Món mì khách mất tiền để ăn, nhưng ai chậm tay là mất phần

0
18
Mì nagashi somen. Ảnh: Tokyo Eats.

Để thưởng thức nagashi somen, thực khách phải nhanh mắt nhanh tay gắp những sợi mì trôi theo dòng nước, nếu không họ sẽ phải chịu đói.

Đó là ngày nắng tháng 7, tại ban công một nhà hàng trên triền núi của hòn đảo Kyushu, Nhật Bản. Ông chủ người Nhật khoảng 40 tuổi, mặc áo sơ mi, đang cầm nắm mì somen trắng trên một tay và mỉm cười với phóng viên BBC Don George cùng hai đồng nghiệp của anh.

“Anh đã sẵn sàng chưa? Một, hai ba, mì đến đây”, ông chủ vừa dứt lời liền thả mì vào một ống tre dài khoảng 1,5 m. Don và đồng nghiệp ngồi ở hai đầu đối diện của ống tre, còn những nhúm mì nagashi somen trôi như bay qua trước mặt. Họ phải đặt đũa sẵn trong dòng nước tạo thành một con đập mini, và cố gắng gắp thật nhanh khi mì trôi qua.

Kimiko, thực khách ngồi cạnh, liên tục cổ vũ Don: “Nhanh lên! Lẹ lên! Ồ anh trượt mất rồi!”. Khi ngày càng nhiều sợi mì trôi tới, Don dần dần quen với việc mắt nhìn tay gắp, thậm chí giơ đũa thật cao để khoe chiến tích.

Mì nagashi somen. Ảnh: Tokyo Eats.

Mì nagashi somen. Ảnh: Tokyo Eats.

Don và đồng nghiệp vừa ăn vừa vui vẻ cười đùa thưởng thức nagashi somen như bao thực khách khác trong nhà hàng. Anh chấm mì vào những chiếc bát gốm đựng sốt tsuyu làm từ khô cá ngừ bonito hầm với tảo bẹ khô kombu, đường, rượu gạo mirin và xì dầu, thêm hành lá xắt nhỏ và vài lát gừng Nhật Bản. Từng sợi mì mát lạnh đượm nước dùng, thơm vị gừng cay nồng và mặn, tất cả trôi tuột xuống cổ.

Không ai biết chắc nagashi somen bắt nguồn từ đâu và khi nào. Song câu chuyện phổ biến nhất về món mì lạnh mùa hè này kể về một truyền thống có từ những năm 1950, tại thị trấn Takachiho trên đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản.

Chuyện kể rằng ngày xưa có một nhà hàng tên Chiho no Ie (Nhà của Chiho) nằm cuối hẻm núi ở Takachiho. Ông chủ nhà hàng nảy ra ý tưởng thả trôi mì xuống những ống tre để bán cho khách vãn cảnh chẳng may đói bụng giữa đường.

Tương truyền, ông chủ lấy cảm hứng cho món mì trượt ống tre này từ những nông dân trong vùng, họ thường thả mì mới nấu sôi xuống thác để có món ăn mát lạnh. Có người lại cho rằng, người chủ này sáng tạo ra nagashi somen khi nhìn ngắm rặng tre xanh quanh làng và dòng nước trắng xóa đổ xuống từ những con thác tại Takachiho.

Mì trượt máng - món chậm tay là mất ăn của người Nhật
 
 

Mì trượt máng – món chậm tay là mất ăn của người Nhật

Video: Insider.

Những nhà hàng trong vùng cũng nhanh chóng học hỏi và bán theo. Món mì lạnh bắt người ăn phải nhanh mắt nhanh tay này còn được đưa tới những vùng lân cận Takachiho như Shikoku và đảo Honshu, dần trở thành một món ăn “tủ” của người dân khắp xứ sở hoa anh đào vào mùa hè.

Eishi, một người bạn khác của Don trên đảo Kyushu, cho biết somen có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8. Vào thời kỳ đó, bột gạo dùng làm mì somen, nhưng tới thời Kamakura (1185 – 1333), người Nhật dùng bột mì thay thế. Trong hàng trăm năm, mì somen vốn là thức ăn của giới quý tộc hoặc nhà sư, nhưng tới thế kỷ thứ 18, nó trở thành thức ăn phổ biến hơn.

Ngày nay, mỗi mùa hè, khách thập phương lại đổ xô tới thị trấn Takachiho để tránh nóng. Nơi đây nổi danh với thiên nhiên thanh bình, những con đường rừng xanh mát, một hẻm núi với vách đá núi lửa bazan ngoạn mục và các thác nước dốc. Khách thuê thuyền chèo dọc con sông Gokase để khám phá nước non hùng vĩ hay dạo chơi gần những dòng thác đổ.

Những nhà hàng nagashi somen thường tạo không gian mở cho du khách thưởng thức ẩm thực giữa non nước thanh bình, ngắm rừng cây và bầu trời xanh trong.

Phần lớn nhà hàng nagashi somen nằm giữa khung cảnh tuyệt đẹp, ven bờ sông hay ẩn trong rừng. 

Phần lớn nhà hàng nagashi somen nằm giữa khung cảnh tuyệt đẹp, ven bờ sông hay ẩn trong rừng. Trên ảnh là nhà hàng có tên Hirobun. Ảnh: Bring You.

Ryoji, một người dân trên đảo Kyushu, tiết lộ: “Gia vị là một yếu tố quan trọng khác. Các nhà hàng luôn cung cấp nguyên liệu tươi ngon nhất trong vùng. Tại đây chúng tôi có hành lá và gừng, nhưng những nơi khác ở Nhật Bản có thể cho lá thơm shiso, nấm shiitake, tôm cua hay rong biển vào nước dùng”, Ryoji nói.

Somen là loại mì có sợi mảnh nhất của người Nhật. Từng sợi dày chưa tới 1,3 mm khi chưa nấu chín. Người Nhật ăn mì somen lạnh vào mùa hè, nhưng họ ăn mì nóng vào mùa đông, khi đó somen trở thành nyumen.

Bảo Ngọc (Theo BBC)

Nguồn: Vnexpress.net