Pháo nổ đì đùng trên con phố ở Phúc Kiến khiến Nicolas ngồi thụp xuống nấp, nhưng không ai quanh anh tỏ ra sợ hãi.
Luật sư Nicolas Groffman từng sống 20 năm ở Trung Quốc và hiện chuyển về Anh. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
Lần đầu tiên tôi biết tới Tết Nguyên đán là vào năm 1991. Tôi đến Trung Quốc cùng anh bạn Toby cuối tháng 2, khoảng một tuần sau ngày mùng 1 Tết. Cô Guo, một giáo viên, đưa chúng tôi đi dạo giữa con phố đông đúc tồi tàn của thành phố Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc).
Tiết trời ấm áp, mùi thức ăn thơm phức tỏa ra từ các cửa hiệu xen lẫn mùi hôi bốc lên từ những miệng cống. Người dân ngồi trên những chiếc ghế đẩu để giặt giũ, hoặc sửa xe đạp, hay đơn giản là hòa vào dòng xe cộ quanh mình. Và rồi mọi thứ thay đổi.
Một cụ già trong chiếc áo khoác màu xanh, quần xắn gấu, bước xuống thềm trước cửa hàng và vứt thứ gì đó ra giữa đường. Vào giây phút đó, mọi thứ – từ khách qua đường, những người đạp xe – đều như chậm lại. Một tiếng đùng vang lên. Đoàng một phát nữa. Tiếng nổ chát chúa bên tai khiến tôi và Toby nấp ngay đi.
Một vài giây sau, chúng tôi nhận ra chẳng ai mảy may sợ hãi. Không ai gào thét hay hò hét. Chúng tôi đứng dậy, nỗi ngượng ngùng hiện rõ.
“Cái gì vậy”, tôi hỏi. Cô Guo đáp: “Thứ đó dành cho Tết Nguyên đán”.
Từ những năm 1990 tới 2016, những ông cụ như vậy có mặt ở khắp nơi tại Trung Quốc. Không hẳn tất cả các cụ già đều thế, nhưng rất nhiều người Trung Quốc thích đốt pháo vào một tuần trước hoặc sau Tết.
Tôi dần yêu pháo hoa ngày Tết Âm lịch và khung cảnh sống động của cả thành phố sáng rực trong ánh lửa đỏ và mùi khói khét. Mọi thứ khác biệt so với pháo hoa của người Anh – thường được bắn tại những địa điểm đặc biệt vào đêm lửa Guy Fawkes Night (5/11) hàng năm. Người Trung Quốc đốt pháo ngẫu nhiên với những màn bắn pháo hoa rực rỡ hàng giờ vào dịp Tết Nguyên đán.
Tôi từng đạp xe chở con gái lớn ra ngoài phố để xem pháo hoa và ngửi mùi thuốc pháo. Sau giao thừa, chương trình gala trên TV kết thúc, chúng tôi đều lên giường đi ngủ mà tiếng pháo hoa vẫn đì đùng không dứt. Tất cả vẫn thiếp đi vì tiếng ồn nghe mãi cũng quen. Không gian lắng xuống vào khoảng 1h sáng. Nhưng tới 6h, một cụ già sẽ đánh thức mọi người bằng tràng pháo nổ.
Ngày đáng mong chờ nhất với tôi là sau kỳ nghỉ Tết. Tôi tới văn phòng tại trung tâm thương mại Kerry Center và đạp xe về nhà ở Fangjia Hutong (Bắc Kinh). Vào ngày mùng 5 Tết, người dân sẽ đốt nhiều pháo nhất có thể ngay ngoài đường. Đường về nhà tôi khi ấy chẳng khác nào một cuộc đạp xe xuyên vùng chiến sự, mà không chút hiểm nguy.
Trung Quốc muốn hạn chế ô nhiễm môi trường nên ban lệnh cấm bắn pháo hoa ở 444 thành phố từ năm 2017. Ảnh: China Today. |
Tết Nguyên đán là khoảng thời gian người Trung Quốc lịch thiệp nhất. Vợ chồng tôi thường đi Thượng Hải để ăn tất niên cùng nhà ngoại, bữa cơm chiều 30 Tết năm nào cũng thịnh soạn. Bố mẹ vợ tôi luôn tránh cãi cọ vào ngày này, 9 người con chúng tôi sẽ ăn uống no say và vui vẻ.
Không như người Bắc Kinh, dân Thượng Hải không ăn sủi cảo vào dịp năm mới. Chúng tôi thường khai vị bằng cá muối và vài món nguội, ăn hết 20 món và kết thúc với cơm bát bảo ngọt.
Không phải ai tôi quen biết cũng thích nghỉ Tết. “Tụ tập ở nhà và chẳng làm gì cả thì có gì hay?”, một đồng nghiệp thốt lên khi tôi tâm sự mình thích Tết Nguyên đán.
Là một người nước ngoài, tôi không có áp lực phải làm điều gì có ích. Không có họ hàng ruột thịt tại Trung Quốc, tôi cũng không khiến ai phật lòng nếu không thăm hỏi ngày Tết. Hay hơn là khi những người họ hàng xa tới chơi, tôi lại được phép thoái lui đi làm việc riêng hay ra ngoài chơi với những người ngoại quốc khác. Có lần tôi từng dành cả buổi sáng trong một quán cà phê gần công viên Nhân Dân ở Thượng Hải để đọc hết một cuốn sách.
Chương trình gala cuối năm Chunwan vẫn được coi như thứ không thể thiếu đêm giao thừa, dù phần lớn các gia đình chỉ bật lên cho có không khí chứ không chăm chú theo dõi. Chúng tôi sẽ trò chuyện, ăn uống hoặc nhắn tin khi TV chiếu chương trình gala.
Tết Nguyên đán tại Trung Quốc mang tinh thần giống như Giáng Sinh – không ai chắc chắn vì sao phải ăn mừng dịp này, nhưng nó vốn thuộc về một phần tự nhiên trong chúng ta. Chúng ta phải chuẩn bị trước hàng tuần, thậm chí hàng tháng; chúng ta phải thăm hỏi họ hàng, chịu một số áp lực nhất định; chúng ta thích làm mọi thứ theo truyền thống và không muốn thay đổi. Tôi thực sự không ghét Tết Nguyên đán, tôi yêu thích tất cả – trừ những ông già đốt pháo nổ.
Nicolas Groffman
Theo CGTN
Nguồn: Vnexpress.net