Khách Tây bị ‘bỏ rơi’

0
8
Đoàn khách Pháp vào tham quan rừng cao su trên đường từ Đăk Lăk về TP HCM ngày 17/3 sau khi bị Kon Tum từ chối, và phải cắt ngắn hành trình, không đi Hội An. Ảnh: C.M.Q. 

Du khách phương Tây bị khách sạn từ chối. Trong khi đó, TP HCM kêu gọi du khách thông cảm nếu có bất tiện nào xảy ra.

“Nhiều người không làm trong lĩnh vực du lịch thấy khó chịu với du khách phương Tây, bất kể khách là người nước nào. Họ tỏ thái độ khi du khách đến thăm bản. Họ sợ cũng có lý do, những người làm du lịch như chúng tôi không hề trách cứ gì người dân cả. Chỉ có thể nói rằng, chúng tôi đã làm mọi biện pháp phòng tránh theo chỉ dẫn của y tế cho du khách và người dân, như luôn mang khẩu trang, khử trùng, diệt khuẩn…”, bà Dương Thị Huyền, chủ resort Mai Châu Hideaway (Hòa Bình), cho biết.

Theo bà Huyền, hôm nay 17/3, hai du khách Bỉ tới Hà Nội du lịch nhưng khi đến nơi, họ mới biết mình bị khách sạn hủy phòng không báo trước. “Nhân viên bảo với tôi rằng, tâm trạng du khách lúc liên lạc đặt phòng mới rất tệ. Khách sạn ở Hà Nội từ chối buộc khách phải di chuyển tới Hòa Bình. Chúng tôi chủ động cho khách khai báo y tế và đón tiếp chu đáo để khách không cảm thấy thất vọng. Chúng tôi nhận khách này là dám chấp nhận đánh đổi, kể cả đóng cửa resort, bị cách ly và cả bị mang tiếng. Nhưng thực lòng chúng tôi không thể từ chối những khách đến từ phương xa và bị kẹt ở đây trong lúc dịch bệnh”, bà Huyền nói.

Du khách quyết định ở lại Mai Châu 4 đêm và chưa biết sẽ tiếp tục đi đâu sau khi kết thúc những ngày ở Hòa Bình. “Đa số những người làm du lịch đều có tâm với du khách. Cực chẳng đã mới từ chối du khách đến ở. Resort của tôi có 40 người làm việc, nếu không may bị cách ly hay đóng cửa vì dịch bệnh, sẽ có rất nhiều con người bị ảnh hưởng”, bà Huyền nói thêm.

Bà cho hay, resort hàng ngày đều làm thủ tục khai báo y tế với cơ quan chức năng, đo thân nhiệt du khách và nhân viên, phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn… Hàng trăm chi phí phát sinh nhưng resort vẫn quyết định giữ lại nhân sự trong bối cảnh không có doanh thu. Mai Châu Hideaway có tổng cộng 31 phòng, trong tháng 3 công suất giảm còn 40% nhưng qua tháng 4 chỉ 6 – 10%.

Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty du lịch Asian Trails, kể đoàn khách châu Âu của công ty đến Việt Nam hồi tháng 2, trong lịch trình có tới thăm một hộ dân làm nghề truyển thống ở Phan Thiết. Nhưng gia đình này từ chối không tiếp đoàn khách vì sợ lây bệnh. “Người dân ở các điểm tham quan đang phản ứng thái quá đối với du khách“, bà Tiên nói.

Trong khi đó, đại diện Công ty Images Travel, cho biết: “Sau khi đoàn 18 khách Pháp bị tỉnh Kon Tum từ chối cho vào địa phương, chương trình tham quan đã phải thay đổi hoàn toàn. Đoàn quay trở về TP HCM để về nước. Tuy nhiên, các chuyến bay từ Việt Nam đi Pháp thời điểm này cũng hạn chế. Ngày sớm nhất để có thể mua được vé cho đoàn về là ngày 20/3 tới”.

