Trên đường du lịch bụi, việc vô tình gặp “ma” hay nhờ một tai nạn bất ngờ xảy ra mà nên duyên đôi lứa thường được coi là điều kỳ diệu và trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong lòng nhiều phượt thủ.
Trên hành trình khám phá thế giới của những bạn trẻ yêu du lịch, họ gặp không ít câu chuyện thú vị, thậm chí cười ra nước mắt để nhớ mãi về những năm tháng đã qua. Ấn tượng về những nơi từng ghi dấu chân kỷ niệm đôi khi chỉ là cảm giác sợ hãi không có thật hay được nhận sự giúp đỡ vô tư của những người xa lạ mà có thể chỉ gặp một lần trong đời…
Gặp “ma” ở Dào San
Là người yêu thích độc hành, Ngong Hankang (tên thật là Việt Dũng) hầu như quanh năm có những chuyến ngao du khắp nơi. Chuyện khôi hài, thú vị nhất anh từng gặp phải kể đến năm 2002, khi mới từ nước ngoài về và rủ một cậu em đến bản Dào San trên Phong Thổ, Lai Châu.
Là điểm đến còn hoang sơ, ít người ghé thăm, nơi ấy là chỗ ở của người Mán có tục cạo trọc đầu, chủ yếu là phụ nữ nhưng cũng có một vài nam giới. Lúc ấy trời nhá nhem tối, không nhìn rõ mặt nhau, đường núi đồi lại vắng vẻ heo hút, hai anh em Ngong Hankang mới rủ nhau đi tiểu ở vệ đường.
Bỗng nhiên, lề đường xuất hiện người đàn ông Mán đi chăn bò nhưng cứ ngồi im trên tảng đá. “Cậu em không để ý, cứ tưởng tảng đá đặt tay lên đầu ông ấy để vịn, thấy cựa quậy mà lại trơn trơn nên giật mình, hô hoán, hai anh em sợ hãi bỏ chạy”, phượt thủ nhớ lại.
“Chuyện thú vị mình gặp trên đường thì nhiều lắm, nhưng mỗi lần nhớ đến đều phải tự bật cười là lần gặp ma ở Dào San”. Ảnh: Ngong Hankang |
Chạy được một đoạn thì không may hai anh em dẫm chân phải bãi phân trâu rất rộng, bẩn hết áo quần. Tới khi không chạy được nữa, quay đầu lại thì thấy người đàn ông kia lù lù ở đằng sau giơ tay lên chào, nói ngôn ngữ không phải tiếng Kinh. Hai anh em lại sợ, cắm đầu chạy tiếp.
Sau khi chạy thêm một đoạn thì nghĩ nếu đó là ma thì đã không chào hỏi mình. Thế là họ lấy hết can đảm quay lại, mới vỡ lẽ ông ấy là người Mán, không nói được tiếng Kinh. Sau một hồi ký hiệu bằng tay với nhau, ông ấy còn mời hai anh em phượt thủ về nhà, ăn uống, tắm rửa và ngủ nghỉ qua đêm. “Đó là một kỷ niệm rất vui mà đến giờ mỗi khi nhớ lại mình đều thấy buồn cười”, Ngong HanKang kể.
Nên duyên vợ chồng từ chuyến phượt cùng nhau
Câu chuyện bắt đầu vào năm ngoái, khi nhóm phượt do một phượt thủ nổi tiếng với nickname Quỷ Cốc Tử (tên thật là Ngô Trần Hải An) tổ chức đi mùa nước nổi, gồm 24 xe, 48 người ở khắp nơi, thuộc mọi thành phần khám phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong chuyến đó, có 2 bạn tên Uy và Giang, ban đầu được bố trí hai người khác chở đi nhưng vì một số lý do nên tình cờ hai bạn này đèo nhau. Đến đoạn rừng Trà Sư về Châu Đốc, cặp đôi này không may bị tông xe từ phía sau nên va chạm với một phụ nữ bán cá đi xe đạp. Cá đổ, tung tóe khắp nơi khiến người phụ nữ la lối um sùm khiến trưởng nhóm phượt Quỷ Cốc Tử phải đứng ra xử lý.
