[kdn-video]
VTV.vn – Phát hiện về tín hiệu được cho là bức xạ vô tuyến từ hệ sao Boötes này có thể mở ra một con đường mới cho giới khoa học để nghiên cứu về các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.
Từ trước đến nay, giới khoa học đã phát hiện ra hơn 4.500 hành tinh ngoài Hệ Mặt trời (exoplanet) trong nỗ lực khám phá vũ trụ và tìm kiếm sự sống. Tuy vậy, mãi cho đến tận bây giờ, các nhà khoa học mới có thể lần đầu tìm thấy tín hiệu sóng vô tuyến phát ra từ một trong số những hành tinh xa xôi và bí ẩn này.
Một nhóm các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã đón nhận được chùm sóng vô tuyến bắt nguồn từ chòm sao Boötes. Nghiên cứu này đã vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics (Thiên văn và Thiên Văn học) danh tiếng.
Tác giả chính của nghiên cứu, Jake Turner, một nhà nghiên cứu của Đại học Cornell, cho biết: “Chúng tôi mang đến một trong những gợi ý đầu tiên trong việc phát hiện một hành tinh ngoài hệ Mặt trời trong lĩnh vực vô tuyến. Tín hiệu phát ra đến từ hệ sao Tau Boötes, bao gồm một ngôi sao đôi và một hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Đây là trường hợp phát xạ được gửi đi từ chính hành tinh. Những yếu tố như cường độ và sự phân cực của tín hiệu vô tuyến, cũng như từ trường của hành tinh đều tương thích với các dự đoán trên lý thuyết”.
Hệ sao Tau Boötes nằm cách Trái Đất khoảng 51 năm ánh sáng. Trong đo đạc không gian, một năm ánh sáng tương đương với khoảng 9,5 ngàn tỷ km. Khám phá quan trọng này được thực hiện nhờ vào kính viễn vọng vô tuyến Mảng tần số thấp (LOFAR), đặt tại Hà Lan.
Sau khi quan sát phát xạ vô tuyến từ Sao Mộc và xem xét hơn 100 giờ quan sát vô tuyến để mô phỏng hành tinh khí khổng lồ này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một tín hiệu đáng chú ý tạm gọi là “Sao Mộc nóng” (hot Jupiter). Chính trong hệ sao hệ sao Tau Boötes, họ đã tìm thấy một tín hiệu tương tự với cường độ yếu hơn.
Ngoài thứ được tin tưởng là tín hiệu vô tuyến bắt nguồn từ hệ sao Boötes, nhóm các nhà khoa học cũng đã ghi nhận được một số các phát xạ vô tuyến khả dĩ khác. Trong số đó bao gồm phát xạ đến từ chòm sao Cancer và các hệ sao Upsilon Andromedae.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Ray Jayawardhana, cho biết rằng các nhà nghiên cứu có thể xác nhận được bức xạ vô tuyến đến từ chòm sao Boötes là thật, điều này có thể mở ra một đường hướng mới trong việc tìm hiểu về các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời. Đó có thể là một cách mới mẻ để nghiên cứu những thế giới xa lạ ngoài vũ trụ cách Trái Đất rất nhiều năm ánh sáng.
Cho đến nay, giới khoa học đã ghi nhận sự tồn tại của hơn 4.500 hành tinh ngoài Hệ Mặt trời. Tuy vậy, chỉ một số lượng nhỏ trong số những hành tinh này được cho là sở hữu các đặc điểm phù hợp để có thể chứa đựng và nuôi dưỡng sự sống.
Nguồn: Vtv.vn