Con mèo thần tài (hay mèo may mắn) phổ biến khắp nơi trên thế giới nhờ niềm tin sẽ đem đến tiền bạc, bình an cho gia chủ.
Con mèo cười với cái tay vẫy vẫy là một biểu tượng nổi tiếng, có thể thấy ở khắp châu Á, từ Nhật Bản, Trung Quốc hay cả Việt Nam… Ý nghĩa cơ bản của nó là đem lại tài lộc, may mắn. Tuy nhiên, những câu chuyện xoay quanh con mèo này cho đến nay vẫn còn gây nhiều thắc mắc.
Mèo Nhật Bản hay mèo Trung Quốc?
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất liên quan đến con mèo này là xuất thân của nó. Có ý kiến nói mèo may mắn đến từ Trung Quốc. Số khác nói nó bắt nguồn từ Nhật Bản.
Theo National Geographic, xứ anh đào mới là quê hương thật sự của nó.
Mèo may mắn có tên tiếng Nhật là maneki-neko (nghĩa đen: mèo vẫy chào). Trong văn hóa Nhật Bản, khi muốn mời chào ai đó tới chỗ mình, họ sẽ để lòng bàn tay hướng về phía trước, ngón tay hướng xuống dưới. Nó rất giống với cách thể hiện bàn tay của con mèo may mắn dù ở bất kỳ đâu.
Đền mèo Gotoku-ji ở Nhật Bản. Ảnh: National Geographic. |
Truyền thuyết về maneki-neko bắt đầu từ thời Edo và gắn với đền Gotoku-ji (phường Setagaya, Tokyo). Theo các nhà sử học, trong khi săn chim ưng, vị lãnh chúa suýt bị sét đánh trúng. Tuy nhiên, con mèo của sư trụ trì Tama đã giơ tay, ra dấu cho lãnh chúa đi vào đền. Điều này giúp lãnh chúa thoát nạn và ông rất biết ơn con mèo.
Vị lãnh chúa phong cho con mèo thành “bảo hộ” của ngôi đền, nhận được sự tôn kính từ mọi người. Ông cũng hứa chu cấp tiền bạc để duy trì ngôi đền mãi về sau.
Ngày nay, đền Gotoku-ji còn được biết đến với tên “đền mèo”. Lý do là trong đền có hàng nghìn tượng maneki-neko với đủ kích thước khác nhau. Du khách có thể mua tượng tại chùa và đem về nhà để cầu bình an, may mắn.
Một truyền thuyết khác cũng phổ biến ở Nhật Bản kể về maru-shime no neko (phiên bản khác của maneki-neko). Vào năm 1852, một bà lão sống ở Imado nghèo đến nỗi không đủ tiền mua thức ăn cho con mèo của mình. Đêm nọ, con mèo xuất hiện trong mơ và nói bà lão hãy làm những bức tượng về nó rồi may mắn sẽ đến.
Nguồn gốc thực sự của mèo thần tài là Nhật Bản. Ảnh: Hachihachi. |
Theo lời dặn, bà lão làm tượng nhỏ hình con mèo và đến bán ở cổng ngôi đền gần đó. Bức tượng được nhiều người yêu thích, hỏi mua. Bà lão từ đó cũng thoát cảnh nghèo khó.
Tìm hiểu về lý do một số người nói maneki-neko bắt nguồn từ Trung Quốc, cây viết của Maenki-neko World phát hiện ở nước này thực sự có một nữ thần mèo. Cô tên là Li Shou, người trông coi Trái Đất trước khi trao lại nơi này cho con người.
Tuy nhiên, vị nữ thần này không được thờ cúng rộng rãi và gần như bị lãng quên.
Thực tế, người Trung Quốc từ xưa cũng có tín ngưỡng mèo may mắn nhưng không quá phổ biến. Phải tới khi giao thương với Nhật Bản, văn hóa maneki-neko mới len lỏi vào xã hội Trung Quốc.
Sự bùng nổ của mèo may mắn
Bằng một cách nào đó, hình tượng maneki-neko đã vượt xa biên giới Nhật Bản hay Trung Quốc và phổ biến khắp châu Á cũng như phần còn lại của thế giới. Trong bài báo về lịch sử của maneki-neko xuất bản hồi tháng 5, National Geographic cũng không đưa ra chính xác lý do cho vấn đề này.
Tuy nhiên, vẫn có một số giả thuyết đang được thảo luận. Theo một dự án nghiên cứu của Bill Maurer, Giáo sư Nhân chủng học Đại học California (Mỹ), các bức tượng mèo phổ biến từ thời Minh Trị (1868-1912).
Maneki-neko trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Ảnh: Rubylane. |
Việc mở của giao thương với phương Tây khiến chính quyền Minh Trị muốn nâng cao hình ảnh Nhật Bản thành đất nước hiện đại. Trước đó, vào thời Edo, Nhật Bản vẫn đóng cửa với bên ngoài. Thời kỳ này, văn hóa mại dâm rất phổ biến. Trên khắp xứ anh đào, người ta dễ dàng tìm thấy những yukaku (điểm mua vui).
Ở các yukaku, họ thường có một kệ cầu may, dùng bùa là hình bộ phận sinh dục của nam giới. Thậm chí, ngày nay, văn hóa này vẫn ảnh hưởng sâu sắc ở nhiều nơi trên khắp Nhật Bản. Minh chứng dễ thấy là các lễ hội sinh sản được tổ chức hàng năm. Trong đó, người tham gia rước một dương vật khổng lồ, diễu hành trên phố để mong mùa màng bội thu.
Bức tranh thời Minh Trị. Ảnh: Maneki Neko Cat Club. |
Trong nỗ lực giảm thiểu hình ảnh tiêu cực của Nhật Bản với các nước phương Tây (phần lớn theo đạo Thiên chúa), chính quyền Minh Trị đã cấm sản xuất, buôn bán những lá bùa, vật may mắn hình nhạy cảm kia.
Với lệnh cấm này, maneki-neko bỗng “lên ngôi”. Nó xuất hiện mọi nơi, kể cả trong những yukaku. Các hình ảnh thời đấy cho thấy một số nơi quảng bá bằng tranh phụ nữ đang mời gọi khách với bàn tay y hệt con mèo.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản hy vọng cải thiện nền kinh tế và hình ảnh quốc gia bằng cách đưa văn hóa đại chúng nước này đến khắp thế giới. Nhờ đó, hình ảnh con mèo cũng trở nên phổ biến hơn.
Dù vậy, câu trả lời cho sự bùng nổ của maneki-neko vẫn chưa thực sự được giải đáp…
Nguồn: News.zing.vn