Khách Tây nói 7 điều cần biết khi nhậu với người Việt

0
14
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tiêu thụ bia tăng nhanh nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

“Đừng đánh giá thấp tửu lượng của người Việt. Dù vóc dáng nhỏ, họ có thể uống rất nhiều”, Ryan cho hay.

Ryan, đang sống tại Toronto (Canada), từng có thời gian ở Việt Nam vào năm 2016. Anh và bạn gái Sara đã trải nghiệm văn hóa uống bia hơi và chia sẻ câu chuyện của mình trên blog Itchy Feet on the Cheap.

Uống bia là thú vui phổ biến tại Việt Nam. Nhiều nhà hàng đặt sẵn cả két cạnh bàn ăn, kèm một xô đầy đá, cho khách uống thỏa thích. Chủ nhà của tôi rất thích uống cùng chúng tôi: Bất kỳ khi nào gặp tôi ông đều mời ra ngoài uống một chầu. 

Khi uống với người Việt, bạn cần ghi nhớ vài điều dưới đây:

Bia uống với đá không phải ý tồi

Thời tiết ở Việt Nam khá nóng nực. Đá lạnh chính là “chiến hữu” tốt nhất của một người đàn ông. Nếu không phải uống bia ướp lạnh, bạn chắc chắn muốn bỏ thêm đá. Nếu uống chai lấy ra từ tủ lạnh, có thể bạn vẫn muốn thêm đá bởi nước lạnh tan ra giúp bạn trụ lại trên bàn nhậu.

Bên cạnh đó, đá không hề làm hỏng vị bia như bạn nghĩ. Một cốc chỉ bỏ một viên đá lớn, và bạn sẽ sớm uống hết bia trước khi đá kịp tan quá nhiều. Một cô gái sẽ nhúng kẹp vào cốc của bạn để lấy viên đá gần tan hết ra để thay đá mới. Bạn phải làm quen với những chiếc kẹp được nhúng vào cốc của nhiều người khác. Càng uống nhiều bạn càng thấy chuyện này là bình thường.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tiêu thụ bia tăng nhanh nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tiêu thụ bia tăng nhanh nhất thế giới. Ảnh: Reuters.

Một người uống, cả bàn 100%

Trước khi uống, mọi người đều phải chạm cốc. Khi cầm cốc của mình, bạn hãy quan sát những người Việt cùng bàn có đang cầm cốc không. Đôi khi tôi phải giả vờ mình là một tay súng từ miền tây hoang dã. Tôi sẽ với lấy tay cầm của cốc, khẽ ngoắc ngón tay vào đó và nhìn xem có ai đang với lấy cốc không. Lúc này tôi sẽ cầm hẳn cốc và giơ lên để mọi người cùng chạm cốc.

Một, hai, ba, dô!

Trong tiếng Anh, người ta hô “cheers” khi nâng cốc, còn người Việt nói “một, hai, ba, dô” – thường họ đồng thanh khi đứng quanh bàn nhậu. “Dô” nghĩa là “vào”, tức đưa bia vào miệng uống – đó là lời giải thích từ một người Việt khi đang xỉn nên tôi không tin lắm.

Một cuộc thi đua nhỏ

Nếu để ý người đối diện đang nhìn bạn khi cả hai cùng uống bia, bạn hãy hiểu rằng họ đang để ý xem khi nào bạn dừng lại. Họ không muốn là người đặt cốc xuống trước. Đôi khi thử thách là “trăm phần trăm” – bạn phải uống cạn cốc. Một người có tửu lượng tốt tại Việt Nam được coi là đàn ông đích thực. Một người phương Tây thường được mặc định là có sức uống khá, và điều này sẽ được kiểm chứng. Đừng đánh giá thấp tửu lượng của người Việt. Dù trông nhỏ người, họ có thể uống rất nhiều.

Ăn nhậu

Nếu bạn được mời đi uống bia, chắc chắn bàn nhậu sẽ có đồ nhắm. Việt Nam có nhiều món ngon có thể thỏa mãn dạ dày trống rỗng và khiến bạn muốn uống nhiều hơn, như đùi ếch, cánh gà, ốc, nghêu sò, bò lúc lắc và hột vịt lộn. Đây là một cách hay để thử những món ăn mới lạ – khi bạn có dũng khí hơn sau vài cốc bia. Hơn nữa, còn nhiều người khác sẽ ăn giúp nếu bạn không thích một món gì đó. Những người bạn Việt Nam luôn vui vẻ chỉ cho bạn phải ăn một món thế nào.

Đi quá xa

Càng lúc càng nhiều bia được gọi thêm, nhiều trò thách đố hơn. Có lần, một người đàn ông uống cùng tôi đưa cốc của anh ta cho cô bồi bàn, và yêu cầu cô ấy chạm cốc với tôi. Cô gái buộc phải chiều ý khách, dù rõ ràng không hề thích loại đồ uống này và chung cốc với khách. Tôi nói “không cần đâu”, nhưng ông bạn nhất quyết. Tôi cố gắng giúp cô ấy bằng cách chỉ nhấp miệng khoảng một giây.

Điều tệ hơn là thói quen lái xe sau khi uống rượu bia tại đất nước này. Tôi từng ngồi uống khoảng 8-10 cốc bia với một người bạn Việt. Anh ấy uống khỏe không kém, dù thân hình chỉ bằng một nửa tôi. Cuối buổi, tôi đi bộ về nhà còn anh ấy leo lên xe máy để về. Bạn bè ở Việt Nam từng bảo ở đây “ai cũng vậy”, nhưng tôi không cho rằng đó là lý do để chuyện này tiếp tục.

Nếu đi nhậu với bạn bè, bạn hãy gọi taxi dù quãng đường ngắn đến đâu. Taxi thì rẻ, mạng người mới quý. Vào một đêm thứ bảy, có nhiều người say ngoài phố, bạn đừng để mình là một trong số đó.

Say xỉn vui vẻ

Dù hay tổ chức những cuộc thi trên bàn nhậu, phần lớn người Việt chỉ muốn tận hưởng khoảng thời gian thư giãn. Tới nửa đêm, bạn sẽ thấy những người mặt đỏ lừ cười đùa vui vẻ và không ngừng khen ngợi bạn. Đừng quá bất ngờ nếu họ khoác vai hay thậm chí cầm tay tiễn khi bạn rời khỏi quán, đặc biệt nếu bạn uống nhiệt tình với họ. Một bữa nhậu thường kết thúc vào khoảng 10 – 11h đêm. Bạn sẽ ngủ ngon như em bé và thức dậy với cảm giác của một ông già 90 tuổi hấp hối trên giường bệnh. Nhưng, đó là vòng xoay của cuộc sống mà.

Bảo Ngọc (Theo Itchy Feet on the Cheap)

Nguồn: Vnexpress.net