Po Nai là lễ hội truyền thống của người Chăm được tổ chức ở núi Chà Bang (Ninh Thuận), cầu mưa thuận gió hòa của nhà nông.
Nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 15 km về phía tây nam, núi Chà Bang cao hơn 430 m, thuộc địa phận xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Đứng trên đỉnh núi, bạn có thể nhìn rõ biển xanh chạy dài từ bãi Cà Ná đến vịnh Phan Rang. Hàng năm, người Chăm hành hương lên núi Chà Bang để làm lễ cúng Po Nai.
Núi Chà Bang gắn liền với truyền thuyết kén chồng của công chúa Po Nai – con gái út của vua Po Rome, có sắc đẹp chim sa cá lặn. Vua Po Rome muốn tạo sự bang giao gần gũi với tộc láng giềng, nên quyết định gả Po Nai cho chàng trai Raglai là Po Kei Maw tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú. Không chịu kết hôn, công chúa Po Nai bỏ lên núi tu hành. Yêu Po Nai, chàng Po Kei Maw quyết tâm đi tìm.
Một góc núi Chà Bang. Ảnh: Wikimapia |
Qua nhiều tháng lội đèo leo núi không tìm thấy công chúa, Po Kei Maw tức giận lấy nỏ thần bắn lên ngọn núi – nơi công chúa trú ẩn, khiến ngọn núi nứt làm đôi. Từ đó, đến nay người Chăm gọi núi là “cek Cambang”, có nghĩa là núi hình dáng như cây nạng. Còn người Việt đọc chệch từ tiếng Chăm ra thành “Chà Bang”.
Po Nai được người Chăm thờ phụng trên núi Chà Bang với biểu tượng Linga – Yoni bằng đá đen óng ánh. Nếu tới đây vào tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, bạn có thể cùng tham dự lễ hội Po Nai của người địa phương nhằm cầu xin được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội chia thành hai phần, gồm lễ nghi tôn giáo và lễ nghi theo tín ngưỡng dân gian.
Phần đầu của lễ hội, các chức sắc Bani làm lễ trong hang đá trên đỉnh núi từ 12h đến 13h. Đây là giờ hành lễ thứ ba trong 6 giờ hành lễ quan trọng của người Chăm. Một tín đồ chỉ được dâng 3 miếng trầu têm. Khi kết thúc lễ cầu kinh, họ trở lại nơi thờ tự để tổ chức lễ hội dân gian.
Lễ hội tín ngưỡng dân gian do ông Ka-ing (vũ sư) làm chủ lễ. Ban hành lễ bao gồm ông Maduen, ông Ka-ing và các nghệ nhân sử dụng nhạc cụ truyền thống như trống gineng, kèn saranai, ceng. Lễ vật gồm hoa quả đủ loại, mía, xôi, đường, ngoài ra còn có nước, trứng, trầu cau để khấn các vị thần khác.
Lễ cúng Po Nai trên núi Chà Bang. Ảnh: Paka Jatrang. |
Vào lễ, ông Maduen, ông Ka-ing làm phép tẩy uế thân thể, mặc lễ phục, làm động tác thỉnh nước thánh, làm lễ tắm tượng và mặc lễ phục cho tượng Po Nai. Sau đó lễ vật được dọn ra để cầu khấn. Khi ông Maduen hát thánh ca mời các vị thần về dự lễ, ông Ka-ing rót rượu mời tín đồ chấp tay cầu nguyện sự an bình cho quê hương xứ sở.
Khi tiếng trống baranâng do ông Maduen gõ vang lên, ông Ka-ing nhịp nhàng điệu múa, vừa khoan thai vừa trầm bổng. Mỗi vị thần sẽ có một bài thánh ca, điệu trống riêng. Ông Ka-ing sẽ múa mỗi điệu múa khác nhau để dâng lên các vị thần.
Múa hầu Po Nai là điệu quan trọng của cuộc lễ. Ông Ka-ing khoác lên y phục nữ giới trắng tinh, bưng hoa quả múa nhịp nhàng, khoan thai theo điệu trống “sa gai”. Lúc này, ông Maduen hát bài thánh ca nói về quá trình tu hành của Po Nai. Lễ hội cứ thế tiếp diễn say sưa, người tham gia như bị cuốn hút vào cuộc lễ.
Đứng trên núi Chà Bang có thể nhìn bao quát mọi cảnh vật xung quanh. Ảnh: ttvh |
Đến Chà Bang, bên cạnh tham gia vào lễ hội Po Nai, bạn có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp của thiên nhiên. Phía tây có vách đá thẳng đứng cao chừng 20 m tạo nét hoang sơ kỳ vĩ trên ngọn núi. Phía đông, bạn có thể thả hồn phiêu bồng với hình ảnh sóng biển nhấp nhô giữa trùng khơi. Phía bắc là những làng Chăm yên bình cùng các cậu mục đồng nô đùa với đàn cừu. Nhìn xa xa, bạn có thể thấy đỉnh tháp Po Klaong Girai sừng sững trên đồi cao.
Paka Jatrang
Nguồn: Vnexpress.net