Khám phá Cardiff – thủ phủ Xứ Wales

0
28
MKvnmGZo.jpg
MKvnmGZo.jpgPhóng to
Khu mua sắm ở Cardiff – Ảnh: Na Hồ

Đến Cardiff vào một ngày giữa tháng mười một, trời nước Anh chưa chuyển hẳn sang mùa đông nhưng đã thấy cái lạnh len qua từng lớp áo khoác. Giống như những nước châu Âu khác, mùa đông nước Anh nhuộm màu vàng rực hoặc đỏ ối của những tán lá cây đang đổi màu. Nhưng Cardiff – thủ phủ Xứ Wales – lại hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh pha trộn nhiều màu, xanh – vàng – đỏ – tía đủ cả.

1. Những ngày đầu mới sang Anh, do chưa quen thuộc mọi thứ nên tôi thường tham gia những chuyến day trip (đi về trong ngày) do trường tổ chức. Cardiff cách thành phố tôi ở khoảng hai giờ rưỡi ôtô về phía tây bắc. Chuyến đi bắt đầu từ 8g30 nhưng khắp nơi bầu trời vẫn còn âm u, đúng như cái tên “đảo quốc sương mù” mọi người vẫn dành cho nước Anh.

Ôtô đi qua những con đường liên tỉnh vừa nhỏ vừa quanh co, xung quanh chỉ có cây cối xanh mướt nên chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi sau khi được người phụ trách phát bản đồ thành phố và dặn dò giờ đi về.

Gần trưa, Cardiff dần hiện ra cùng những dãy nhà với kiến trúc Gothic đặc trưng của Anh. Giữa không gian xám xịt của sương mù bắt đầu loãng ra mà chưa có lấy một giọt nắng, màu sắc mấy ngôi nhà ở phố mua sắm như những đốm lửa nhỏ ấm áp.

Có nhiều đường dẫn đến vịnh và lâu đài Cardiff nhưng tôi chọn cách đi bộ dọc dòng sông Taff để tranh thủ chiêm ngưỡng sân vận động thành phố trên đường đi. Bên kia bờ sông, đằng sau những cây khô trụi lá, là dãy nhà ba tầng mái ngói, tường ốp bằng gạch nung màu đỏ đều tăm tắp.

Nếu như có một dàn đồng ca phía bên ngoài, và bên trong nhà là không khí gia đình ấm áp quây quần bên con gà tây nướng béo ngậy, thì đây hẳn là cảnh được dựng trong những bộ phim hoạt hình tôi đã được xem về ngày Giáng sinh.

Bên này sông là sân vận động thiên niên kỷ, một trong những khu liên hợp thể thao lớn và hiện đại nhất châu Âu. Đây cũng là nơi góp phần quan trọng vào thành công của Olympic 2012 được tổ chức tại Anh. Tôi mải mê ngắm những phiến đá chạm khắc đơn giản nhưng rất cẩn thận thông tin và lịch sử của sân vận động bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Cardiff.

teYzRtv7.jpgPhóng to
Dãy nhà bên dòng sông Taff
VeXEyxPo.jpgPhóng to
Con đường lá vàng ở Cardiff – Ảnh: Na Hồ

2. Với tôi, ngôn ngữ Cardiff hết sức lạ lẫm và đầy thú vị. Dù người dân nơi đây nói tiếng Anh bình thường, nhưng tiếng địa phương Cardiff vẫn song song tồn tại. Lần đầu tiên nhìn thấy chữ Cardiff ghi trên những tấm biển hướng dẫn tôi đã rất ngạc nhiên, không thể diễn tả nó giống với tiếng nước nào. Nhiều chữ có khoảng bốn đến năm phụ âm đứng cạnh nhau, có cố gắng trẹo cả hàm vẫn không biết đọc cách nào cho đúng.

Chúng tôi đi dọc bờ sông, thỉnh thoảng lại ghé vào đọc những bảng giới thiệu khắc chìm trên đá, treo trên tường bên ngoài sân vận động. Trên mỗi góc bảng đá đều có chạm hình một con rồng đỏ – biểu tượng “red dragon” của thành phố. Ngoài ra, trên các dây néo của sân vận động cũng có những biểu tượng rồng bằng thép mạ chống gỉ.

Biểu tượng của Cardiff là hình con rồng với hai chân sau đứng dưới đất, hai chân trước giơ lên trời như một chú ngựa đang tung vó. Có lẽ vì đây là một thành phố nổi tiếng với ngành công nghiệp thép nên những biểu tượng trên dây néo thép đều được làm chắc chắn, cắt gọt tỉ mỉ từng góc nhỏ của sợi râu hoặc đôi cánh.

“Rồng đỏ” kiêu hãnh vươn cổ lên trời như một niềm tự hào đến từng ánh mắt và lời nói của người dân nơi đây mỗi khi nhắc tới.

Đi hết khu sân vận động, con đường dẫn đến vịnh Cardiff và khu bảo tàng Xứ Wales nổi tiếng của thành phố như một tấm thảm trải bởi lá vàng. Phía ngoài là đường lớn dành cho ôtô và xe máy, không có vỉa hè cho người đi bộ. Cả hàng cây dài thẳng tăm tắp chỉ còn thưa thớt lá trên cành.

Cũng như các thành phố khác, từ đầu tháng 10 lá cây ở Cardiff bắt đầu chuyển màu, khi chúng tôi tới đây cả bãi cỏ xanh mướt đã phủ đầy lá vàng. Nhưng chỉ khoảng nửa tháng sau, cây cối khắp nơi sẽ chỉ còn những cành khẳng khiu trước những cơn gió hoặc tuyết mùa đông.

Buổi trưa mới có những tia nắng nhẹ làm tan lớp sương mờ, đọng lại trên giày sau mỗi bước đi. Vài cơn gió thoảng qua lại làm cả hàng cây xào xạc, những chiếc lá vàng rơi xuống trên tóc, vai áo.

PXaamTRT.jpgPhóng to
Khu bảo tàng Xứ Wales – Ảnh: Na Hồ
HwgM5KWo.jpgPhóng to
Thư viện Cardiff – tiếng Anh và tiếng địa phương – Ảnh: Na Hồ

3. Vịnh Cardiff, trước đây gọi là Tiger, không chỉ là công trình phát triển nhất châu Âu mà còn đóng vai trò quan trọng đối với thủ phủ Xứ Wales. Đây cũng là cộng động đa sắc tộc lớn nhất Xứ Wales do sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp và hàng hải, thu hút nhiều thủy thủ và công nhân tới sinh sống và làm việc.

Cùng với sự phát triển du lịch của Cardiff nói riêng và các vùng nước Anh nói chung, ngày nay có nhiều tour du lịch bằng tàu thủy, xuất phát từ Marmaid Quay cung cấp cho du khách những hiểu biết chung về lịch sử và những điểm đến du lịch của thành phố này.

Chúng tôi ăn trưa bên bờ vịnh, thấy phía chân trời bên kia những dãy nhà đồng đều, san sát nhau. Dù đã có nắng nhưng gió từ ngoài thổi vào bờ vẫn lạnh cắt da, khiến tôi phải co người lại trong lớp áo dày.

Gần vịnh Cardiff là khu bảo tàng Xứ Wales được xây dựng một cách đặc biệt ở khu đất trước đây dự kiến dành cho nhà hát opera, nhưng do không đủ kinh phí nên đã thay đổi mục đích. Phía bên trong tòa nhà là quần thể bảo tàng, quán bar, nhà hàng và khu mua sắm hiện đại bậc nhất Cardiff. Phía bên ngoài là kiến trúc độc đáo bởi sự kết hợp giữa những phiến đá và nhiều mảng kim loại màu đồng đặc trưng.

Mỗi chữ trên tấm bảng khổng lồ bằng đồng phía ngoài tưởng như được khắc chìm vào trong, nhưng lại là các ô kính của những nhà hàng, quán bar bên trong. Buổi tối, ánh đèn từ những nhà hàng và cửa hiệu bên trong hắt ra, làm nổi bật lên hàng chữ “In these stone horizons sing” bằng tiếng Anh và tiếng Cardiff, càng làm tăng vẻ lung linh cho điểm đến du lịch này.