“Mình nghĩ đó là mối nhân duyên đẹp, một câu chuyện thú vị và nhân văn trên những cung đường mến yêu của tổ quốc” – trưởng nhóm phượt Quỷ Cốc Tử chia sẻ. Ảnh: Quỷ Cốc Tử |
Thế nhưng, cũng nhờ kỷ niệm này, hai bạn tìm hiểu rồi yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân. Một năm sau ngày xảy ra vụ tai nạn hy hữu trên, họ cùng nhau trở lại cung đường cũ để chụp bộ ảnh cưới của hai người với điểm đến trong hành trình như rừng tràm trà sư, búng bình thiên. Đôi này còn hóa trang thành nông dân về quê chăn gà, chăn vịt… Đến nay, họ vẫn thường xuyên đi phượt và tổ chức hôn lễ trong tháng 2/2015 (Xem thêm chuyện kể về Quỷ Cốc Tử).
Bỏ đoàn, ngủ quên ở suối vì… sợ hổ
Hachi8 (tên thật là Ngô Huy Hòa) là cái tên không còn xa lạ với cộng đồng người yêu xê dịch, anh là tác giả cuốn sách “Bước chân Việt Nam – 4 cực, 1 đỉnh” và từng chia sẻ dự dịnh biến 2015 thành năm leo núi. Đầu năm nay, phượt thủ này đã kịp chinh phủ Pu Si Lung – ngọn núi hiểm trở, nằm ở phía tâybBắc tỉnh Lai Châu.
Do giáp biên giới Trung Quốc, tình hình an ninh phức tạp nên Hachi8 phải xin giấy phép và chịu sự quản lý chặt chẽ của biên phòng nơi đây cho hành trình 9 ngày. Ngày thứ 2, đoàn leo lên ngọn cao nhất vùng biên, hôm ấy ai nấy đều mệt và khi xuống núi thì mặt trời cũng bắt đầu lặn. Bất ngờ nghe thấy tiếng động lớn, gầm gào rất đáng sợ, Hòa hô hoán, giục cả đoàn tăng tốc, quên cả mệt, chạy bán sống bán chết.
Xuống chân núi vào lúc 10h tối và tạm nghỉ ở đoạn một vài người quen đường, cảm giác mệt, đói, khát len lỏi, Hachi8 cầm đèn pin sáng nhất, bỏ đoàn chạy một mạch đến con suối gần đấy, uống no nê rồi ngủ quên tại đó. Mãi sau các thành viên trong đoàn mới phát hiện ra và phải lay lay, anh mới tỉnh lại. Câu chuyện khiến phần lớn thành viên trong đoàn “hết hồn”.
Nơi này từng gắn với câu chuyện vài năm trước có con hổ xổng ra cắn chết người. Giờ nghĩ lại Hachi8 còn thấy sợ, nhưng đó thực sự là câu chuyện thú vị và đáng nhớ. Ảnh: Hachi8 |
Mất ngủ vì sợ… ma ở cực Đông – Mũi Đôi
Có biệt danh “Tuân Cuồng Chân”, Phạm Quang Tuân sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị, nghỉ việc từ tháng 2/2014 và bắt đầu đi phượt từ đó. Mũi Đôi cực Đông Việt Nam là chuyến đi thứ 2 của anh sau khi nghỉ việc, đồng thời cũng là lần khó nhất bởi lúc đó còn non kém kinh nghiệm.
Đêm hôm đó, ra bãi Rạng, cả nhóm cắm trại, ăn đồ nướng ngon lành. Đến tầm 1h sáng thì tan tiệc và đi ngủ. Ánh trăng đêm hôm đó soi rọi trên những căn lều mở me mé để lấy gió thoáng. Tấm che lều bị gió thổi, rung lên từng hồi và phát ra tiếng phành phạch.
Một ý nghĩ rùng rợn khe khẽ len lỏi vào đầu Tuân khi xung quanh nơi ngủ có một vài ly hương, lại cộng thêm chuyện anh biết từng có cô gái bỏ mạng trên đường ra cực Đông.
“Lâu lâu lại có tiếng gì như bước chân ai đi bên ngoài. Mình cố nhắm mắt đếm số, tập trung hơi thở để ngủ nhưng càng làm vậy, lại càng nghe tiếng động rõ hơn”, chàng phượt thủ nhớ lại. Dù không có chuyện gì xảy ra và cũng chẳng có hồn ma nào thực sự hiện lên, đêm mất ngủ ấy vẫn rất đáng nhớ với anh.
“Dù mệt đến cỡ nào, khi nhìn thấy cảnh ở đó, mọi mệt mỏi đều tan biến, sáng ra nhảy ghềnh đá mình vẫn ‘phi’ như phim kiếm hiệp…” – Tuân tâm sự. Ảnh: Phuoc Nguyen |
Những câu chuyện thú vị của các phượt thủ ở nước ngoài
Lê Thương
Nguồn: Vnexpress.net