Khi tìm hiểu xin visa, Karim được thông tin rằng: Chính sách thị thực ở Việt Nam liên tục thay đổi, bạn nên liên lạc với Sứ quán.
Karim Amrabat, quốc tịch Morocco và bạn gái đang có chuyến du lịch tự túc đến Việt Nam. Cả hai cùng nhau bay đến Hà Nội, thăm vịnh Hạ Long và dự định kết thúc chuyến đi sau khi khám phá TP HCM. Karim và bạn gái đều nói họ đã có một tuần tuyệt vời ở Việt Nam. Tuy nhiên trước khi đến được với mảnh đất hình chữ S, họ phải mất nhiều tuần liền để tìm hiểu và xin visa để nhập cảnh.
Visa là một trong những rào cản lớn nhất của khách quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Vietnam Visa Online. |
“Chúng tôi lên Google tìm kiếm nhưng thông tin khá hỗn loạn. Một số trang du lịch uy tín như Adventure In You đưa ra vài lưu ý như: Chính sách visa ở Việt Nam liên tục thay đổi. Bạn nên liên lạc với Sứ quán hoặc tham khảo các trang web của chính phủ để cập nhật thông tin”, nam du khách Morocco kể lại.
Morocco hiện chưa nằm trong danh sách 24 quốc gia được miễn visa vào Việt Nam. Karim tiếp tục tìm thông tin về chính sách visa điện tử nhưng quốc gia của anh cũng không nằm trong danh sách 80 nước được thí điểm visa điện tử. “Chúng tôi đã nghĩ đến việc từ bỏ kế hoạch và chuyển sang Thái Lan hoặc đi Bali. Phút cuối một người bạn của tôi giới thiệu dịch vụ làm visa trung gian. Chúng tôi phải trả họ một khoản tiền để có được tấm visa vào Việt Nam”, Karim Amrabat nói.
Karim và bạn gái không phải những trường hợp duy nhất gặp khó khăn khi xin visa. Mặc dù chính sách thị thực của Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách, nhưng vẫn còn tồn tại một số rào cản nhất định.
Theo các chuyên gia du lịch, trong khi chờ chính sách thị thực cởi mở hơn, Việt Nam có thể cải thiện ngay một số vấn đề như rút gọn tên miền evisa.xuatnhapcanh.gov.vn, thuần tiếng Anh để du khách dễ dàng truy cập hơn; đơn giản hoá các khâu đăng ký…
Việt Nam dự kiến đón khoảng 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2019. Ảnh: Vy An. |
Không có nhiều rắc rối như visa, phần lớn du khách quốc tế đến Việt Nam cho rằng việc đặt phòng qua các ứng dụng và trang du lịch trực tuyến giờ đây đã thuận tiện hơn nhiều. “Sẽ rất đơn giản nếu bạn đặt phòng qua Agoda hay Booking. Tuy nhiên không phải ở đâu trên khắp Việt Nam bạn cũng có thể đặt phòng qua các kênh trung gian uy tín”, Paul, du khách đến từ Bỉ, nói.
Khi tìm hiểu, Paul nhận thấy ở Hà Giang không có nhiều lựa chọn về phòng nghỉ trên internet. Anh cũng lo lắng việc thanh toán, đặt cọc không được bảo vệ bởi bên trung gian.
“Một chủ homestay nói tôi phải chuyển khoản để đặt cọc trước khi đến nhận phòng. Tôi nghĩ điều này là hợp lý. Nhưng nếu có vấn đề gì xảy ra, tôi không biết liên hệ ai để xử lý nên quyết định không đặt phòng online”, Paul nói nếu không có người bạn Việt Nam đặt phòng giúp thì chắc anh đã có một chuyến đi “chật vật” đến Hà Giang.
Một số du khách còn gặp khó trong việc tìm kiếm thông tin chính thống về du lịch Việt Nam. Phần lớn khách nước ngoài được hỏi cho biết họ cập nhật tin tức, tìm kiếm hướng dẫn từ các blog du lịch thay vì từ website của Tổng cục Du lịch Việt Nam. So với các trang quảng bá của Singapore, Thái Lan thì trang thông tin vietnam.travel vẫn còn khá mới mẻ, ít lựa chọn về ngôn ngữ.
Giao thông cũng là vấn đề được du khách quan tâm. Phương tiện công cộng chủ yếu ở Việt Nam vẫn là xe máy, taxi và xe bus. Nếu muốn đến một tỉnh ở miền Tây, du khách bay đến TP HCM phải tiếp tục tìm một nhà xe, đến tận phòng chờ để hỏi giờ, thanh toán. Thậm chí khi đã cầm tấm vé trên tay, ngồi trên xe du khách cũng không khỏi lo lắng vì tên nhà xe họ có được là từ một người bạn hoặc blog du lịch chứ không phải website của cơ quan du lịch Việt Nam.
Trong khi đó, du lịch đến Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, khách quốc tế có thể dễ dàng mua trước thẻ đi tàu điện ngầm kết hợp xe bus, taxi và sử dụng trong suốt hành trình của mình mà không phải lo về việc tìm kiếm phương tiện nào cho an toàn và tiết kiệm.
Rào cản khác khiến du khách lo lắng trong việc lên kế hoạch đến Việt Nam được nhiều người chỉ ra như: Không nhiều người bản địa nói được tiếng Anh, tình trạng lừa đảo, trộm cắp. Những du khách có dự định du lịch dài ngày cũng phải tính toán rất kỹ kế hoạch vì theo quy định, visa du lịch của họ thường chỉ cấp phép tối đa 14-30 ngày, nếu muốn ở lại nhiều hơn một tháng thì phải điều chỉnh lại lịch trình hoặc chọn một quốc gia lân cận để bù vào những ngày còn trống trong kỳ nghỉ của mình.
Việt Nam sắp tổ chức diễn đàn cấp cao du lịch lần 2
Huy Nam
Nguồn: Vnexpress.net