Khách sạn Nhật Bản lao đao

0
14

Khách sạn Osaka Corona yên tĩnh một cách lạ thường trong vài tuần qua.

Trước khi Covid-19 hoành hành, Nhật Bản chứng kiến sự bùng nổ trong xây dựng khách sạn và từng dấy lên mối lo ngại về tính bền vững của thị trường. “Chúng tôi nhận thấy có một lượng phòng lớn được đưa ra thị trường trong vài năm qua. Tôi dự đoán sẽ có nhiều nơi khó tồn tại”, Kohei Fujii, giám đốc bán lẻ của khách sạn Corona tại Osaka nói.

Khu vực vốn luôn sầm uất và đông khách du lịch Dotonbori ở Osaka, giờ thưa thớt người. Ảnh: Reuters.

Khu vực vốn luôn sầm uất và đông khách du lịch Dotonbori ở Osaka, giờ thưa thớt người. Ảnh: Reuters.

Chỉ trong thời gian 2015 đến 2018, Osaka đã có thêm 21.000 phòng khách sạn mới. Hiện tại, nhiều nơi trong số này đang bỏ trống. Một trong số đó là khách sạn Corona.

“Thật tiếc cho khách sạn của chúng tôi”, Kohei Fujii thở dài khi ngồi trong quán cà phê trống tại sảnh. Trên quầy lễ tân là chai bia cùng thông báo giảm giá nhưng không khách mua.

Mùa xuân luôn là mùa bận rộn nhất của khách sạn, Fujii cho biết. Các công ty liên tục thuê phòng hội nghị và phòng tiệc để tổ chức các buổi hội thảo, đào tạo, chào đón nhân viên mới.

Nhưng khi Covid-19 bùng phát, việc đi du lịch bị hạn chế và các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, lượng đặt phòng giảm xuống còn một phần ba so với cùng kỳ năm ngoái. Một khách sạn khác gặp tình trạng tương tự là Vista Osaka Namba. Hisao Ikawa khai trương khách sạn 121 phòng vào tháng 2, cùng ngày Nhật Bản khuyến khích các trường học đóng cửa trên khắp đất nước. Ngồi trước bức tranh tường khổng lồ vẽ một con hổ vàng trong sảnh của khách sạn trống rỗng, Ikawa cho rằng tại thời điểm này Nhật Bản gần như không có điểm sáng nào trong việc thu hút khách du lịch.

Tại cố đô Kyoto, sụt giảm du khách quốc tế đang đe dọa đến sự sống còn của nhiều nhà trọ truyền thống, hoặc các nhà trọ nhỏ do các hộ gia đình điều hành.

Quận Gion ở Kyoto, nơi luôn tấp nập khách du lịch, thưa vắng trong ngày 15/3. Ảnh: Reuters.

Quận Gion ở Kyoto, nơi luôn tấp nập khách du lịch, vắng vẻ trong ngày 15/3. Ảnh: Reuters.

Momoka Matsui là thế hệ thứ tư điều hành một nhà trọ của gia đình gần chợ Nishiki nổi tiếng. Cô cho biết gần đây đã nhận được rất nhiều các cuộc gọi hủy phòng trong thời điểm mà đáng lẽ ra nhà trọ của cô phải đông khách nhất – mùa xuân, mùa hoa anh đào nở. Rất ít trong số những đơn đặt phòng cô có thể thu phí hủy. Nếu điều này diễn ra suốt mùa hè, bà chủ không biết làm cách nào để duy trì tình hình kinh doanh. Doanh nghiệp của cô có 100 nhân viên, và nhiều người trong số đó đang được yêu cầu nghỉ ở nhà và nhận trợ cấp của chính phủ, với 2/3 lương thực lĩnh.

Hiệp hội Khách sạn Kyoto, đại diện cho hơn 200 khách sạn quy mô tầm trung trên cả nước, cho biết họ dự kiến có nhiều vụ phá sản trong năm nay nếu dịch bệnh tiếp tục diễn ra suốt mùa hè và chính phủ không giải cứu. “Khi xây dựng các khách sạn, chúng tôi có một niềm tin về việc chào đón du khách. Nhưng hiện tại mọi người không muốn đi đâu, chúng tôi là những người đầu tiên trở thành nạn nhân”, Tsuguyoshi Shimizu, chủ tịch Hiệp hội nói.

Theo một báo cáo gần đây tại Nhật, 12 công ty chuyên về lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả một công ty du thuyền, đã phải đóng cửa phá sản vì Covid-19. Phần lớn các công ty này nằm ở miền tây đất nước.

Một nhóm nhỏ du khách đi dạo trong khu vực đền Kyiomizu-dera ở Kyoto hôm 15/3. Ảnh: Reuters.

Một nhóm nhỏ du khách đi dạo trong khu vực đền Kyiomizu-dera ở Kyoto hôm 15/3. Ảnh: Reuters.

Việc hoãn Olympic dự kiến tổ chức vào mùa hè năm nay cũng có khả năng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ ở Nhật Bản phụ thuộc vào du lịch ảnh hưởng nặng nề. 

Hiệp hội Khách sạn và Nhà trọ truyền thống Nhật Bản đại diện cho 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết nhiều khách sạn nhỏ đã đầu tư hầu hết những gì họ kiếm được trong thời gian bùng nổ du lịch vào việc nâng cấp cơ sở để chào đón Thế vận hội. Nhiều người trong số đó đang phải đối mặt với việc phá sản, Shigeki Kitahara, người đứng đầu Hiệp hội và là chủ một nhà trọ ở Kyoto cho biết.

Từ sau khi nhậm chức, thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra kế hoạch kinh tế đầy tham vọng cho đất nước, coi du lịch là một phần quan trọng. Tổng cục Du lịch Nhật Bản chỉ ra rằng trong năm 2017, ngành du lịch đã mang lại 4,7 triệu việc làm trên cả nước, chiếm 5% nền kinh tế.

Chính phủ của ông Abe tuyên bố sẽ thu hút 40 triệu du khách nội địa vào năm 2020 và 60 triệu vào năm 2030. Dưới thời ông Abe, Nhật Bản tích cực đấu thầu để tổ chức Thế vận hội, sòng bạc được hợp pháp hóa và nhận được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn. Năm 2019, 31,9 triệu người đã đến thăm Nhật Bản, chi tiêu gần 43 tỷ USD tại quốc gia này. Trong khi đó, các nhà phân tích cũng dự đoán Nhật sẽ đón 34 triệu khách trong năm nay. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, mọi thứ đều tạm “ngủ đông”.

Vào tháng 2, số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản giảm gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây có thể xem là năm thảm khốc cho ngành du lịch đất nước mặt trời mọc.

Anh Minh (Theo Reuters)

Nguồn: Vnexpress.net