Phượt thủ Anh cho biết đã đi ba chuyến xe giường nằm tại Việt Nam và cô không muốn làm lại điều đó thêm lần nào.
Charlie Marchant, đến từ Anh, cho rằng bất cứ khách Tây nào muốn phượt xuyên Việt cũng từng nghĩ đến ý tưởng đi xe giường nằm hoặc tàu đêm. Charlie gợi ý du khách nước ngoài nên chọn tàu để có một chuyến đi thuận lợi và an toàn, dù cho giá vé cao hơn hay nhà ga thường xa trung tâm.
Khách Tây mách nhau cách ‘sống sót’ khi đi xe giường nằm Việt Nam
Khách Tây đăng tải video vế chuyến xe từ Sài Gòn tới Mũi Né: “Thật đáng sợ, đây chỉ là một đoạn phim ngắn về cách tài xế vượt qua hàng loạt các phương tiện khác. Tôi sẽ không bao giờ đi xe giường nằm nữa”. Video: Kanuck.
“Thật dễ hiểu khi nhiều phượt thủ chọn đi xe buýt, trong đó có cả tôi. Nhiều người không quá nề hà những trở ngại, nhưng tôi đoán mình không hợp với xe giường nằm tại Việt Nam. Nếu bạn muốn chọn phương tiện này, hãy đọc kỹ năm điều dưới đây để chuyến đi dễ thở hơn”, cô chia sẻ trên Charlie on Travel.
Biết cứng rắn khi cần
Charlie chia sẻ: “Bạn đã đặt chỗ và trả tiền vé, nhưng một số tài xế không muốn để bạn lên xe? Nghe thật điên rồ, nhưng điều đó vẫn xảy ra”.
Cô nhận ra nhiều tài xế, nhất là trên chặng từ Sa Pa về Hà Nội, thường dừng đỗ để bắt thêm khách – những người trực tiếp trả tiền cho họ. Charlie đoán rằng tài xế chỉ nhận một phần hoa hồng nhỏ khi đón trả khách cho các công ty lữ hành và khách sạn, vì vậy họ không ngại kiếm thêm nếu có thể.
Charlie bị tài xế gây khó dễ khi lên xe, dù đã mua vé. Ảnh: Charlie Marchant. |
Chính cô và bạn đồng hành đã gặp tình cảnh cầm vé trong tay nhưng tài xế vẫn không cho lên xe. Cô yêu cầu họ gọi điện thoại cho khách sạn để kiểm tra việc đặt vé, họ nhanh chóng rút lui vì không muốn gặp rắc rối với cảnh sát.
Một khi đã lên xe, du khách nước ngoài sẽ bị đẩy xuống cuối xe để có chỗ cho khách dọc đường. Charlie khuyên các phượt thủ hãy từ chối thẳng thừng vì đã mua vé, họ có thể chọn bất cứ chỗ nào trên xe và mọi hành khách đều bình đẳng.
Không uống nước trước khi lên xe
Điều này nghe có vẻ ngốc nghếch, nhưng Charlie đã thực sự phải làm như vậy. Không biết trước điều này, cô đã uống thật nhiều nước khi ăn tối, quên mất chuyến xe sẽ khởi hành từ 18h và không thể vào nhà vệ sinh cho tới 22h30.
Phần lớn xe giường nằm tại Việt Nam không có nhà vệ sinh, hành khách phải đợi tới khi tài xế dừng đúng điểm. Đôi khi, nếu tài xế cần giải quyết “nỗi buồn”, ông ấy sẽ tấp vào lề đường và tất cả đàn ông trên xe vệ sinh lộ thiên bên triền núi. Phụ nữ thường an vị trên xe trong trường hợp này.
Nhà vệ sinh tại những điểm dừng nghỉ cũng không mấy sáng sủa khi không có giấy vệ sinh, nước máy hay không lắp đèn. Hành khách nên chuẩn bị sẵn đồ vệ sinh cá nhân và nước đóng chai nếu muốn thay rửa.
Uống thuốc chống say
Với Charlie, chuyến đi tệ nhất là Hà Nội – Sa Pa. Đường núi gập ghềnh khiến cô chóng mặt, không có cách nào đứng lên khi đi xe giường nằm. Charlie phải dùng thuốc chống say để ngủ suốt chuyến.
Bên trong một chuyến xe giường nằm tại Việt Nam. Ảnh: Justin Schaller. |
Cô gợi ý chọn chỗ nằm thấp nhất để không bị rung lắc trên xe, và có chỗ duỗi chân cho những du khách phương Tây quá khổ so với loại giường nằm dành cho người bản địa.
Mua túi ngủ lụa
Nếu đi một mình, hành khách nhiều khi phải chung giường với người lạ, đắp chung những chiếc chăn cũ lâu ngày không được giặt mà nhà xe cung cấp. “Bạn sẽ cần đến chăn khi điều hòa chĩa thẳng vào người. Tôi ghét phải thú nhận rằng tôi đã trông thấy gián trên một trong những chuyến xe tại Việt Nam”, Charlie tiết lộ.
“Lý do bạn nên mua túi ngủ lụa vì loại này có tại tất cả cửa hàng trong thành phố. Bạn không biết chính xác mình sẽ nằm cạnh ai trên xe, hãy thu vào túi ngủ của riêng mình, cảm giác đó sẽ dễ chịu hơn nhiều”, nữ phượt thủ viết.
Chiêc túi ngủ đồng hành với Charlie trên mọi nẻo đường tại Việt Nam. Ảnh: Charlie Marchant. |
Nhắm mắt mà đi
Trước chuyến đi từ Sa Pa về Hà Nội, Charlie cảm thấy lo lắng khi cô sắp trở lại một trong những chiếc xe giường nằm ác mộng.
Xe tới muộn nửa tiếng, nhưng họ không dừng đúng bến. Bạn đồng hành, Luke, kể với Charlie rằng, nhiều năm trước, một người bạn anh biết đã gặp nạn khi đi xe khách giường nằm.
Charlie sợ hãi: “Anh biết thế nhưng vẫn mua vé, lại còn là vé khứ hồi. Tại sao anh có thể làm thế với tôi?”. Luke chỉ nhìn xuống chân và trả lời: “Nó rẻ mà…”.
Charlie chắc chắn rằng tỷ lệ tai nạn và thương vong của xe giường nằm Việt Nam khá thấp, đặc biệt so với số lượng khổng lồ của những chuyến xe khắp đất nước. Song cô nghĩ hành khách vẫn gặp nguy hiểm khi chọn phương tiện này: “Bạn hãy tìm từ khóa “xe buýt ác mộng Việt Nam” là có thể thấy mọi thông tin liên quan”.
Nữ phượt thủ Anh cho rằng: “Việc di chuyển bằng bất cứ phương tiện nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều như đánh bạc, nhưng bạn hãy tìm hiểu nhiều lựa chọn để có thể cân nhắc về giá cả cũng như sự an toàn của chuyến đi trước khi lên đường. Thực sự tôi đã đi ba chuyến xe giường nằm tại Việt Nam và sống sót, nhưng tôi chắc chắn sẽ không làm thế thêm lần nào nữa đâu”.
Theo Charlie Marchant
Nguồn: Vnexpress.net