Lạ lùng chợ tình của người Mông Bắc Kạn

0
10

(Dân Việt) Diễn ra vào buổi sáng 25.3 âm lịch hằng năm, chợ tình của đồng bào Mông ở thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) tuy đã tồn tại suốt gần 40 năm nhưng rất ít người biết đến và hầu như không có thông tin gì về phiên chợ độc đáo này.

Đồng bào Mông khu vực huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và một số vùng lân cận đến tháng 3 (âm lịch) đều khấp khởi chuẩn bị cho mình trước đó cả tuần lễ để có mặt tại chợ tình Nà Phặc. Cũng phải, mỗi năm chỉ có một ngày xúng xính váy hoa, giọng khèn đã chỉnh, người quen đã hẹn, chỉ còn đợi gà gáy là cất bước lên đường.

Sương chưa kịp tan, những bước chân đã rộn ràng xuống chợ.

Sớm 29.4 (25.3 âm lịch), khi sương còn chưa kịp tan, tiếng bước chân rộn ràng đã vọng vang phố núi. Dương Thị Thư, cô bé Mông có vóc người nhỏ nhắn, rực rỡ như một nữ văn công trong bộ trang phục Mông độc đáo thỏ thẻ: “Dù nhà ở không xa lắm nhưng em đã đến từ rất sớm. Năm nào cũng vậy, chỉ mong gặp được người quen thôi. Người Mông ở Nà Phặc ai cũng ngóng phiên chợ này mà”.

Tuổi mới chớm 15, song “tuổi chợ” của cô bé này đã chạm con số 10.

Thư tuổi chớm 15, nhưng “tuổi chợ” đã chạm con số 10. Người Mông ở Nà Phặc khi đã xây dựng gia đình thì phần lớn vào phiên chợ này đều dắt con nhỏ cùng theo. Và chính bởi đó, phiên chợ tình đã đi vào tâm thức của đồng bào Mông nơi đây ngay từ khi còn rất nhỏ.

Khác với chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình của người Mông Nà Phặc không phải đến để gặp lại “người cũ” mà đến để chuyện trò gắn kết, để thử sáo, thử khèn và để trai gái tìm hiểu nhau.

Người già đến chợ tình không phải để gặp “người cũ ” mà chủ yếu gặp bạn trò chuyện và thử khèn.

Các cô gái thì tranh thủ lựa chọn váy hoa, đồ trang sức làm đẹp cho mình trước khi gặp bạn.

Đến chợ tình không phải để tìm gặp “người xưa” mà để tìm hiểu nhau.

Những cô gái này đang háo hức đợi bạn trong phiên chợ tình.

Ưng cái bụng, cặp đôi này tách về phía cuối chợ tâm tình.

Ông La Văn Cao (thôn Lũng Lịa, Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, chúng tôi đến chợ tình không phải để tìm “người cũ”, vì đã “người cũ” là không có duyên rồi, tìm sẽ chỉ gây ảnh hưởng cho nhau thôi, điều này là không nên, không phải.

Còn ông La Văn Sinh (thôn Cổm Nhá) thì tủm tỉm: “Mình quen và lấy vợ cũng nhờ phiên chợ tình này đấy. Giờ thì già rồi, nhưng năm nào đúng phiên, vợ chồng mình cũng đi”. Ông Sinh vốn người Mông Hòa An, Cao Bằng, chuyển về Bắc Kạn sinh sống từ năm 1979. Ông bảo, đã biết khèn từ năm 13 tuổi, nhớ khèn, đến phiên lại ra thôi.

Khoảng gần 8h sáng, những người Mông lớn tuổi dồn lại thành nhiều nhóm nhỏ, hỏi han chuyện trò râm ran. Nhớ thời trẻ trai nhiều người rút khèn đem thổi. Tiếng khèn mang mang nỗi lòng người già. Đang vui là vậy, ấy mà người già bỗng dưng buồn, buồn vì giờ không còn không gian dành cho giao lưu khèn, sáo, hát dân ca nữa.

Nà Phặc, chợ tình vào phiên rất đông, thảy những đôi bàn chân người Mông đều hướng về phiên chợ. Ấy mà không có chỗ để khèn thì kể như hết chợ mất rồi. Ông Hoàng Văn Dinh, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Lịa và nhiều người Mông có mặt tại phiên chợ hôm nay đều ước ao có được một không gian, chỉ cần 10-15m2 thôi cũng được, để người Mông giao lưu, khèn sáo, tìm hiểu lẫn nhau.

Không có không gian, những người già chọn cho mình một góc nhỏ để truyền kinh nghiệm về khèn Mông.

Theo ông Dinh, chợ tình Nà Phặc đến nay đã tồn tại 39 năm. “Người ta quan niệm ngày 27.3 là chợ tình của người Mông, hiểu như vậy là chưa chính xác, đó chỉ là chợ Khau Vai thôi. Còn người Mông ở những nơi khác lấy ngày chợ của vùng vào phiên cuối tháng 3  âm lịch làm ngày gặp nhau (chợ tình)”, ông Dinh khẳng định.

“Hồi tôi còn ở Trà Lĩnh (Cao Bằng) vẫn đi chợ tình các vùng lân cận như Nà Giàng ngày 26.3, Tổng Cọt 27.3, Trà Lĩnh là 29.3, nay thì chợ tình Nà Phặc 25.3 (chọn chợ cuối tháng 3 âm lịch từ 25 đến 29 làm ngày chợ tình, trừ ngày 30.3), tiếc là giờ chợ Nà Phặc không còn không gian để giao lưu nữa”, ông Dinh nói.

Về không gian giao lưu văn hóa, văn nghệ tại chợ tình, ông Phạm Công Chính, Trưởng Ban Quản lý Chợ Nà Phặc cho biết, việc này không khó nếu có sự đồng ý của UBND thị trấn Nà Phặc. 

Trao đổi với PV, ông Dương Văn Thọ, Chủ tịch UBND thị trấn Nà Phặc cho biết: “Nà Phặc trước đây không có chợ tình, đến khi đồng bào Mông di cư về mới có. Việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa là rất tốt. Chính quyền luôn ủng hộ, tuy nhiên phải đảm bảo vấn đề an ninh, trật tự. Còn việc dành một không gian nhỏ để đồng bào chơi khèn, giao lưu văn hóa, tìm hiểu nhau chúng tôi sẽ nghiên cứu”.

Nguồn: Danviet.vn