Miếu Bà Châu Đốc – Núi Sam (An Giang) là một trong số ít điểm tín ngưỡng ở miền Tây hút du khách viếng cả ngày lẫn đêm.
Quần thể tâm linh núi Sam là danh thắng cấp quốc gia, thu hút hàng triệu lượt khách vãn cảnh và hành hương mỗi năm. Dưới đây là chia sẻ của Dy Khoa, một chàng trai mê phượt ở TP HCM, về trải nghiệm đi viếng nơi này vào nửa đêm.
Không gian phía trước Miếu Bà lúc 0h sáng vẫn còn nhiều khách hành hương. Ảnh: Dy Khoa. |
Tranh thủ sau giờ làm việc của thứ Bảy đầu tháng 3, tôi cùng bạn bè rủ nhau thử một trải nghiệm chưa từng làm trước đây: Viếng chùa lúc 0h.
Hành trình của chúng tôi di chuyển bằng ôtô từ TP HCM, đi qua địa phận tỉnh Long An trên quốc lộ N2. Tuyến đường yên ả đặc trưng miền sông nước, cách không xa là đường biên giới Việt Nam – Campuchia. Nếu di chuyển bằng xe khách, bạn có thể khởi hành từ bến xe Miền Tây đi Châu Đốc. Thời gian đến nơi khoảng 6 tiếng.
Ưu điểm của việc tự đi xe là chúng tôi có cơ hội thưởng thức những đặc sản của miền đất trù phú như lẩu mắm, canh chua, cá kho tộ. Cả nhóm ăn trưa và tối thật no để tự tin khám phá cơ sở thờ tự nổi tiếng nhất nhì đất Nam Bộ.
Khác với tưởng tượng về một không gian tâm linh vắng vẻ về đêm, Miếu Bà Núi Sam vẫn đón lượng người đông đúc vào hành lễ. Chúng tôi gửi ôtô gần cổng chính với giá 100.000 đồng.
Bên trong gian thờ đặt tượng Bà. Ảnh: Dy Khoa. |
Dòng người đông nghẹt, di chuyển chậm từng chút một để vào cổng chính Miếu Bà. Khói hương nghi ngút. Người thoăn thoắt sắp lễ, người vái lạy thành tâm.
Miếu Bà chúa xứ Núi Sam thể hiện rõ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam. Theo chia sẻ của người dân địa phương, lượng người đến cúng đông nhất trong năm là từ Tết Nguyên đán đến ngày Vía Bà (23-27/4 Âm lịch).
Công trình Miếu Bà hiện tại được xây mới trên nền cũ. Nhờ vậy, không gian hành lễ được rộng rãi hơn, nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho lượng người đi lễ.
Ở đây, người dân có quan niệm “trả lễ Bà” sau khi ước nguyện thành hiện thực. Họ chuẩn bị heo quay, trái cây… để dâng Bà. Nhiều người còn tiến cúng áo choàng tượng Bà. Tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật bằng đá sa thạch. Nhiều câu chuyện xung quanh pho tượng này càng làm hình tượng Bà chúa xứ Núi Sam thêm màu nhiệm. Trong đó, để chuyển tượng Bà từ núi Sam xuống vị trí thờ hiện nay, người xưa phải nhờ đến 9 cô gái đồng trinh là câu chuyện truyền miệng nổi tiếng nhất.
Sau khi thắp hương, vái lạy ở chính điện, nhiều người tiến ra phía sau lưng Bà để tâm sự cầu mong. Họ áp hai tay và mặt vào bức tường đá và nguyện. Đây là hành vi tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất này. Ở những nơi khác, người dân thường xoa chân và áo choàng của tượng.
Mắm là sản vật của vùng đất này. Ảnh: Dy Khoa. |
Sau khi viếng Bà, tôi chọn mua vài món mắm, uống ly thốt nốt, ăn bánh thốt nốt… Đây là những đặc sản của vùng đất An Giang với giá cả phải chăng. Khách sạn ở gần khu vực này có nhiều, tuy nhiên bạn cần đặt trước nếu đi vào cuối tuần và mùa lễ hội.
Dy Khoa
Nguồn: Vnexpress.net