Theo hãng tin Nga Sputnik News, lễ hội huấn luyện đại bàng vàng (The Golden Eagle Festival) diễn ra trong những ngày đầu tháng ba tại vùng thảo nguyên gần thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ.
Lễ hội được tổ chức định kỳ 2 lần trong năm, vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội vào mùa thu sẽ được tổ chức tại tỉnh Bayan-Ulgii.
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
Vào lễ hội mùa xuân, 20 người thợ săn có độ tuổi từ 14 đến 86 tập trung lại vùng thảo nguyên để thực hiện màn trình diễn huấn luyện đại bàng vàng trong các pha hành động như bổ nhào bắt rắn và thỏ rừng.
Hiệp hội săn bắn Mông Cổ cho biết tiêu chí chấm điểm tại lễ hội gồm kỹ thuật huấn luyện đại bàng của thợ săn và kỹ thuật săn mồi điêu luyện của đại bàng, yếu tố tốc độ, bắt mồi chính xác của đại bàng và cả yếu tố thẩm mỹ của thợ săn khi diện trang phục truyền thống tộc người Kazakh ở Mông Cổ cũng được xem xét.
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
Ảnh: AFP
Mục đích chính của lễ hội huấn luyện đại bàng vàng là quảng bá nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của tộc người Kazakh ở Mông Cổ, cũng như thúc đẩy ngành du lịch phát triển.
Thiếu nữ Aisholpan Nurgaiv, một trong những người tham gia cuộc thi huấn luyện đại bàng, cho biết khi mới 13 tuổi đã theo nghề nghiệp của cha là huấn luyện đại bàng – một truyền thống vốn thường dành cho nam giới vì kỹ thuật điều khiển đại bàng đòi hỏi sự mạnh mẽ và quyết đoán.
Cô bé Aisholpan Nurgaiv với tay nâng cao một con đại bàng khổng lồ giữa không gian. Ảnh do Asher Svidensky chụp năm 2013
Vào năm 2013, nhiếp ảnh gia người Israel Asher Svidensky là người đầu tiên phát hiện Aisholpan Nurgaiv có tài năng huấn luyện đại bàng và xuất bản một loạt hình ảnh về cô bé đứng trên đồi núi với tay nâng cao một con đại bàng khổng lồ giữa không gian trong niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ.
Sau đó, hình ảnh này lan truyền mạnh mẽ vào năm 2014 và được đạo diễn người Anh Otto Bell mời cô bé tham gia đóng vai chính huấn luyện đại bàng trong bộ phim tài liệu ‘The Eagle Huntress’ (tạm dịch ‘Nữ thợ săn đại bàng’).
“Hiện có khoảng 400 thợ huấn luyện đại bàng ở tỉnh Bayan-Ulgii thuộc miền tây Mông Cổ. Nhưng chỉ có 6 người huấn luyện là nữ” – Nurgaiv cho biết.
Tại Mông Cổ, truyền thống huấn luyện đại bàng vàng có từ hàng ngàn năm qua, được truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng người Kazakh.
Lễ hội huấn luyện đại bàng vàng vào mùa xuân 2017 thu hút 2.000 du khách tham quan, năm nay đã tăng lên 3.000 du khách.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn