Không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp làm say lòng người, Myanmar còn ẩn chứa những giá trị văn hóa đặc sắc có thể “đốn tim” du khách từ ánh nhìn đầu tiên.
MYANMAR – VÙNG ĐẤT ĐỐN TIM DU KHÁCH
Không chỉ nổi tiếng với những cảnh đẹp làm say lòng người, Myanmar còn ẩn chứa những giá trị văn hóa đặc sắc có thể “đốn tim” du khách từ ánh nhìn đầu tiên.
Mặc cho ai đó nói rằng mảnh đất này giống như Việt Nam của những năm 2000, chúng tôi, 13 người bao gồm những nhiếp ảnh gia và các tay máy không chuyên, vẫn háo hức lên đường săn tìm vẻ đẹp “ma mị” từng thấy đâu đó qua phim ảnh.
Rời khách sạn từ 4h sáng với những thiết bị cần thiết nhất, hành trình đuổi bắt mặt trời của chúng tôi chỉ kết thúc khi những ngọn tháp cổ chìm vào bóng đêm. Tay rộp da vì nắng, áo ướt sũng mồ hôi nhưng cả đoàn đều mỉm cười khi xem lại những shot hình đã ghi ở miền đất Phật.
Tiệc ánh sáng ở thành phố ngủ quên
Bagan, cố đô nằm ở miền trung Myanmar đón tôi bằng sự yên bình, cổ kính đến kinh ngạc. Vùng đất bên dòng Irrawaddy sau quãng thời gian bế quan tỏa cảng vì nội chiến như ngủ quên trước thời gian, mọi thứ đều tụt lại cả chục năm so với thế giới bên ngoài.
Không cao ốc, đèn đường hay phố xá náo nhiệt, mảnh đất cố đô chi chít đền tháp mờ ảo trong bụi đất. Đứng trên thùng chiếc xe tải đang lao vào màn đêm đặc quánh, nhóm săn ảnh chỉ có thể cảm nhận được cái lạnh của sương sớm, mùi phân ngựa hắc nồng và tiếng côn trùng dưới những đám cỏ khô.
“Mặt trời nhô lên từ đó”, hướng dẫn viên bản địa tên Min chỉ tay về phía lùm cây xa xa sau khi dắt chúng tôi leo lên chân tòa tháp đổ nát nằm sát bờ sông. Máy móc sẵn sàng cũng là lúc mặt trời ló rạng.
Bữa tiệc ánh sáng nơi đây khiến mọi tay máy phải trầm trồ, thích thú. Bagan cổ kính, “ma mị” được đánh thức bởi những tia sáng vàng rực. Khung cảnh càng thêm tráng lệ khi nắng sớm phủ lên những ngôi đền mang màu thời gian. Vó ngựa cuốn bụi đất hòa lẫn cùng sương mai, tạo ra khung cảnh mờ ảo cùng thứ âm thanh đặc trưng của mảnh đất này.
Nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu, tay máy nổi tiếng miền tây, nói với tôi rằng: Nếu bình minh ở Bagan là set up có chủ ý thì đạo diễn đứng sau hẳn là thiên tài biết cách làm hài lòng cả những nhiếp ảnh gia khó tính nhất.
“Những thanh âm ngọt ngào của vòng quay bánh xe mới đếm được số lượng các ngôi đền” – người dân Bagan vẫn kể như vậy khi nhắc đến di sản ông cha họ truyền lại.
Bagan ở đâu cũng có đền chùa. Có đi cả ngày, du khách cũng không đếm hết số lượng đền chùa ở Bagan. Đón bình minh ở xứ chùa tháp là “đặc sản” không thể bỏ qua, nhưng một khi lạc bước tới đây, bạn không thể từ chối hành trình thú vị không kém: Săn mặt trời đỏ lúc hoàng hôn.
Sau một ngày mải mê bấm máy về những kiệt tác kiến trúc cổ xưa, chúng tôi tập kết trên đỉnh đồi nằm giữa khu di sản. Trong tiếng chuông chùa văng vẳng, từng đàn bò trắng thong thả về chuồng, còn mặt trời lúc này đỏ rực như hòn lửa dần khuất. Tia nắng cuối ngày vẽ nên bức màn đỏ tím bao phủ những ngọn tháp nhấp nhô. Tất cả diễn ra trong khoảng nửa giờ và không có cơ hội cho người đến muộn.
Người Myanmar thích ngắm hoàng hôn, chỉ trở về khi tối đất. Nhóm săn ảnh chúng tôi nán lại lâu hơn để cho nhau xem những shot hình ưng ý. Đằng xa tiếng chuông chùa vang lên, báo hiệu Bagan đang lùi dần vào bóng tối để sẵn sàng cho “bữa tiệc” ánh sáng vào hôm sau.
Inle – Biển xanh giữa núi rừng
Chưa hết choáng ngợp trước Bagan thần thánh, chúng tôi lại được phiêu du bồng bềnh khi lướt sóng ở Inle – hồ nước ngọt rộng 250 km2 nằm ở độ cao gần 900 m so với mực nước biển.
Nếu Bagan thử thách khả năng chịu đựng nắng nóng của lữ khách, hồ Inle lại mang đến cảm giác mát lành, lãng mạn. Vẫn là sự choáng ngợp nhưng du khách khi đến đây sẽ thấy mênh mang bởi cảnh sắc thiên nhiên.
Ngồi trên chiếc xuồng máy rẽ màn nước xanh biếc một màu, chúng tôi không nghĩ máy ảnh hôm đó có cơ hội làm việc nhiều đến thế. Những dãy nhà gỗ bên sóng nước dập dềnh, từng đàn chim sải cánh nô đùa trên mặt nước hay những người đánh cá bé nhỏ giữa bao la mây nước… đều quá đẹp với những ai muốn tìm kiếm những post hình buộc người khác phải trầm trồ.
Chèo thuyền bằng một chân là khả năng đặc biệt của đàn ông vùng hồ Inle. Trong trang phục truyền thống, họ đứng ở mũi thuyền và dùng một chân để khoả mái chèo một cách điệu nghệ.
Du khách gọi họ là những người “giơ háng”, bởi chân khỏa mái chéo sẽ được dơ cao để giữ thăng bằng khi họ nâng chiếc vó to trước mỗi khi muốn thả xuống lòng hồ bắt cá.
Đêm trên lòng hồ Inle yên tĩnh đến lạ lùng. Tiếng xuồng máy thi thoảng vang vọng, âm thanh hiện hữu là tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió xì xào khi chạm vào mái lá và tiếng ì oạp của sóng nước vỗ chân bờ.
Giữa bốn bề sông nước, du khách chỉ cần hé cửa sổ để gió nhảy múa trong phòng. Thứ duy nhất cần làm là kéo những tấm chắn côn trùng. Còn ở đây, điều hòa, quạt mát đều trở thành những vật vô giá trị. Hướng dẫn viên tên Min nói với chúng tôi rằng hồ Inle là thiên đường của những cặp tình nhân. Nhưng trước lúc anh nói điều này, một thành viên trong nhóm săn ảnh đã thổ lộ ước muốn được nắm tay người yêu, hít căng lồng ngực thứ không khí gợi tình phiêu lãng chắc chỉ có ở vùng hồ trên núi mênh mênh mang mang.
Cuồng nhiệt lễ té nước Thingyang
Từ Inle, chúng tôi di chuyển cả đêm bằng ôtô để có mặt tại Yangoon vào hôm sau. Tuyến cao tốc dẫn đến thành phố lớn nhất Myanamar đông hơn thường lệ. Từng đám người chen chúc trên những xe tải hạng nhẹ. Họ không ngủ để chờ đón lễ té nước Thingyang sắp diễn ra.
Chùa Sule nằm ở trung tâm thành phố Yangon từ sớm đã đông nghịt người. Du khách và người dân địa phương đến đây để chiêm ngưỡng nghi thức múa cổ truyền chào đón năm mới. Sau nghi lễ cầu bình an là lễ té nước.
Bỏ lại máy móc, chúng tôi cùng đổ ra đường, nơi có hàng nghìn vòi phun nước được lắp đặt sẵn. Xô chậu, vỏ chai cũng được sử dụng để dội nước lên nhau thay cho lời chúc mừng năm mới.
Người Myanmar quan niệm rằng việc té nước vào người sẽ gột bỏ những u ám để bắt đầu năm mới với những may mắn. Máy tạo bong bóng cũng được bố trí để ngày hội thêm sắc màu. Âm nhạc sôi động liên tục được phát ra từ những sân khấu lớn.
Dưới cái nắng 40 độ C, chúng tôi ướt sũng, trở thành một phần của lễ hội. Không ai còn đặt ý tới quốc tịch hay sự bất đồng ngôn ngữ, hàng vạn người nhảy múa, hò reo từ sáng đến khuya.
Nguồn: News.zing.vn