Đoàn khách Pháp vào tham quan rừng cao su trên đường từ Đăk Lăk về TP HCM ngày 17/3 sau khi bị Kon Tum từ chối, và phải cắt ngắn hành trình, không đi Hội An. Ảnh: C.M.Q. 

Đoàn khách Pháp vào tham quan rừng cao su trên đường từ Đăk Lăk về TP HCM ngày 17/3 sau khi bị Kon Tum từ chối, và phải cắt ngắn hành trình, không đi Hội An. Ảnh: C.M.Q.

Vì không thể đưa đoàn khách Pháp vào tham quan các buôn làng như kế hoạch ban đầu, đoàn khách thấy cảnh nào đẹp trên đường đi thì dừng lại. Có khi đoàn chỉ vào rừng cao su chụp ảnh, hay ngắm cánh đồng ven đường. Theo chia sẻ của hướng dẫn viên M. Q., dẫn đoàn khách Pháp nói trên, trong mấy ngày qua, đoàn khách gặp rất nhiều khó khăn vì thường xuyên di chuyển trên xe, không đến các điểm tham quan hay vào buôn làng. Lẽ ra lúc này, đoàn khách đã tắm biển ở Hội An nhưng phải quay ngược về TP HCM.

Tương tự, đoàn hơn 20 khách, trong đó khoảng 50% là khách Việt kiều được một công ty du lịch tại TP HCM tổ chức tham quan miền Tây cũng rơi vào tình cảnh tương tự. “Việc yêu cầu khách phải kiểm tra sức khỏe, khai báo chi tiết hành trình là đúng trong thời điểm hiện tại nhưng cách làm thế nào để khách cảm thấy không bị xa lánh; đừng để du khách thấy mình là những người gây bệnh… rất quan trọng”, đại diện một công ty du lịch tại TP HCM nói.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã phát sinh một số địa phương có hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị du khách, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam. Sở Du lịch TP HCM đã đề nghị các doanh nghiệp du lịch không phân biệt đối xử với người nước ngoài đến thành phố du lịch.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam ủng hộ các địa phương chủ động phòng chống dịch Covid-19 bằng cách đóng cửa các điểm tham quan. Tuy nhiên, cần có thời gian từ khi ra quyết định đến khi thực hiện để doanh nghiệp có khách đang đi tour kịp thời xử lý, tránh để khách hiểu nhầm rằng họ bị xua đuổi, làm xấu hình ảnh Việt Nam thân thiện mến khách. Khi đó bao nhiêu công sức quảng bá xúc tiến để thu hút khách nước ngoài trở nên vô nghĩa, hết dịch mời khách trở lại cũng khó.

Đoàn khách Pháp trên xe quay lại Buôn Mê Thuộc sau khi Kon Tum từ chối cho vào ngày 16/3. Ảnh: C.M.Q.

Đoàn khách Pháp trên xe quay lại Buôn Mê Thuộc sau khi Kon Tum từ chối cho vào ngày 16/3. Ảnh: C.M.Q.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến vừa gửi thư cho du khách đến tham quan thành phố, kêu gọi sự chung tay hợp tác của các các doanh nghiệp du lịch và du khách trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

“Chúng tôi đã, đang và tiếp tục thực hiện một cách tốt nhất các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe để chuyến đi của quý khách được trọn vẹn hơn. Vì vậy, nếu có bất kỳ sự bất tiện nào, rất mong quý khách thông cảm. Việc hợp tác của quý khách trong việc tuân thủ các quy định và hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 là hành động ý nghĩa vì sức khỏe của cộng đồng và chính quý vị”, nội dung bức thư ông Tuyến gửi đến du khách.

Ông cũng kêu gọi du khách tiếp tục tin tưởng và lựa chọn điểm đến TP HCM cho những kỳ nghỉ sau để có thêm những trải nghiệm thú vị về văn hóa, con người và ẩm thực của thành phố.

Nguyễn Nam

Nguồn: Vnexpress.net