Sarajevo, nơi diễn ra vụ ám sát thái tử Áo – Hung châm ngòi cho chiến tranh thế giới lần thứ nhất, cũng là mảnh đất của cuộc nội chiến đấm máu nhất trong lịch sử châu Âu.
Sarajevo là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Bosnia và Herzegovina. Với lịch sử không ít thăng trầm, Sarajevo một thời từng gây chấn động thế giới khi là nơi diễn ra vụ ám sát thái tử Áo – Hung, Franz Ferdinand. Người bắn chết thái tử là Gavrilo Princip, một sinh viên người Serb thuộc tổ chức Bàn tay đen. Sau vụ ám sát, giới quân phiệt Đức, Áo-Hung chớp lấy cơ hội gây chiến tranh bằng cách đổ tội cho Serbia đứng đằng sau, tuyên chiến với Serbia vào năm 1914 và chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, kéo dài tới năm 1918.
Bên ngoài bảo tàng thủ đô, nơi diễn ra vụ ám sát thái tử Áo- Hung. Ảnh: Minh An. |
Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Nam Tư được thành lập như một vương quốc. Đến năm 1945, Nam Tư trở thành nhà nước Liên bang theo đường lối xã hội chủ nghĩa, bao gồm 6 nước cộng hoà: Bosnia-Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia.
Mở đầu cho sự kiện Nam Tư tan rã là cuộc ly khai của Slovenia, tiếp đó là Croatia và Bosnia vào năm 1992. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc họ đã khơi lại cuộc xung đột với Serbia. Do Sarajevo từ lâu đã là nơi chung sống của 3 cộng đồng tôn giáo lớn: người Bosnia Hồi giáo, người Croat Công giáo và người Serbia Chính Thống giáo.
Những người thuộc sắc tộc Serbia kiên quyết giữ Bosnia trong Liên bang để làm Serbia hùng mạnh hơn. Đỉnh điểm là khi Tổng thống Serbia, Slobodan Milosevic, đưa quân đội tới hỗ trợ dân Serbia tiến hành “cuộc thanh lọc sắc tộc” đối với các tín đồ Hồi giáo, vốn được cho là nhóm sắc tộc duy nhất trung thành với chính phủ Bosnia.
Tới năm 1993, chính phủ Hồi giáo Bosnia bị các lực lượng của người gốc Serbia, khi đó nắm quyền kiểm soát 70% nước cộng hoà Bosnia, vây khốn ở thủ đô Sarajevo. Đường hầm Hy vọng – hệ thống địa đạo quân sự bí ẩn nhất thế giới được quân đội Bosnia xây dựng trong thời điểm khắc nghiệt ấy đã phần nào giúp họ đối phó với cuộc vây hãm của quân đội Serbia. Đường hầm nối từ thành phố Sarajevo sang khu phố Butmir và Dobrinja để tiếp tế thực phẩm, vũ khí cho lực lượng cố thủ ở đây.
Sơ đồ đường hầm hy vọng. Ảnh: Minh An. |
Trước sự đàn áp của người Serbia, người Bosnia cuối cùng rơi vào thảm cảnh khi các ngôi nhà liên tục bị cướp bóc, đốt phá, người dân bị bắt giữ, đánh đập và giết hại.
2,2 triệu người mất nhà cửa, hàng trăm nghìn người chết trong thời gian Ratko Mladic nắm quyền chỉ huy quân đội Serbia ở Bosnia. Năm 1995, khi cuộc nội chiến kết thúc với sự đầu hàng từ phía Serbia, Tòa án tội ác chiến tranh của Liên Hợp Quốc đã truy tố Ratko Mladic với tội diệt chủng tại Bosnia.
Bên cạnh đó, ở miền trung Bosnia, quân đội gồm các tín đồ Hồi giáo lại giao tranh với những người gốc Croatia, vốn muốn tách ra để về nước cộng hoà Croatia. Bosnia rơi vào thảm cảnh hỗn loạn, chia năm xẻ bảy, đồng thời trở thành nơi diễn ra cuộc nội chiến đẫm máu nhất trong lịch sử châu Âu.
Tháng 12/1995, cuộc nội chiến ở Bosnia chấm dứt bằng hiệp định hòa bình ký tại Dayton. Bosnia và Herzegovina chính thức trở thành một quốc gia độc lập với hai thực thể tự trị là Cộng hoà Serbia, Liên bang Bosnia và Herzegovina.
Bên ngoài đường hầm hy vọng, nơi giờ đây đã trở thành điểm đến không thể thiếu trong chương trình khám phá thủ đô Sarajevo. Ảnh: Minh An. |
Gác lại quá khứ đau thương, Bosnia và Herzegovina giờ đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Âu. Đặc biệt với những du khách yêu thích lịch sử thì Sarajevo là điểm đến không thể bỏ qua. Tại đây, chính quyền thành phố luôn có chủ trương bảo tồn những di tích còn lại của chiến tranh thay vì xóa bỏ. Ngoài ra, du khách còn cơ hội tham quan các nhà thờ Hồi giáo, chiếm ngưỡng dãy Alps hùng vĩ và ngắm nhìn dòng sông Miljacka nên thơ. Sarajevo có rất ít tội phạm, cuộc sống bình yên và được Lonely Planet xếp hạng là một trong những thành phố an toàn nhất Đông Nam châu Âu.
Xem ảnh thành phố Sarajevo
Từ Việt Nam không có đường bay thẳng đến Sarajevo. Bạn có thể chọn hãng Turkish Airlines với các chuyến bay hàng ngày từ Hà Nội và TP HCM đi 119 điểm đến châu Âu, quá cảnh ở Istanbul. |
Minh An
Nguồn: Vnexpress.net