Khoảnh khắc nhiếp ảnh gia lạc giữa bầy cá mập

0
10
Dòng hải lưu đẩy nguồn thức ăn dồi dào dưới đáy lên mặt biển Galapagos như một bữa tiệc thịnh soạn, thu hút vô số loài động vật tới kiếm ăn. Ảnh: St George Underwater Centre.

Cristina vừa sợ hãi khi đàn cá mập bơi xung quanh mình, vừa lo lắng sẽ bị lạc giữa đại dương ở quần đảo Galapagos.

Cristina Mittermeier, đến từ Mexico, là một nhà sinh học biển dành hơn 20 năm để chụp ảnh về thế giới đại dương. Hiện Cristina có hơn 1,1 triệu người theo dõi trên Instagram, nơi cô chia sẻ những hành trình của mình từ Greenland đến Rwanda.

Trong chuyến đi gần nhất tới quần đảo Galapagos (Ecuador), Cristina choáng ngợp trước thế giới hoang dã nơi đây. “Quần đảo Galapagos vốn là một khu bảo tồn hải dương học từ năm 1998, mọi thứ đều ở đó như lẽ tự nhiên. Trong khi ở các chỗ khác, chúng tôi phải rất nỗ lực mới có thể tìm thấy cá hay rùa biển”, cô nói.

Cristina và bạn trai, nhiếp ảnh gia Paul Nicklen, muốn lặn quanh Wolf và Darwin, hai đảo xa xôi nhất của Galapagos và chỉ nhỏ như hai hạt cát giữa đại dương. Vùng biển tại đây khá nguy hiểm để lặn, với sóng lớn. 

Dòng hải lưu đẩy nguồn thức ăn dồi dào dưới đáy lên mặt biển Galapagos như một bữa tiệc thịnh soạn, thu hút vô số loài động vật tới kiếm ăn. Ảnh: St George Underwater Centre.

Dòng hải lưu đẩy nguồn thức ăn dồi dào dưới đáy lên mặt biển Galapagos như một bữa tiệc thịnh soạn, thu hút vô số loài động vật tới kiếm ăn. Ảnh: St George Underwater Centre.

Ngày Cristina và Paul đi lặn, biển dữ dội với những con sóng xô ầm ầm vào bờ đá, nước sủi bọt trắng xóa như thể họ đang bơi trong một bể sữa. Khi đang bơi, Cristina đột nhiên ngoảnh lại và thấy một đàn cá vẩu lao đến với những cái miệng rộng mở. Cô quyết định bơi về phía sau để chụp ảnh, nhưng bị lạc giữa hàng trăm con cá và không thể tìm thấy Paul khi thoát khỏi đó. Cristina nghe thấy tiếng chuông của thầy hướng dẫn lặn, nhưng không thể nhìn thấy gì.

Với bình dưỡng khí còn một nửa, Cristina quyết định tiếp tục bơi. Khi đang thả nổi, cô thoáng thấy thứ gì đó nhưng không chắc có phải là cá hay không. Những hình khối dần rõ ràng hơn, và cô nhận ra đó là một đàn cá mập đầu búa.

“Thật lòng, tôi hơi sợ nhưng nghĩ rằng mình đang ở đúng nơi, đúng thời điểm và điều gì đó tuyệt vời sắp xảy đến. Nhưng tôi lo lắng không biết bình oxy còn bao nhiêu, sợi dây bảo hộ gắn vào người mình còn dài tới mức nào”, cô nói. 

Đó cũng là khoảnh khắc Cristina nhớ rằng mình là một nhiếp ảnh gia, và không thể đăng tải những bức hình kém chất lượng kèm lời giải thích. Cô nhanh chóng chỉnh sửa các thông số chụp và bấm máy trước khi đàn cá mập bơi đi mất. 

Khoảnh khắc hiếm có lọt vào khung hình. Ảnh: Cristina Mittermeier.

Khoảnh khắc hiếm có lọt vào khung hình của nữ nhiếp ảnh gia. Ảnh: Cristina Mittermeier.

Dù sở hữu nhiều tác phẩm được đánh giá cao, bản thân Cristina chưa từng đặt mục tiêu trở thành nhiếp ảnh gia về thế giới hoang dã, hay thậm chí có những kiệt tác đạt giải. Nhưng khi có vài bức ảnh tự chụp được trưng bày tại một triển lãm của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Houston (Mỹ), Cristina bắt đầu thấy lối đi cho mình bên cạnh nghiên cứu về biển.

Nhìn phản ứng của khách tham quan, cô nhận ra không phải ai cũng có đủ kiến thức về khoa học hay sinh học như chuyên gia để thảo luận về những chủ đề khó nhằn. Nhưng mọi người đều mang bên mình những thiết bị để chụp ảnh – thứ giúp người ta dễ dàng mở đầu một câu chuyện hơn. Đó là lý do cô quyết định lưu lại những hình ảnh về thế giới tự nhiên trong các chuyến thám hiểm hoang dã của mình.

Cristina lặn sâu xuống đáy biển để tránh những con sóng dữ dội của vùng biển Hawaii. Ảnh: Paul Nicklen.

Cristina lặn sâu xuống đáy biển để tránh những con sóng dữ dội của vùng biển Hawaii, Mỹ. Ảnh: Paul Nicklen.

Cristina cho rằng kỹ năng cần thiết nhất cho công việc của mình là phải hoạt động thoải mái dưới nước, vì cô không được phép chết đuối hay lạc ngoài biển. Một khi đặt mắt vào kính ngắm, như khi cô chụp ảnh đàn cá vẩu, người chụp ảnh hoàn toàn có thể quên mất mình đang ở đâu hay làm gì. Trong trường hợp của Cristina, chỉ một phút sau khi chụp ảnh, cô đã lạc mất bạn đồng hành.

“Chụp ảnh dưới nước đòi hỏi người cầm máy phải thực hiện nhiều việc: bạn phải nghĩ về độ phơi sáng, ánh sáng tự nhiên, đèn strobe; và đồng thời chú ý làm sao để không bị chìm. Vì vậy, bạn phải trở thành một người bơi lặn giỏi trước khi cầm máy dưới nước”, Cristina nói. Cô khẳng định không cần tới máy móc quá hiện đại để chụp một tấm ảnh nghệ thuật. Người chụp chỉ cần hiểu rõ và tận dụng tối đa công cụ sẵn có trong tay.

Chân dung 2 nhiếp ảnh gia được National Geographic vinh danh
 
 

Chân dung 2 nhiếp ảnh gia được National Geographic vinh danh

Cristina Mittermeier và Paul Nicklen được National Geographic vinh danh là Nhà thám hiểm hàng đầu năm 2018. Video: Paul Nicklen.

Bảo Ngọc (Theo Condé Nast Traveler)

Nguồn: Vnexpress.net