Ông Nguyễn Bảy, nông dân thôn Chánh Trạch, bên những trái bí khổng lồ vừa thu hoạch nặng từ 20 kg đến 40 kg – Ảnh: NGỌC DIỆP
Bí khổng lồ, mỗi ngày lớn thêm 1kg
Ở thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Quy Nhơn, người ta hay dùng câu ví von “lớn như bí”.
Trái bí khổng lồ (hay còn gọi là bí Chữ Thập) của thôn Chánh Trạch có hình trụ, vỏ xanh đậm, ruột trắng, trung bình nặng từ 40 – 50kg/quả.
Bí đao khổng lồ còn có tên là bí Chữ Thập – Ảnh: NGỌC DIỆP
Nông dân ở đây cho biết, khi trái bí lớn bằng cái ca, mỗi ngày nó có thể tăng trưởng gần 1kg. Nếu chăm sóc tốt, bí có thể đạt tới 80kg/quả sau 5 tháng.
Người Chánh Trạch kể, họ chăm bí như chăm con. Khi quả bí đạt đến đường kính khoảng 20cm, họ phải quan sát thường xuyên để nới dây bí, sao cho quả bí thõng xuống dưới dàn, thay vì nhô lên trên mặt dàn.
Người nông dân dùng rơm nếp Ba Thá (đặc sản của vùng, với sợi rơm rất dài và chắc chắn) để bện thành dây đỡ lấy trái bí. Có nhà mua lưới làm vật đỡ hoặc dùng ghế gỗ để đỡ, nâng niu trái bí như nâng niu một đứa trẻ.
Trái bí được đỡ bằng dây rơm bện và ghế gỗ – Ảnh: NGỌC DIỆP
Ngoài dùng quả bí để nấu ăn, người dân còn thu hoạch nước từ dây bí (đoạn dây mọc từ đất hút nước cung cấp dinh dưỡng cho quả bí). Họ chuẩn bị can sạch để hứng những giọt nước tinh chất từ dây bí mới cắt. Thứ nước này có thể để vài năm trong can mà không bị hỏng.
Ông Nguyễn Bảy (62 tuổi, nông dân Chánh Trạch) cho biết: “Khi đất hóc (đất khô), dây bí ít nước lắm, nhưng nếu đất im (đất ẩm) thì một dây có thể cho 3 lít nước. Vì nước dây bí có tác dụng giải rượu và giảm sốt rất tốt, chúng tôi thường giữ lại để dùng trong gia đình chứ ít khi bán”.
Bí Chữ Thập uống nước rất nhiều, nên một ngày nông dân phải tưới ba lần. Ông Nguyễn Bảy cho biết dân ở thôn chỉ phun thuốc một lần lúc mới ra hoa để chống ruồi vàng, còn sau đó không phải phun thuốc lần nào nữa.
Ông Nguyễn Bảy trong vườn bí cuối vụ – Ảnh: NGỌC DIỆP
Quả bí lớn lên bằng nước tưới, bằng bã đậu phộng (sau khi đã ép lấy hết dầu), bằng chút phân bón… chứ tuyệt nhiên không dùng chất kích thích.
“Trồng bí phải mất nguyên nửa năm mà giá trị kinh tế không cao bằng trồng rau cải, rau xà lách… nên nhiều hộ gia đình đã bỏ dần. Gia đình tôi vẫn giữ giàn bí vì đây là giống ông bà để lại. Mặt khác, trồng để con cháu có rau sạch mà ăn, để mình ngắm. Nhìn quả bí khổng lồ thích lắm chớ…”, ông Nguyễn Bảy tâm sự.
Duy nhất thôn Chánh Trạch có bí Chữ Thập khổng lồ
Bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, chưa có tài liệu khoa học chính thức nào nói về nguồn gốc giống bí đao khổng lồ tại địa bàn. Để có được trái bí đao khổng lồ độc nhất vô nhị này là do vùng đất có thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt phù hợp với bí đao và sự kỹ lưỡng trong cách chọn giống, quy trình trồng trọt.
