Dù HDV dặn ra sân bay sớm, một nữ du khách vẫn đủng đỉnh theo thói quen, dẫn đến lỡ chuyến bay cùng cả đoàn khi đi tour ngày lễ.
Tốt nghiệp khoa Du lịch của trường Đại học Văn Hiến từ năm 2005, Nguyễn Nhật Trình, 36 tuổi, trở thành hướng dẫn viên (HDV) và hiện công tác tại công ty Vietravel. Dưới đây là chia sẻ của anh khi dẫn tour vào dịp lễ Quốc khánh.
Nguyễn Nhật Trình là HDV chuyên các tour nội địa. |
Đợi dưới nắng hơn 4 giờ để vào thăm lăng Bác
Cách đây khoảng 9 năm, tôi đưa một đoàn khách từ TP HCM đi tour ra Bắc. Hành trình kéo dài 4 ngày, qua nhiều điểm đẹp ở Hà Nội, Hạ Long và Ninh Bình. Thành viên trong đoàn khiến tôi nhớ nhất là một cụ bà 90 tuổi, nhà ở miền Tây, đi cùng người thân.
Lo mất giấy tờ tuỳ thân, cụ không mang theo chứng minh nhân dân bản gốc mà chỉ có bản sao in to trên một tờ giấy A4. Lúc ở cửa an ninh, cụ bị giữ lại. Tôi sau đó phải đến trình bày và xin phép nhân viên an ninh cho trường hợp đặc biệt này. Sau khi nghe mong muốn được một lần thăm lăng Bác của hành khách sắp “gần đất xa trời”, an ninh tại sân bay cho phép cụ lên máy bay với điều kiện người nhà ở quê phải gửi giấy tờ ra Hà Nội thì cụ mới có thể bay về.
Đây là trường hợp duy nhất không mang giấy tờ khi đi tour tôi gặp phải trong suốt những năm làm nghề. Nhưng vì có người thân đi theo nên trường hợp của cụ mới được giải quyết.
Dịp 2/9 năm đó, tiết trời thủ đô vẫn còn oi bức. Ngoài lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng dài khách xếp hàng từ cổng trên đường Ngọc Hà. Chúng tôi đi từ cổng Hùng Vương, ít đông đúc hơn cổng Ngọc Hà, nhưng nhiều người trong đoàn tỏ ý muốn bỏ cuộc khi xếp hàng từ 8h sáng mà đến hơn 11h vẫn chưa được vào lăng.
Khi tôi bắt đầu trấn an và kể mọi người nghe nguyện vọng cuối đời của cụ bà miền Tây, cả đoàn dần lấy lại kiên nhẫn. Trời ngày càng nắng và nóng. Hơn 12h trưa, chúng tôi mới vào được lăng.
Đến bây giờ, mỗi lần có dịp ra thủ đô, tôi đều nhớ lại câu chuyện này và tự nhủ rằng, ngoài kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp, HDV còn phải biết đem lại những kỷ niệm đẹp nhất cho du khách của mình.
Xem thêm: Những lầm tưởng của du khách về nghề hướng dẫn viên
Khách bị lỡ chuyến
Cách đây vài năm, vào đúng dịp lễ 2/9, tôi cũng đưa một đoàn khách đi Hà Nội từ TP HCM. Biết trước tình trạng đông đúc tại sân bay, tôi đã dặn khách đến sớm 2 giờ để làm các thủ tục. Tuy nhiên, ngày khởi hành, một người đã không thực hiện. Đó là nữ du khách sống ở TP HCM và đã đi máy bay nhiều lần. Cô cho rằng mình chỉ cần đến sân bay trước khoảng một tiếng là có thể hoàn tất các thủ tục bay nội địa.
Theo lịch bay vào 6h sáng, cả đoàn có mặt từ 4h và hoàn tất việc check-in cũng như gửi hành lý. Nữ du khách đến trước giờ bay 40 phút, lúc cả đoàn đang chuẩn bị lên máy bay. Trước đó, khi nhận thấy một người bị trễ, tôi đã xin quầy check-in và được họ cho xuất boarding-pass (thẻ lên máy bay).
Khi đến nơi, nữ du khách chẳng những không phối hợp để có thể ra máy bay ngay, mà còn lớn tiếng khi hãng đã đóng quầy và không cho gửi hành lý. Cô còn phàn nàn với hãng rằng mình đến như mọi lần nhưng vì sao lại trễ được. Sau một hồi qua lại, hãng không cho nữ du khách lên máy bay cùng đoàn mà ở lại, bay chuyến tiếp theo.
Kể từ lần đó, tôi luôn dặn du khách thật kỹ, kể cả người đã đi máy bay nhiều lần, rằng vào các dịp lễ hay Tết, sân bay đều trong tình trạng đông đúc, thậm chí quá tải. Để chuyến đi diễn ra suôn sẻ, du khách phải đến đúng giờ, thậm chí đến sớm theo hướng dẫn của HDV.
Tình trạng quá tải còn diễn ra tại các điểm du lịch nổi tiếng vào dịp lễ, Tết. Khách phải xếp hàng đợi vào cửa, lên cáp treo hay được phục vụ trong nhà hàng. Vì vậy, khi đi tour, tôi hay linh động điều chỉnh lịch trình tham quan sớm hoặc trễ hơn.
Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng hiểu được chuyện này. Vài khách sẽ khó chịu khi họ phải dậy sớm hơn một chút, hoặc sợ đi muộn sẽ không đủ thời gian để thăm thú. Nhưng thực tế, chúng tôi luôn muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho khách khi đi tour. Khi thấy khách đợi hàng giờ dưới trời nắng hay bụng đói mà bữa ăn vẫn chưa ra bàn, chúng tôi cảm thấy xấu hổ vì không có cách nào giúp ngay lúc đó.
Phong Vinh ghi
Nguồn: Vnexpress.net