Lý do Kim Jong-un được mời bánh mì chấm muối khi đến Nga

0
19
Lãnh đạo Kim Jong-un được mời bánh mì và muối trong lễ chào mừng tại nhà ga Khasan ở vùng Viễn Đông, Nga sáng 24/4. Ảnh: AP.

Để chào đón khách quý, người Nga chuẩn bị món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

Sáng 24/4, đoàn tàu chở lãnh đạo Kim Jong-un từ Triều Tiên dừng chân ở nhà ga Khasan, trước khi tiếp tục hành trình tới Vladivostok (Nga). Ông Kim Jong-un được chào đón với hoa và quà truyền thống gồm bánh mì và muối. Sau đó, ông tham quan Nhà hữu nghị Nga – Triều xây từ năm 1986 tại nhà ga này nhân chuyến thăm Liên Xô của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. 

Lãnh đạo Kim Jong-un được mời bánh mì và muối trong lễ chào mừng tại nhà ga Khasan ở vùng Viễn Đông, Nga sáng 24/4. Ảnh: AP.

Lãnh đạo Kim Jong-un được mời bánh mì và muối trong lễ chào mừng tại nhà ga Khasan ở vùng Viễn Đông, Nga. Ảnh: AP.

Bánh mì và muối luôn xuất hiện trong những dịp đón chính khách tới Nga, bởi đây là một truyền thống quan trọng trong văn hóa xứ sở bạch dương mang tên Khleb-sol. Khi có khách quý, gia chủ sẽ chuẩn bị một ổ bánh mì karavai đặt trên khăn thêu rushnyk. Trên bánh đặt một chút muối tinh ở chính giữa. Vào một số dịp đặc biệt, những thiếu nữ mặc váy truyền thống sarafan và đội mũ kokoshnik sẽ đem món ăn này mời khách.

Từ “mến khách” trong tiếng Nga là “khlebosolny” có nguồn gốc từ khleb (bánh mì) và sol (muối). Người Nga đón khách quý tới nhà bằng món ăn giản dị này thay lời chúc đủ đầy “mong nhà bạn sẽ không bao giờ thiếu bánh mì và muối”. Để đáp lại, khách thường xé một miếng bánh mì chấm muối, tươi cười thưởng thức và nói “Khleb da sol!” – cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến với gia chủ.

Nếu một người muốn tỏ ý xúc phạm gia chủ, họ sẽ cần rắc muối xuống sàn để thể hiện thái độ coi thường. Từ chối ăn bánh mì và muối cũng bị xem là hành động bất lịch sự. Ảnh: Pinterest.

Từ chối ăn bánh mì và muối bị xem là hành động bất lịch sự ở Nga. Ảnh: Pinterest.

Từ thời trung cổ, bánh mì và muối tinh là biểu tượng cho cuộc sống dư dả. Văn hóa Slavic coi bánh mì là một thứ thiêng liêng: Không có bánh mì trong bếp nghĩa là nhà chẳng còn gì ăn. Trong khi đó, muối là thứ gia vị đắt đỏ và quý hiếm thời trung cổ, tới mức không phải ai cũng có thể bỏ tiền là mua được và nhiều người tin rằng muối có thể xua đuổi quỷ dữ.

Người Nga cũng có thành ngữ “đồng lòng ăn cả pút muối” (một pút bằng 16,38 kg), để nói đến những người cùng nhau trải qua thăng trầm. Do vậy, bánh mì và muối còn xuất hiện trong đám cưới truyền thống của người Nga. Sau lễ thành hôn, cô dâu và chú rể sẽ bẻ bánh mì, chấm vào hũ muối tinh và cùng ăn – dấu hiệu cả hai sẵn sàng cùng nhau đi qua mọi giông bão trong đời.

Bánh mì và muối không thể thiếu trong đám cưới truyền thống tại xứ sở bạch dương. Ảnh: Colorado Mountain Wedding Photographer.

Bánh mì và muối không thể thiếu trong đám cưới truyền thống tại Nga. Ảnh: Colorado Mountain Wedding Photographer.

Ngoài những ý nghĩa sâu xa trên, bánh mì và muối còn gắn liền với nhau trong cuộc sống thường ngày của các bà nội trợ. Trước khi bỏ khuôn bột vào nướng, người làm bánh thường ném một nhúm muối vào trong lò để kiểm tra lửa lớn đến đâu. Nếu muối bén lửa và lập tức cháy sáng lên, đó là thời điểm thích hợp để bắt đầu nướng bánh.

Ngày nay, món ăn trên vẫn phổ biến vào những dịp tiếp đón chính thức, trong các nhà hàng có thực khách nước ngoài tại Nga. Năm 2010, một hãng hàng không Hong Kong dùng bánh mì và muối trong lễ mừng đường bay thẳng tới Moskva. Nghi thức chào đón các phi hành gia trở về Trái đất cũng không thể thiếu Khleb-sol.

Không chỉ tại Nga, bánh mì và muối còn xuất hiện trong màn chào đón truyền thống tại nhiều quốc gia châu Âu và Trung Đông. Người dân tại các quốc gia như Albania, Bulgaria, Belarus, Ukraine, Czech, Slovakia, Ba Lan, Macedonia, Romania và Serbia thường mời khách ăn bánh mì và muối.

Bánh mì chấm muối - món khiến Cristiano Ronaldo bối rối tại Nga
 
 

Bánh mì chấm muối – món khiến Cristiano Ronaldo bối rối tại Nga

Cristiano Ronaldo bối rối với nghi thức tiếp đón với bánh mì và muối khi tới Nga đá World Cup 2018. Video: RT.

Tại Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania hay Đức, bánh mì và muối được dùng để mừng lễ tân gia song người dân sẽ làm bánh mì đen. Người Đức còn có tục đặt hai thứ này vào tã của một em bé sơ sinh.

Trong văn hóa Arab, bánh mì và muối không xuất hiện khi nhà đón khách mà trở thành biểu tượng thiết lập tình bằng hữu khăng khít. Người Arab có cách nói “chúng ta như bánh mì và muối” để nhắc đến bạn bè, và “giữa họ là biển muối” để chỉ những người không đội trời chung.

Bảo Ngọc (Theo Russia Insider)

Nguồn: Vnexpress.net