Nga bàn giao xong lô thiết bị S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ

0
10
Vận tải cơ Nga chở lô thiết bị đầu tiên của S-400 đáp xuống sân bay Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7. Ảnh: Sputnik.

30 vận tải cơ Nga được huy động để chuyển lô thiết bị S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ theo hợp đồng 2,5 tỷ USD được ký năm 2017.

Vận tải cơ Nga chở lô thiết bị đầu tiên của S-400 đáp xuống sân bay Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7. Ảnh: Sputnik.

Vận tải cơ Nga chở lô thiết bị đầu tiên của S-400 đáp xuống sân bay Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/7. Ảnh: Sputnik.

“Tổng cộng hơn 30 chuyến bay đặc biệt được thực hiện đến Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 12/7 để mang theo lô thiết bị đầu tiên của hệ thống tên lửa S-400”, truyền thông Nga ngày 25/7 dẫn nguồn tin quân sự cho biết.

Maria Vorobyeva, phát ngôn viên Cơ quan Hợp tác Quân sự – Kỹ thuật Liên bang Nga (FSVTS), xác nhận thông tin này, cho hay các bộ phận còn lại của tổ hợp S-400 sẽ được vận chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ theo lịch trình đã được hai nước thống nhất.

Theo nguồn tin, hai nước đang tiếp tục đàm phán về hoạt động hợp tác trong thỏa thuận, bao gồm cả việc Mokva cho phép Ankara sản xuất một số thiết bị của tổ hợp phòng không này tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Các tổ hợp S-400 không chỉ giúp củng cố mạng lưới phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước”, Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport Alexander Mikheev tuyên bố.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ liên tục phản đối hợp đồng này, cho rằng Nga có thể đưa chuyên gia tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp cận mạng lưới phòng không cũng như các vũ khí tối tân khác của NATO. 

Chính quyền Mỹ hồi giữa tháng  ra lệnh ngừng bán tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo sẽ áp đặt thêm nhiều biện pháp trừng phạt thương vụ S-400 của Ankara. Mỹ dường như cũng đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ từ bỏ hợp đồng mua tên lửa S-400 trị giá 5,4 tỷ USD được ký từ năm 2018.

FSVTS hồi cuối tháng 6 tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận bán S-400 cho Iran bởi hệ thống này không nằm trong danh sách cấm và hạn chế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Một số quốc gia như Arab Saudi và Qatar từng bày tỏ sự quan tâm đến tổ hợp S-400, dù luôn phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp đặt cấm vận theo Đạo luật Chống đối thủ thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA).

Giới chuyên gia cho rằng lý do S-400 hấp dẫn nhiều quốc gia đến vậy bởi nó được đánh giá là một trong những loại khí tài hiện đại nhất mà Nga đang sở hữu, có những ưu điểm không xuất hiện trên các khí tài tương tự của phương Tây.

Nguyễn Hoàng (Theo Janes.com)

Nguồn: Vnexpress.net