Theo hai trang hướng dẫn du lịch nổi tiếng là Tripadvisor và Lonely planet, đã đến với Cardiff thì không thể bỏ qua Wales Millenium Center. Tôi đã được đi loanh quanh, ngắm nhìn những hiện vật, đọc giới thiệu về lịch sử, quá trình phát triển của riêng Cardiff và cả Xứ Wales. Thích nhất là được ngó nghiêng ở khu mua sắm cũng như bất ngờ trước sự đa dạng của hàng hóa ở đây.

Q01MIBa5.jpgPhóng to
Một góc vịnh Cardiff – Ảnh: Na Hồ
GKyVoKxS.jpgPhóng to
Lâu đài Cardiff – Ảnh: Na Hồ

4. Chúng tôi đến lâu đài Cardiff, một trong những địa điểm thu hút du khách của thành phố, bằng xe buýt. Trong khi tôi đang lơ ngơ không biết chọn xe nào giữa gần chục tuyến buýt chằng chịt thì được một đôi vợ chồng già người địa phương giúp đỡ. Chỉ có người phụ nữ nói được tiếng Anh, vừa hướng dẫn chúng tôi đi xe tới lâu đài bà vừa trao đổi với chồng bằng tiếng địa phương, giọng nói ấm áp và tình cảm.

Vừa lúc xe tới, chúng tôi chỉ kịp nói câu cảm ơn trước khi nhìn nụ cười phúc hậu của họ trôi lại phía ngoài cửa xe.

Đến lâu đài đúng lúc chính quyền địa phương tổ chức tu sửa lại khu lịch sử này nên có một số khu vực bên trong du khách không được vào tham quan. Tôi xếp hàng theo đoàn du khách nhích từng bước, gần 20 phút sau mới bắt đầu được leo những bậc thang lên đỉnh pháo đài. Ở chiếu nghỉ các bậc thang, ghé mắt nhìn qua khe thông gió có thể thấy những mái nhà Gothic phía ngoài.

Từ trên cao nhìn ra xung quanh, thấy phía xa xa là những hàng cây vàng rực hoặc đỏ ối, đang rụng lá chuẩn bị mùa đông, gần hơn là bức tường thành được xây bằng đá, ngăn cách bên trong và bên ngoài. Trải qua bao nhiêu năm lịch sử, có lẽ do được giữ gìn và tu sửa thường xuyên nên pháo đài Cardiff vẫn giữ được nét kiên cố và uy nghiêm.

Nơi cuối cùng tôi đến là khu bảo tàng nằm trong quần thể lâu đài Cardiff. Nơi đây còn lưu lại dấu tích của cuộc sống ngày xưa, với cách bài trí các phòng cầu kỳ và rèm cửa khổ lớn, bằng nhung sang trọng. Tôi đặc biệt ấn tượng với thư viện của khu bảo tàng, được bài trí đơn giản với những kệ sách bằng gỗ với hàng loạt sách lịch sử về thành phố được đóng bìa da cẩn thận và mạ chữ vàng ngoài bìa.

Chỉ khi ngước lên nhìn trần nhà, tôi mới giật mình bởi sự cầu kỳ và xa hoa được thể hiện trên những mái vòm. Từng khối gỗ lớn được sơn màu và chạm khắc tinh xảo ghép lại với nhau, cao tới trần, phía trên cùng là hình bông hoa nằm giữa khối đa giác mà tôi cũng không hiểu được ý nghĩa.

r7jKQ8kh.jpgPhóng to
Khu bảo tàng của lâu đài Cardiff – Ảnh: Na Hồ
6ePOLHPk.jpgPhóng to
Sách cổ về lịch sử thành phố Cardiff – Ảnh: Na Hồ
S7q0ZDWZ.jpgPhóng to
Mái vòm khu bảo tàng Cardiff – Ảnh: Na Hồ

Tôi đi về bằng con đường nhỏ xuyên qua công viên, nơi có đủ các loại cây lá đang chuyển màu như một bức tranh đẹp với đủ sắc xanh, đỏ, tím, vàng… Và cứ lưu luyến mãi những con đường có màu vàng của nắng với những góc hiện vật gợi ra cả một khung cảnh cổ xưa đi suốt chiều dài lịch sử phát triển của thủ phủ Xứ Wales này.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn