dân địa phương đã trèo xuống miệng núi để chụp những đồ cúng đem về ăn.
Không tưởng tượng được họ đứng ở đâu để chụp đồ cúng trong miệng núi lửa dốc đứng và nguy hiểm như vậy, bởi chỉ cần sẩy chân là rơi tõm vào miệng núi lửa sâu hoắm không biết đâu là đáy.
Ngồi trên miệng núi lửa một lúc, hầu hết du khách phải leo xuống bởi nồng độ khí lưu huỳnh cao, rất khó thở. Từ lưng chừng núi, cảnh quang bao quanh rất nên thơ bởi tất cả những ngọn núi xung quanh thuộc dãy Tengger tạo thành hình một vòng cung ôm thung lũng vào giữa.
Theo Đẹp
Nguồn: Vnexpress.net