Khách Tây bật khóc giữa cửa khẩu vì visa cấp đến năm 1900

0
5
khach-tay-bat-khoc-giua-cua-khu-vi-visa-cap-den-nam-1900

Không trực tiếp đi làm thủ tục xin cấp visa vào Việt Nam, Kate đã nhận được thị thực gia hạn đến năm 1900. Sai sót nhỏ đã cho cô những bài học đáng nhớ trên đường du lịch.

Kate M. là một blogger du lịch, 31 tuổi đến từ Boston, Mỹ. Kate đã bỏ việc vào năm 2010 để chu du Đông Nam Á trong 6 tháng, kể từ đó hành trình của cô kéo dài tới 4 năm rưỡi với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tháng 2/2011, Kate đặt chân tới Việt Nam sau thời gian khám phá Lào và Thái Lan. Dưới đây là những dòng chia sẻ của cô.

khach-tay-bat-khoc-giua-cua-khu-vi-visa-cap-den-nam-1900

Kate trên đường khám phá thế giới. Ảnh: Adventurous Kate.

Việt Nam là một trong những nước yêu cầu du khách phải xin cấp thị thực trước khi nhập cảnh, bạn sẽ không được cấp visa tại biên giới quốc gia. Tôi đã đặt dịch vụ xin visa Việt Nam qua một đại lý du lịch ở Vang Vieng, một thị trấn thuộc tỉnh Vientiane, Lào. Họ sẽ tới đại sứ quán Việt Nam tại Vientiane để làm thủ tục cấp thị thực với giá 50 USD (hơn một triệu đồng). Khi nhận được hộ chiếu, tôi hoàn toàn sốc khi nhận lại visa được gia hạn tới 16/02/1900.

khach-tay-bat-khoc-giua-cua-khu-vi-visa-cap-den-nam-1900-1

Ngày nhập cảnh đã chính xác, song ngày xuất cảnh trên visa của Kate được ấn định là 16/02/1900. Ảnh: Adventurous Kate.

Rõ ràng đây là lỗi của đại sứ quán Việt Nam tại Vientiane. Tôi nghĩ rằng bộ phận an ninh biên giới sẽ hiểu chuyện này và để tôi nhập cảnh.

Nhưng tôi đã nhầm

Chuyến xe từ Vang Vieng tới Hà Nội dài 30 giờ. Mặc dù đã đọc nhiều chia sẻ từ những người đi trước về chuyến xe Lào – Việt Nam, tôi vẫn quyết định không đặt vé máy bay để tránh phải chi trả cho những khoản đắt đỏ. Hành khách phải đợi chờ dưới cái nắng nảy lửa vì xe khởi hành trễ một tiếng 30 phút. Khi xe bắt đầu lăn bánh, chuyến đi khá thú vị với những người đàn ông nằm ngủ trên lối đi hay loạt video nhạc Việt bật không ngừng nghỉ.

12 tiếng sau, cả đoàn tới cửa khẩu Lào – Việt Nam. Sau 3 tháng tận hưởng nắng ấm, tôi đã cảm nhận được những luồng không khí lạnh đầu tiên trong tiết trời mưa lất phất. Hành khách trên xe đến cửa khẩu để trình hộ chiếu. Tới lượt tôi, hải quan Lào cho biết visa này không hợp lệ, tôi phải quay trở lại Vientiane. Dù tôi đã giải thích nhưng họ chỉ đồng ý cho tôi làm việc với phía cửa khẩu Việt Nam.

Băng qua làn sương dày, tôi chạy thẳng tới cửa khẩu phía Việt Nam cách đó 500 m. Tôi rối rít trình bày hoàn cảnh của mình với bộ đội biên phòng, họ chỉ nhìn vào hộ chiếu của tôi rồi mỉm cười, quay lưng đi giữa văn phòng mà không nói một lời nào.

Cảm thấy như bị tra tấn tinh thần, tôi cầu xin, nài nỉ, bật khóc giữa cửa khẩu. Người bộ đội biên phòng quay trở lại với một tấm giấy có ghi: “25 USD if you pay for new visa. Or return to Vientiane.” (Trả 25 USD để có visa mới. Hoặc quay trở lại Vientiane.)

Tôi lấy ra 25 USD đưa cho anh ấy. Trong vòng 30 phút, tôi đã nhận được thị thực mới có dấu xác nhận nhập cảnh Việt Nam. Tôi phấn khích đến nỗi suýt hôn người bộ đội biên phòng khi nãy.

Cầm trên tay quyển hộ chiếu có visa hợp lệ, tôi chợt nhớ ra phía cửa khẩu Lào chưa đóng dấu xuất cảnh cho mình. Không còn đủ thời gian, tôi vội vã lên chuyến xe đang chuẩn bị lăn bánh tới Hà Nội.

Qua sự cố dở khóc dở cười này, tôi đã rút ra những kinh nghiệm xương máu”

Nếu có bất cứ nhầm lẫn nào trên visa của bạn, hãy giải quyết trước khi bạn lên đường. Hãy kiểm tra thật kỹ để phát hiện cả những sai sót nhỏ nhất như lỗi đánh máy hay nhầm lẫn về ngày tháng.

Hãy tự đi làm thủ tục xin cấp visa. Có thể quá trình xin thị thực sẽ mất tới một ngày song bạn sẽ đảm bảo thông tin của mình được chính xác.

Xem thêm: Việt Nam ‘vừa yêu vừa ghét’ trong mắt khách Tây

Nguồn: Vnexpress.net