Chùa Wat Phnô Om Pun, thường gọi chùa Long Trường, tại ấp Long Trường, xã Tân Hiệp
Trà Cú có khoảng 95 di tích, trong đó di tích khảo cổ là 6, di tích lịch sử cách mạng là 21 di tích, di tích kiến trúc nghệ thuật là 68 và nhiều thắng cảnh đẹp.
Đây là tiền đề quan trọng để có những chiến lược thúc đẩy du lịch phát triển cho tỉnh Trà Vinh.
Vẻ trầm mạc của những ngôi chùa Khmer cổ kính
Trà Cú có đến 37 ngôi chùa Khmer. Trong số ấy có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, kiến trúc độc đáo.
Chùa Trôprasbat, còn gọi là chùa Chông Bát, ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp được xây dựng năm 1646, cách nay 373 năm với vẻ đẹp nghệ thuật kiến trúc – trang trí độc đáo
Chùa Long Hiệp thuộc xã Long Hiệp
Chùa Sóc Ruộng ở xã Tân Hiệp
Tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An, Chùa Phnô Đôn (thường gọi là chùa Cò) được xây dựng năm 1677. Ngoài nghệ thuật kiến trúc – trang trí độc đáo, tiêu biểu cho tinh hoa kiến trúc của người Khmer, Chùa Cò còn là nơi trú ngụ của khoảng 10 vạn con cò và chim. Cò trắng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cồng cộc, vạc… về đậu trên những cây cổ thụ cao như cây sao, cây sầu đâu, cây dầu… trong chùa. Đây được xem là “sân chim” lớn nhất ở tỉnh Trà Vinh.
Chùa Vàm Rây (chùa Phật Nằm) thuộc ấp Vàm Rây, xã Hàm Tân, đã xây dựng hơn 600 năm. Chùa mang nét cổ kính truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ. Hiện nay chùa được xem là một trong những ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất trong các ngôi chùa của người Khmer.
Không chỉ nổi bật bởi kiến trúc độc đáo mà còn nổi bật bởi tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 54m, cao 20m, ngang 16m được sơn phủ sơn son thiếp vàng.
Nơi lưu dấu văn hóa Óc Eo
Phế tích kiến trúc Lưu Cừ II là một phế tích kiến trúc tôn giáo Bà La Môn, thuộc Văn hóa Óc Eo, được xây dựng vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên và tồn tại trong một thời gian dài của Vương quốc Phù Nam. Di chỉ được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986.
Năm 1990, phế tích này được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia, loại hình di tích khảo cổ học.
Những món ăn giao thoa văn hóa ẩm thực Việt – Khmer – Hoa
Bánh bầu là món bánh dân gian tại Trà Cú mà ít người biết đến do thất truyền từ lâu, với 2 loại bánh ngọt và bánh mặn, được chế biến từ trái bầu non, bột gạo, tôm (tép), nước cốt dừa, hành lá, bột cà-ri… tại xã Đại An, do nghệ nhân Tải Thúy Diễm chế biến.
Bột nưa chế biến thành từ củ cây nưa, loài cây thân thảo, cho củ, được trồng ở vùng đất giồng cát và đất thịt, chủ yếu ở ấp Vàm xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Cơ sở sản xuất bột nưa Minh Hùng đã đón một số đoàn khách Nhật Bản đến Việt Nam đến tìm hiểu và nghiên cứu.
Ở Trà Cú, bún nước lèo là một đặc sản ẩm thực xuất xứ từ người Khmer, thể hiện rõ nét sự giao thoa trong ẩm thực của ba dân tộc Khmer – Việt – Hoa.
Hiện nay xã Ngọc Biên huyện Trà Cú có 3 ấp Giồng Cao, Sà Vần A và Rạch Bót có 33 hộ làm nghề cốm dẹp. Đây là món ăn truyền thống độc đáo của người Khmer.
Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist (Saigon Tourist Group). Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi Quê hương tôi dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước từ nay đến 15-8. Bài dự thi xin gửi về: antuongvietnam@tuoitre.com.vn.
Xem thêm các bài dự thi tại đây.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn