Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên, phần lớn diện tích của những khu rừng dưới đây có thể sẽ biến mất trong 15 năm nữa nếu các tổ chức không có hành động cứu vớt kịp thời.
Rừng mưa Congo, châu Phi: Đây là một trong những khu vực hoang dã quan trọng, chiếm 20% diện tích rừng nhiệt đới thế giới với sự đa dạng sinh học cao nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, hoạt động khai thác gỗ và canh tác đang phá hủy nhiều vùng rừng rộng lớn. Ảnh: World Wild Life.
Rừng Borneo, Đông Nam Á: Dự đoán tới năm 2030, diện tích khu rừng nhiệt đới này sẽ chỉ còn 33%. Các vụ cháy rừng bắt nguồn từ nhu cầu lập đồn điền dầu cọ của cư dân địa phương. Cùng với việc phá rừng, mùa El Nino (hiện tượng nước biển nóng lên) khô bất thường khiến diện tích rừng bị mất hàng năm ngày càng lớn hơn. Ảnh: Shutterstock.
Cerrado, Brazil: Khu vực cao nguyên này của Brazil dù không nổi tiếng như Amazon, cũng đang bị đe dọa bởi việc chuyển đổi thành đồn điền đậu nành. Với diện tích che phủ tự nhiên đã giảm hơn 150.000 km2, nơi đây đang biến mất nhanh hơn Amazon gần 4 lần. Ảnh: Earth Time.
Rừng Đông Phi, Châu Phi: Phần lớn khu vực đã bị khai thác quá mức (đối với gỗ và củi) hoặc chuyển đổi trái phép để chăn nuôi và trồng hoa màu. Hiện nay, các khu rừng ven biển Tanzania và Kenya đã giảm xuống còn 10% diện tích ban đầu. Ảnh: Shutterstock.
Rừng Choco – Darien: Các khu rừng chạy dọc theo bờ biển phía tây bắc của Thái Bình Dương đang phải đối mặt với áp lực từ đường xá, đường dây điện, việc khai thác và thăm dò dầu khí. Hầu hết, phá rừng xảy ra ở Ecuador, tuy nhiên các khu vực của Panama và Colombia đang ngày càng bị đe dọa. Ảnh: Adrian.
Rừng Atlantic, Brazil: Khu vực này là một trong những cánh rừng nhiệt đới có độ đa dạng sinh học bậc nhất thế giới. Mặc dù vậy, nơi đây đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc chuyển đổi sang đất trồng trọt và đồng cỏ. Diện tích rừng bị mất trong năm 2016 không chỉ tăng gấp đôi so với năm trước, mà còn là mức lớn nhất trong suốt một thập kỷ qua. Ảnh: Vitormarigo.
Rừng ôn đới Đông Australia: Nạn phá rừng ở Queensland và New South Wales đang có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc tạo đồng cỏ để chăn nuôi. Điều này gây tác động xấu tới môi trường của nhiều loài động vật sinh sống chính ở đây như gấu Koala, chồn Opussum, sóc bay và các loài chim sống dựa vào cây. Ảnh: Shutterstock.