Phút trải lòng của tài xế xe khách về thu nhập ít ỏi hàng tháng khiến chàng trai Australia áy náy với những lần mặc cả ở Việt Nam.
Dưới đây là những suy nghĩ của Justin Meneguzzi về chuyến du lịch Việt Nam trên Intrepid Travel vào năm 2017.
“Mọi người dân Việt Nam đều là ‘triệu phú’. Điều này nghe quá tuyệt vời, tưởng chừng như khó có thể là sự thực. Nhưng thực tế, một triệu đồng chỉ bằng khoảng 50 USD. Mức lương trung bình một người công nhân Việt Nam đem về nhà vào khoảng 5,5 triệu đồng một tháng, thậm chí con số này còn thấp hơn với những lao động ở nông thôn.
Trong chuyến đi Hội An gần đây, một tài xế xe khách kể với tôi rằng hàng đêm ông đều khóc cho tới khi ngủ thiếp đi lúc nghĩ về những đồng lương ít ỏi và tự hỏi mình làm thế nào để đóng góp cho gia đình. Tại TP HCM, một người đồng nghiệp lý giải cho tôi biết vì sao người dân cứ đổ lên thành phố để bán trái cây, quần áo, trang sức thủ công hay nhiều thứ khác… Đơn giản là họ không thể kiếm đủ tiền nếu ở lại chốn làng quê.
Những người phụ nữ bán hàng rong là hình ảnh quen thuộc ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Justin Meneguzzi. |
Tôi phải thú thực, mình cảm thấy tội lỗi một chút khi nghe câu chuyện này. Mới hôm trước, tôi vừa mặc cả khi mua một ấm trà gần chợ Bến Thành, trả giá quyết liệt như thể đó là điều phải làm khi đến Đông Nam Á. Mặc cả là một trò chơi, mà người bán thuộc phe phải đeo trên mặt những nụ cười lịch sự hết cỡ, vỗ về khách bằng những lời có cánh để họ trả mức cao nhất có thể. Người mua – phe còn lại, thường áp dụng chiến thuật giả vờ bỏ đi đến khi chủ hàng gọi với lại và hạ giá nhiều nhất có thể bởi họ biết không bao giờ có chuyện bán đúng giá. Nếu không cùng ngôn ngữ, hai bên sẽ gõ giá lên máy tính. Giữa không gian ồn ào dưới bóng đèn huỳnh quang sáng lóa của chợ Bến Thành, tôi nghe thấy tiếng mặc cả râm ran tứ phía.
Một người bán rau lọt vào ống kính của Justin. Ảnh: Justin Meneguzzi. |
Cuối ngày, tôi phải ngồi nép mình lắng nghe những người bạn đồng hành khoe khoang rằng họ đã mặc cả một chiếc mũ nhái hàng hiệu từ 100.000 đồng xuống còn 30.000 đồng thế nào. Đúng, giá cả ở những khu du lịch nổi tiếng luôn ở mức trên trời, sếp của tôi nói rằng chuyện giá bán đắt gấp đôi mức thường không phải hiếm. Nhưng khi những vị khách phương Tây đòi giảm vài chục nghìn đồng – vốn chỉ đáng giá vài đôla, họ cũng đang vô tình cắt xén một phần thu nhập hàng tháng của chủ cửa hàng.
Tôi hoàn toàn ủng hộ chuyện thương lượng khi mua bán và thích cái cảm giác phiêu lưu khi mặc cả, nhưng có lúc tôi tự hỏi những du khách hiếu thắng có phần nào trở thành kẻ hơn thua quá đà hay không. Tôi thà tham gia trò chơi khi mà hai bên đều vui vẻ, và vẫn trả khoảng 75% mức giá được chào bán, còn hơn cố đấm ăn xôi đòi chủ hàng bán giảm giá hết cỡ.
“Thật chẳng công bằng khi đòi giảm giá tới kịch sàn, thấp hơn cả giá gốc, chỉ để tiết kiệm vài đôla lẻ”, chàng trai Australia viết. Ảnh: Justin Meneguzzi. |
Sau tất cả, chúng ta là những người có điều kiện nên mới lên đường đi đây đi đó. Chúng ta nên sẵn lòng chia sẻ một chút với những người xung quanh”.
Theo Justin Meneguzzi
Nguồn: Vnexpress.net