Phóng to |
Khách du lịch tham quan ngôi chùa dát vàng Shwedagon ở Yangon, Myanmar – Ảnh: Thuận Thắng |
Nhu cầu đi Myanmar đã tăng lên nhưng theo các công ty du lịch, khả năng cung cấp dịch vụ khách sạn, xe vận chuyển, máy bay… tại Myanmar chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách Việt.
Khách đi tăng
Sau hơn một tháng bỏ visa, theo các công ty lữ hành, lượng khách mua tour sang Myanmar đã tăng ít nhất 20% so với tháng trước nhưng chưa ồ ạt vì Myanmar không hào nhoáng và không có nhiều dịch vụ mua sắm, giải trí như các điểm đến khác.
Với khách du lịch thuần túy sẽ chọn Yangon, Bago, Kyaikhtiyo, còn khách đoàn thường có thêm các tuyến đi Mandalay hoặc đông bắc Myanmar… Theo các công ty lữ hành, trước khi bỏ visa, khách phải đóng khoảng 50 USD để đóng phí làm visa và thủ tục liên quan nên chi phí đi Myanmar bị đẩy lên cao trong khi lại không có nhiều lựa chọn về giải trí, mua sắm nên không có nhiều du khách chọn mua tour đến quốc gia này.
Giám đốc một công ty du lịch cho biết Myanmar có những chợ bán đá quý nho nhỏ, có thể đáp ứng được nhu cầu mua làm quà lưu niệm. Tuy nhiên, đi Myanmar phải chấp nhận chưa có nhiều dịch vụ. Chẳng hạn, từ chân núi mà lên đến đỉnh núi để đến được chùa Golden Rock (nổi tiếng với hòn đá to được dát vàng thật), hành khách phải ngồi trên một chiếc xe tải chở hàng được cải tạo thành xe chở khách. Du khách phải ngồi trên những thanh sắt to, tay bám vào những thanh sắt khác thay cho ghế ngồi trong suốt hành trình lên và xuống ngôi chùa này. |
Hiện giá mà các công ty lữ hành thường giới thiệu hai tour cho du khách đi Myanmar: năm ngày bốn đêm và bốn ngày ba đêm trung bình dao động từ 14,49-15,89 triệu đồng. Mỗi tuần các công ty đã có 1-2 đoàn (mỗi đoàn 25-30 khách) mua tour sang Myanmar.
Theo các công ty du lịch, trong tháng 12-2013 sẽ khó có chỗ trên các chuyến bay sang Myanmar vì Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đang ưu tiên dành chỗ cho các đoàn vận động viên sang tham gia SEA Games. Thậm chí có đoàn khách TP.HCM đã đăng ký mua vé đi Yangon vào ngày 12-12 đang được VNA đề nghị dời sang bay vào ngày 24-12.
Đại diện nhiều công ty lữ hành quốc tế tại TP.HCM cho rằng du khách muốn mua tour sang Myanmar nên chờ qua thời gian diễn ra SEA Games vì chẳng những khó mua vé máy bay mà giá dịch vụ tăng cao từ 30-45% so với ngày thường, nhưng do chưa có nhiều nhà cung cấp nên thậm chí khách muốn trả thêm tiền cũng không được vì không có nơi cung cấp dịch vụ.
Chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Muốn sang Myanmar chỉ có một lựa chọn theo đường hàng không và cũng chỉ có duy nhất hãng hàng không là VNA hiện đang mở các đường bay thẳng từ TP.HCM và Hà Nội sang Yangon. Khi mới mở đường bay sang Myanmar, VNA chỉ sử dụng máy bay ATR 72 với 68 chỗ ngồi, sau lượng khách tăng lên hãng này dùng máy bay Airbus A321 với 184 chỗ nhưng tần suất chưa nhiều. Từ TP.HCM hiện VNA chỉ có 3 chuyến/tuần, còn từ Hà Nội có 5 chuyến/tuần, với tổng lượng chỗ cung cấp cho thị trường chỉ xấp xỉ 1.500 chỗ.
Cũng có một đường bay khác sang Yangon là quá cảnh ở Bangkok và từ Bangkok mỗi ngày có nhiều chuyến bay của các hãng hàng không đến Myanmar nhưng chi phí khá đắt nên không có nhiều du khách và các công ty du lịch lựa chọn. Chỉ tính riêng tiền vé máy bay đi và về cho chặng TP.HCM/Hà Nội – Bangkok – Yangon đã trên dưới 500 USD/khách (tùy mùa cao điểm hay thấp điểm), đó là chưa kể chi phí ở khách sạn trung bình 70-80 USD/ngày và các chi phí ăn uống, đi lại…
Theo các công ty lữ hành quốc tế, giá tour sang Myanmar hiện đang ngang bằng với các tour đi Malaysia, Singapore nhưng lại không có nhiều lựa chọn cho đại đa số du khách. Ông Lâm Tứ Khôi, giám đốc phòng du lịch nước ngoài Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho rằng tour Myanmar hơi thiên về loại hình tour hành hương hơn là các tour nghỉ dưỡng, giải trí và mua sắm mà các điểm đến như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hong Kong…đang được nhiều du khách Việt lựa chọn.
Theo ông Khôi, phong cảnh thiên nhiên Myanmar đẹp, thanh bình và đặc biệt rất nhiều chùa chiền nổi tiếng. Do Myanmar mới mở cửa nên đất nước này còn thiếu nhiều khách sạn và các dịch vụ mà khách sạn cung cấp cho du khách cũng không thể bằng các quốc gia khác trong khu vực. Du khách yêu thích mua sắm cũng sẽ không thích Myanmar vì không có những trung tâm mua sắm to lớn với nhiều hàng hóa mà chủ yếu chỉ là mua hàng lưu niệm.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn