Khách Việt đau đầu với tour Hàn Quốc

0
10
Ngọc Diệp đã đi gần hết các nước ở châu Á. Cô cho biết muốn đợi dịch bệnh được kiểm soát rồi mới đi du lịch tiếp. Trên ảnh là Ngọc Diệp trong chuyến tới Hàn Quốc hồi tháng 9/2019. Ảnh: Ngọc Diệp.

Trước ngày lên đường, Ngọc Diệp quyết định hủy chuyến du lịch Hàn Quốc và chấp nhận mất 18 triệu tiền vé máy bay.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Hàn Quốc, nhiều du khách Việt đang đau đầu giữa hai lựa chọn: Đi hay hủy tour đến xứ sở kim chi?

Thảo Nguyên, 22 tuổi cùng chồng mới cưới đã lên kế hoạch chi tiết cho chuyến du lịch Hàn Quốc đầu tháng 3. Cô đang phân vân hủy chuyến bởi mua vé giá rẻ, nếu không đi sẽ không được hoàn tiền.

Khách sạn cô đặt cũng trong tình trạng tương tự vì không áp dụng chính sách hủy miễn phí, nên có thể mất toàn bộ số tiền đã đặt trước. “Vợ chồng tôi đã chi gần 40 triệu cho chuyến đi, mãi mới xin được visa. Vì vậy, đi thì sợ mà hủy thì tiếc”, Nguyên nói.

Đặt câu hỏi trên các diễn đàn du lịch, Nguyên nhận được phần lớn lời khuyên là hủy chuyến. Họ hướng dẫn cô gửi mail lên trang web đặt phòng trình bày lý do hủy để có thể nhận được sự hỗ trợ. Ngoài ra, có người “mách nước” Nguyên thay vì bỏ hai vé máy bay khứ hồi, cô nên mất phí để chuyển ngày bay đến cuối năm.

Ngọc Diệp đã đi gần hết các nước ở châu Á. Cô cho biết muốn đợi dịch bệnh được kiểm soát rồi mới đi du lịch tiếp. Trên ảnh là Ngọc Diệp trong chuyến tới Hàn Quốc hồi tháng 9/2019. Ảnh: Ngọc Diệp.

Ngọc Diệp đã đi gần hết các nước ở châu Á. Cô cho biết muốn đợi dịch bệnh được kiểm soát mới tính tiếp. Trên ảnh, Ngọc Diệp trong chuyến tới Hàn Quốc hồi tháng 9/2019. Ảnh: Ngọc Diệp.

Khác với Nguyên, Ngọc Diệp, 26 tuổi sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội quyết định dứt khoát hơn. Cuối tháng 12 năm ngoái, Diệp canh được vé giá rẻ của hãng nước ngoài nên đã đặt vé bay cùng mẹ sang Hàn Quốc du lịch từ 25/2 đến 3/3.

Tuy nhiên, trước ngày khởi hành không lâu, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cô đã hủy chuyến du lịch và chấp nhận mất 18 triệu tiền vé máy bay, hơn 10 triệu tiền thuê phòng khách sạn ở khu Myeong dong, Seoul cùng một triệu đồng thuê cục phát wifi.

Đến trước lịch khởi hành một ngày, Diệp quyết định gửi email đến trang web đặt vé và đặt phòng để rời ngày đi. Bên đặt phòng đồng ý để cô lùi thời điểm nghỉ hai tháng, còn bên vé máy bay thông báo họ sẽ xem xét khiếu nại. “Tôi hủy chuyến vì lo cho sức khỏe và tính mạng của hai mẹ con. Nếu cố đi và về Việt Nam, chắc chắn sẽ phải cách ly, khiến công việc và cuộc sống của hai mẹ con đảo lộn. Tôi cũng sợ làm ảnh hưởng tới gia đình và cộng đồng”, cô nói.

Thùy An, hiện sống ở TP HCM, vừa trở về Việt Nam ngày 23/2. An sang Hàn Quốc khi các ca nhiễm nCoV ở đây chưa bùng phát mạnh. Ngày 22/2, khi cô ra phố mua đồ ăn, đường sá Seoul vắng tanh, ít người qua lại. Khi An vào một quán đồ ăn của người Việt, chủ hàng chia sẻ lượng khách đến đây ngày càng ít do dịch bệnh.

“Chị ấy nói rằng trước đây quán rất đông. Bình thường tôi đến mà muốn ăn phải xếp hàng đợi. Tuy nhiên hôm ấy, chỉ một bàn có khách. Bán cho tôi xong chị ấy nói sẽ đóng cửa về sớm”, An kể. Tại Hàn Quốc những ngày cuối chuyến đi, An chủ yếu ở khách sạn để tránh tiếp xúc với người khác.

Khách Việt đau đầu vì đi hay hủy tour Hàn Quốc
 
 

Khách Việt đau đầu vì đi hay hủy tour Hàn Quốc

Đường phố Hàn Quốc lúc 15h ngày 22/2. Video: Thùy An.

“Mọi người muốn qua tầm này và một tháng tiếp theo hãy cân nhắc thật kỹ. Nhiều quán đã bắt đầu không nhận khách du lịch vì e ngại lây nhiễm nCoV. Nếu tới các khu du lịch lớn, đông khách, bạn sẽ rơi vào tình thế dễ bị lây nhiễm”, An nói.

Về Việt Nam, sức khỏe của cô ổn định. Tuy nhiên, An vẫn tuân thủ nguyên tắc phòng vệ: đeo găng tay dùng một lần ở những chỗ công cộng như sân bay, rửa tay với xà phòng. Cô tự cách ly 14 ngày ở nhà để tránh ảnh hưởng đến người khác. An cũng đeo khẩu trang khi đi taxi từ sân bay về nhà và tránh nói chuyện, tiếp xúc với mọi người.

Phương Anh

Nguồn: Vnexpress.net