Chánh Trạch là vùng trũng thấp, vào mỗi mùa lũ, phù sa vun đắp cho đất thêm màu mỡ. Được mệnh danh là “túi mật” của Bình Định, bàu đã sinh ra hai loài “kỳ hoa dị thảo” là nếp 3 tháng và bí đao khổng lồ. Bí đao xã Mỹ Thọ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể ngày 12-11-2018.
Sở Du lịch đang xây dựng Đề án thí điểm phát triển du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025, trong đó có làng bí đao khổng lồ tại Thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Đề án đang trong quá trình xây dựng, sau khi được UBND Tỉnh phê duyệt, Đề án sẽ là cơ sở cho công tác triển khai thực tế sau này.
Viện Khoa học Kĩ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho biết, năm 2013 và 2014, Viện đã từng thực hiện đề tài Khai thác và phát triển nguồn gen bí xanh Chữ Thập, để giúp nông dân chọn lọc và giữ được những hạt giống tốt nhất để phát triển giống bí này.
[kdn-iframe src=”https://player.sohatv.vn/embed/100228/?vid=tuoitre/2019/7/18/clip-bi-dao-khong-lo-1-15634234649681655163295-ebd2b.mts” width=”800px” height=”400px” frameborder=”0″][/kdn-iframe]
Người nông dân thái lát bí đao phơi khô ba nắng để xao lấy nước uống – Video: NGỌC DIỆP
Viện đã từng đưa hạt giống về trại thực nghiệm ở xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định để trồng thử, nhưng khối lượng quả cũng chỉ đạt trung bình khoảng 18 kg/quả.
Vì bí rất dễ hỏng khi vận chuyển đi xa, giống này chỉ “loanh quanh” ở Chánh Trạch. Ngay cả người dân xã xung quanh không phải ai cũng biết tới giống bí khổng lồ này.
Anh Nguyễn Ngọc Thạch, người giúp nông dân Chánh Trạch tìm đầu ra cho bí khổng lồ – Ảnh: NGỌC DIỆP
“Tôi ở thị trấn Bình Dương, cách thôn Chánh Trạch khoảng 14 km nhưng không hề biết ở đây có bí khổng lồ. Tình cờ năm 2013 dẫn đoàn phim về đây mới biết.
Đó là một loại nông sản cực kì độc đáo. Tôi nhận thấy Phù Mỹ có rất nhiều thứ để phát triển du lịch”, anh Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Công ty Bình Long Travel chia sẻ.
[kdn-iframe src=”https://player.sohatv.vn/embed/100228/?vid=tuoitre/2019/7/18/clip-bi-dao-khong-lo-2-1563423464972870360552-854b3.mts” width=”800px” height=”400px” frameborder=”0″][/kdn-iframe]
Bí sau khi được phơi ba nắng được vợ ông Nguyễn Bảy xao khô bằng “ông lò” (bếp) khá mất công, rồi cho vào túi hút chân không – Video: NGỌC DIỆP
Sau 6 năm làm việc tại công ty xúc tiến du lịch trực thuộc Sở Du lịch Bình Định, Nguyễn Ngọc Thạch quyết định về quê hương làm du lịch. Trong tour thăm quan biển đảo, đầm, làng nghề… do anh thiết kế, làng bí đao Chánh Trạch là một điểm đến quan trọng,
Anh đã dẫn khách du lịch tới ngôi làng này, chia sẻ phí thăm quan cho các hộ nông dân. Sau đó anh khuyến khích nông giữ gìn vườn bí để kết hợp làm du lịch.
Hiện Thạch là người lo đầu ra cho bí Chánh Trạch. Thạch còn dự định đến năm 2020 sẽ tổ chức cuộc thi bí khổng lồ.
Một số hình ảnh về vườn bí khổng lồ:
Những lát bí được người nông dân phơi ở hàng rào – Ảnh: NGỌC DIỆP
Người đàn ông này quê ở Phù Mỹ, đã chuyển sang nơi khác sinh sống cho biết đây là lần đầu tiên anh nhìn thấy bí khổng lồ – Ảnh: NGỌC DIỆP
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn