Blogger Mỹ nảy ra sáng kiến chào hàng ngược lại khiến người bán hàng rong tại Ninh Bình phải từ bỏ ý định chèo kéo gia đình du khách.
Khi Rand Blimes (Mỹ) cùng vợ và ba cô con gái đang chụp ảnh trước sân đền vua Lê tại Hoa Lư (Ninh Bình), một phụ nữ bán hàng rong tiến về phía họ, chào mời mua dứa, vài bức tranh và vòng tay.
Cả gia đình từ chối lịch sự và bước đi chỗ khác. Người phụ nữ đi theo gia đình Rand, dù họ vờ như không biết đến sự tồn tại của cô. Người bán hàng vẫn không bỏ đi, cô nói bằng tiếng Anh với những vị khách rằng dứa rất ngọt, rẻ và họ nên mua.
Tình trạng chèo kéo du khách diễn ra tại một số điểm du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Anh. |
Rand từng gặp những người đàn ông chèo kéo để bán dầu cù là tại thủ đô Kathmandu (Nepal), hay bị vài người bán hàng xô đẩy tại Trung Quốc. Trước khi đến Việt Nam, anh cũng nghe nhiều câu chuyện về nạn chèo kéo tại đây, hay một nhóm người nhìn khách nước ngoài như những cây ATM biết đi. Tuy nhiên, người phụ nữ này nhất định không từ bỏ hay cho gia đình Rand cơ hội từ chối.
Rand nảy ra một kế hoạch để đưa gia đình thoát khỏi cảnh bị chèo kéo. Anh đút tay vào túi và lôi ra một mẩu rác. “Thậm chí tôi còn không nhớ đó là thứ gì nữa”, Rand viết.
Rand giơ nó lên trước mặt và cố gắng bán cho người bán rong. Anh bắt chước tất cả những câu người phụ nữ này đã nói trước đó để “quảng cáo” về chất lượng và giá cả của mẩu rác vụn trong túi.
Người bán hàng ban đầu rất bối rối nhưng sớm nhận ra dụng ý của Rand. Cô bật cười khúc khích rồi đấm vào tay Rand trước khi bỏ đi.
Kể từ đó, Rand thường xuyên sử dụng cách này mỗi khi gặp cảnh chèo kéo. Anh thích dùng khiếu hài hước để giải quyết mỗi khi bị làm phiền.
Khách Tây khiến người bán hàng rong chèo kéo phải ‘chào thua’
Chương trình Chào Buổi Tối của VTC14 từng nhận định chèo kéo, ép mua hàng giá cao khiến du khách tới Hà Nội cảm thấy như đang du lịch mạo hiểm. Video: VTC.
Rand bày tỏ rằng: “Tôi không quan tâm nếu bạn là phượt thủ hay một du khách giàu có, so với những người bản địa đang cố gắng bán tour, thuyết phục mua hoa hay đặt phòng khách sạn. Đừng mua nếu bạn không muốn, nhưng bạn cũng không nên đổ lỗi cho những người này vì họ đang làm việc chăm chỉ. Cuộc sống của họ không đơn giản đến nỗi chỉ cần nhận trợ cấp thất nghiệp nếu không bán được hàng”.
Blogger này cũng chia sẻ lời khuyên về cách du khách nên hành xử khi gặp phải nạn chèo kéo trên đường du lịch: “Bạn rất may mắn khi đặt chân đến miền đất đó. Bạn không nên nhìn những người bán hàng như kẻ thù, hãy làm bạn với mọi người trên đường đi. Hãy mỉm cười và trò chuyện với họ. Không điều gì có thể ngăn cản bạn tận hưởng hành trình của mình. Phượt mà.”
Rand Blimes là blogger Mỹ, anh vừa có tình yêu với nghề giáo khi làm giảng viên khoa học chính trị tại Hawaii, vừa đam mê khám phá thế giới. Anh kể lại lần cả gia đình gặp một người bán hàng rong trong chuyến thăm Việt Nam năm 2015 trên trang cá nhân Because Travel.
Gia đình của Rand trên đường du lịch. Ảnh: Because Travel. |
Theo Rand Blimes
Nguồn: Vnexpress.net