Anh Việt Chương có hành trình chinh phục hang động lớn nhất thế giới trong 5 ngày 4 đêm hồi tháng 3.
Bắt đầu đam mê du lịch từ năm 2016, đến nay, Việt Chương đã đi qua gần chục quốc gia và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đối với chàng trai đến từ Cần Thơ, hành trình chinh phục hang Sơn Đoòng hồi tháng 3 là “kỷ niệm không thể nào quên được”.
Anh Chương kể, ngay khi biết tin có cơ hội khám phá hang động lớn nhất thế giới, anh bắt đầu tập luyện các bài đơn giản để tăng sức khỏe trước ngày khởi hành 2 tháng. “Đoàn chúng tôi có tổng cộng 38 người, gồm 10 du khách, 28 nhân viên là porter, hướng dẫn viên… Mỗi ngày đối với chúng tôi đều là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Chúng tôi vượt qua đồi cát, lội suối, leo vách đá hay băng rừng”, anh Chương nhớ lại.
Ngày đầu tiên của đoàn bắt đầu từ sáng sớm. Từ 7h, anh Chương cùng các thành viên đi bộ khoảng 3 km để đến bản của người dân tộc. Theo anh, nơi đây hiện chỉ có 9 hộ dân sinh sống. Đoàn đi qua nhiều con suối để đến miệng Hang Én lúc 16h.
“Ở hang có rất nhiều én, kêu liên tục. Lúc này, tôi cảm giác mình đang không ở ‘thế giới đời thực’. Én bay dập dìu, có lúc chất thải của én còn rơi xuống đầu hay ly cà phê của vài thành viên trong đoàn. Mỗi lúc như thế chúng tôi lại phá lên cười”, anh kể.
Anh Việt Chương trong Sơn Đoòng. Ảnh: NVCC. |
Cả đoàn đến miệng hang Sơn Đoòng vào xế chiều ngày thứ hai sau khi lội qua những con suối nước cao tới ngực, leo qua một dốc núi cao. Từ miệng hang đi xuống hang khoảng 90 m. Khách phải leo qua một dốc đá, mỗi lần chỉ có một người leo và mất khoảng 15 phút. Anh Chương cho hay, ở đoạn này, các nhân viên hỗ trợ kỹ thuật phải làm việc tất bật để kiểm tra, hướng dẫn an toàn cho các thành viên. Từng chốt đều có người đứng canh, tổng cộng 3 chốt.
Theo nam du khách, ngoài những lúc phải bước đi “như người mẫu” để len lỏi qua lối hẹp hay băng qua bãi bùn, khó khăn nhất là lúc leo qua “bức tường Việt Nam” trong ngày thứ tư của hành trình. “Chúng tôi được chuẩn bị kỹ hơn trước khi chinh phục thử thách này. Các nhân viên trang bị cho cả đoàn nhiều thiết bị bảo hộ hơn ba ngày trước đó”. Mỗi người phải leo lên một thang dây cao 25 m. Ngay khi tới điểm dừng, du khách phải tiếp tục lấy tinh thần để leo tiếp 65 m bằng dây thừng.
“Cảm giác lúc đó rất khó tả. Nhìn từ dưới lên thì không có gì quá đáng sợ nhưng lúc đã ở trên thang, bạn không có bất kỳ điểm tựa nào. Nếu tinh thần và sức khỏe không đủ, bất kỳ ai cũng có thể gặp nguy hiểm”, chàng trai kể.
Du khách phải đảm bảo thể lực và tinh thần thật tốt để có thể hoàn thành các thử thách trên từng chặng đường. Ảnh: NVCC. |
Mỗi ngày, cả đoàn thức dậy từ 6h sáng, thu dọn lều và vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Bữa ăn của các thành viên trong đoàn đều được các porter chuẩn bị nhanh chóng. “Họ sẽ hỏi bạn muốn ăn gì, mì gói hay phở. Nguyên liệu được dùng nhiều nhất cho các món là thịt bò, có cả bánh crepe (bánh kếp) ăn cùng chocolate và mật ong. Món tôi thấy ngon nhất là gà nướng chấm chéo, đặc sản của tỉnh Quảng Bình”.
Việc tắm gội diễn ra tại con suối ở các điểm cắm trại, du khách không được mang theo dầu gội thông thường. Ngay cả lúc tắm, các thành viên cũng phải mặc đồ bảo hộ, khi nào cũng có đèn trên đầu vì không gian tối đen như mực. Việc tắm rửa chỉ phần nào làm cơ thể bớt bụi bẩn và hết nhờn mồ hôi.
Đặc biệt, các porter còn mang theo cả nhà vệ sinh từ bên ngoài vào hang. “Nhà vệ sinh được che chắn bởi những tấm bạt. Sau khi đi xong, bạn sẽ dùng trấu để lấp vào. Chất thải được gói lại cẩn thận và theo porter mang ra ngoài. Chúng tôi không để lại bất cứ thứ gì”, anh nói.
Nam du khách cho hay, anh còn nhớ mãi những điều diệu kỳ bên trong hang Sơn Đoòng. “Lúc nào, chúng tôi cũng phải sử dụng đèn để đi bên trong hang nhưng tại các điểm cắm trại hay hố sụt luôn có ánh sáng. Thứ ánh sáng lấp lánh mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho những kẻ lữ hành”, anh Chương bồi hồi nói.
Các điểm check-in có ánh sáng tự nhiên được đặt tên ngộ nghĩnh như Birthday Cake (bánh sinh nhật), Wedding Cake (bánh cưới)… |
Đối với chàng trai Cần Thơ, những porter đi theo đoàn cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Họ đều là người địa phương, có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Không chỉ có trách nhiệm với thiên nhiên, họ luôn nhắc khách bảo vệ môi trường tự nhiên.
“Tôi vẫn nhớ một bạn tên Hiếu, nhỏ tuổi nhưng tiếng Anh rất tốt. Hiếu và đồng nghiệp luôn hỏi han, quan tâm đến các thành viên trong đoàn. Họ sắp xếp lối đi cho chúng tôi trong hang. Lúc nào cũng phải đi đúng lộ trình đã vạch ra, để không ảnh hưởng đến hang và bảo đảm sự an toàn của du khách. Khi đoàn có một ai đó làm sai, họ lập tức nhắc nhở ngay”.
Nam du khách cho rằng bản thân đã rất may mắn khi là một trong số ít người trên thế giới có cơ hội khám phá hang Sơn Đoòng. “Tôi vẫn không thể tin được Việt Nam lại có một nơi tuyệt vời đến vậy. Tôi tin rằng, bản thân sẽ không bao giờ quên được cảm giác bước đi trong lòng đất”, anh Chương chia sẻ.
Nguồn: Vnexpress.net